Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay trượt nhẹ
Giá dầu thế giới hôm nay trượt nhẹ; Giá khí tự nhiên tại thị trường Mỹ cũng diễn biến với xu hướng tương tự...

Ảnh: Internet
Giá dầu hôm nay trượt nhẹ
Tính đến đầu giờ chiều nay 17/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 66,56 USD/thùng - tăng 0,18%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 68,55 USD/thùng - tăng 0,04%.
Giá dầu thế giới tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm nhẹ khi tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất tại Mỹ tăng mạnh, cùng với lo ngại về tác động từ chính sách thuế mới của chính quyền Tổng thống Trump đã lấn át các dấu hiệu tích cực về nhu cầu dầu trên thế giới.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho xăng tại Mỹ trong tuần qua tăng thêm 3,4 triệu thùng, trái ngược với dự kiến giảm 1 triệu thùng. Tồn kho sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng 4,2 triệu thùng, vượt xa mức dự báo tăng 200.000 thùng. Tuy nhiên, tồn kho dầu thô giảm 3,9 triệu thùng, xuống còn 422,2 triệu thùng, nhiều hơn so với mức dự báo giảm 552.000 thùng.
Căng thẳng thương mại gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa các biện pháp trừng phạt kinh tế "rất nghiêm khắc" nếu Moscow không tuân thủ thời hạn 50 ngày để đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột với Ukraine. Ủy ban châu Âu (EC) cũng đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả nếu đàm phán thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ thất bại.
Tại Trung Quốc, các nhà máy lọc dầu quốc doanh đang tăng sản lượng sau khi hoàn tất bảo trì, nhằm đáp ứng nhu cầu nhiên liệu tăng cao trong quý III và bổ sung lượng tồn kho xăng, dầu diesel vốn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.
Ngân hàng Barclays ước tính nhu cầu dầu của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay tăng 400.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 17,2 triệu thùng/ngày.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm nhẹ
Tính đến đầu giờ chiều nay 17/7 (theo giờ Việt Nam), giá khí tự nhiên tại thị trường Mỹ giao dịch ở ngưỡng 3,545 USD/mmBTU - giảm 0,17%.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ - theo chỉ số Henry Hub - đã tăng hơn 2% trong tuần qua khi dự báo nắng nóng lan rộng qua khu vực miền Trung và Đông, thúc đẩy nhu cầu làm mát và sử dụng điện năng. Đồng thời, sự sụt giảm nhẹ trong số lượng giàn khoan - hiện chỉ còn 537, thấp nhất kể từ năm 2021 - cho thấy các công ty năng lượng chuyển từ mở rộng sản lượng sang cải thiện hiệu quả vốn. Dù hoạt động xuất khẩu LNG từ các cơ sở như Sabine Pass hay Freeport bị gián đoạn do bảo trì, nhu cầu nội địa mạnh hơn khiến giá bình quân vẫn giữ vững quanh 3,4 USD/MMBtu.
Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã tăng liên tiếp năm phiên do đợt nắng nóng tại Đông Bắc Á khiến tồn kho tại Hàn Quốc và Nhật Bản giảm mạnh, trong khu nhu cầu khí đốt tại khu vực này tăng mạnh.
Hợp đồng khí đốt TTF giao tháng trước (chuẩn châu Âu) tăng lên 35 euro/MWh (tương đương 13 USD/mmBtu) khi lời đe dọa áp thuế của Trump khiến giá có xu hướng tăng.
Tính đến ngày 15/7, tồn kho khí đốt của EU đạt 63% - thấp hơn 17 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái - cho thấy nhu cầu LNG nhập khẩu sẽ tăng tốc vào tháng 8-9, sau khi lượng LNG nhập tháng 6 chỉ đạt 9,1 triệu tấn, giảm 2% so với tháng 5.
Tại châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đang tích cực tăng kho dự trữ chiến lược, trong đó Trung Quốc dự kiến bổ sung 10 tỷ m³ vào cuối năm 2025.
Doanh số bán xe điện ảnh hưởng tới nhu cầu dầu của Trung Quốc
Trong năm qua, mức tiêu thụ nhiên liệu vận tải đường bộ, bao gồm xăng và dầu diesel đã giảm so với mức của chỉ hai năm trước, khi Trung Quốc đang hồi phục sau gần ba năm đại dịch Covid-19.
Điều này không chỉ do nhu cầu bị dồn nén từ năm 2023, mà phần lớn nhu cầu xăng và dầu diesel giảm là do doanh số bán xe ô tô chở khách, xe tải điện và xe tải hạng nặng chạy bằng nhiên liệu LNG tăng vọt.
Mặc dù nhu cầu nhiên liệu đường bộ của Trung Quốc dường như đã đạt đỉnh, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới vẫn là một yếu tố quan trọng định hình xu hướng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu và là động lực chính của giá dầu.
Tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã vượt mục tiêu chính thức "khoảng 5%". Tăng trưởng GDP quý II đạt 5,2%, vượt nhẹ kỳ vọng 5,1% của các nhà phân tích, mặc dù tăng trưởng kinh tế đã chậm lại so với mức 5,4% trong quý I năm 2025.
Cho đến nay, xuất khẩu vẫn duy trì được đà tăng trưởng, bất chấp chiến tranh thương mại và thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, theo phân tích của Energy Intelligence dựa trên dữ liệu từ Cục Thống kê và Hải quan Quốc gia Trung Quốc, tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc vào năm 2025 dự kiến sẽ gần như tương đương với năm ngoái - chỉ hơn 100.000 thùng/ngày.
Theo ước tính của Energy Intelligence, nhu cầu xăng và diesel của Trung Quốc trong tháng 5 hầu như không thay đổi so với tháng 4. Tuy nhiên, ước tính cho thấy nhu cầu xăng đã giảm 9% và mức tiêu thụ dầu diesel giảm 6% so với tháng 5/2024.
Một phần lớn sự sụt giảm này là do doanh số bán xe điện mới tăng vọt.