Tin Thị trường: Giá khí đốt tự nhiên bất ngờ giảm mạnh

Giá khí đốt tự nhiên bất ngờ giảm mạnh; Giá dầu thế giới đi ngang khi thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Giáng sinh...

Nguồn: Internet

Nguồn: Internet

Giá khí đốt tự nhiên bất ngờ giảm mạnh

Tính đến đầu giờ chiều nay 26/12 (theo giờ Việt Nam), giá khí đốt tự nhiên ghi nhận mức giảm mạnh 4,18%, xuống còn 3,781 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 1/2025.

Giá khí đốt tại Mỹ phần lớn trong năm 2024 chịu áp lực do thời tiết ôn hòa và lượng dự trữ cao hơn mức trung bình. Giá giao ngay Henry Hub trung bình đạt hơn 2 USD/MMBtu vào tháng 11, giảm từ mức 2,2 USD vào tháng 10. Đầu mùa đông, dự trữ khí đốt cao hơn mức trung bình 5 năm khoảng 6%.

Thời tiết lạnh vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 đã đẩy giá tăng, với dự báo giá khí Henry Hub trung bình đạt 3 USD/MMBtu trong mùa sưởi ấm kéo dài đến tháng 3/2025. Ngay cả với các đợt rút khí dự kiến, mức dự trữ vào cuối tháng 3/2025 được kỳ vọng ở mức 1.920 Bcf, cao hơn mức trung bình của 5 năm qua khoảng 2%. Tuy nhiên, dự báo thời tiết ôn hòa trong Quý I/2025 có thể hạn chế các đợt rút khí mạnh hơn.

Nhu cầu LNG từ Châu Âu vẫn là động lực quan trọng cho xuất khẩu của Mỹ. Năm 2024, EU nhập khẩu 16,5 triệu tấn LNG từ Nga, chiếm 20% tổng lượng nhập khẩu LNG của khối. Mặc dù EU đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung Nga, giá cạnh tranh và cơ hội mua hàng đã thúc đẩy mức nhập khẩu này.

Một điểm nóng đáng chú ý là thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa hai nước sẽ chính thức hết hạn sau ngày 31/12/2024. Hungary và các nước Đông Âu khác đang đàm phán để duy trì dòng khí qua Ukraine, nhưng còn nhiều bất ổn.

Giá dầu thế giới đi ngang

Tính đến đầu giờ chiều nay 26/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 70,16 USD/thùng - tăng 0,09%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 73,64 USD/thùng - tăng 0,08%.

Giá xăng dầu thế giới có xu hướng ổn định sau những biến động nhẹ trong các phiên trước đó. Do thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Giáng sinh, thanh khoản thấp đã khiến giá ổn định hơn.

Giá dầu thô dự kiến sẽ phải đối mặt với những trở ngại vào năm 2025, khi các nhà phân tích phần lớn dự đoán thị trường giảm giá do sản lượng ngoài OPEC+ gia tăng và nhu cầu tăng trưởng yếu. Mặc dù hầu hết các dự báo đều đồng ý về một thị trường được cung cấp đầy đủ, nhưng mức độ rủi ro giảm giá lại khác nhau. Một số nhà phân tích dự đoán giá dầu thô Brent sẽ ổn định ở mức thấp của phạm vi 70 đô la, trong khi những người khác cảnh báo về khả năng lao dốc xuống dưới 50 đô la một thùng nếu điều kiện kinh tế xấu đi đáng kể.

Triển vọng của thị trường dầu trong năm tới đang chịu tác động tiêu cực khi nguồn cung từ các quốc gia ngoài Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những nước liên minh, hay còn gọi là OPEC+, đang ngày càng tăng, trong khi nhu cầu chậm lại, chủ yếu ở Trung Quốc.

Một nước Châu Âu tìm cách nhập khí đốt Nga

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal mới đây tuyên bố, nước này sẽ không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ quốc gia Đông Âu này, sau khi hợp đồng thương mại giữa hai bên hết hạn vào ngày 31/12/2024.

Slovakia và các quốc gia khác đang nhận khí đốt từ Nga thông qua tuyến đường ống dẫn qua Ukraine đang tích cực đàm phán để tránh việc nguồn cung bị gián đoạn.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico nhận định, việc duy trì vận chuyển khí đốt không chỉ là vấn đề song phương với các nước láng giềng của Ukraine mà còn là vấn đề của toàn khối 27 thành viên.

Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Denisa Sakova cho biết, các nước và công ty Châu Âu có nhu cầu nhập khoảng 15 tỷ m3 khí đốt Nga trong năm tới thông qua Ukraine và đang đàm phán để đảm bảo nguồn cung mới. Slovakia hy vọng có thể đạt được thỏa thuận cung cấp khí đốt trong 2-3 năm tới.

Trong khi đó, Moldova cũng đang đàm phán để đảm bảo nguồn cung từ Gazprom và xem xét phương án nhận khí đốt Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Romania.

Các quan chức EU cho biết, trong khối đã có những cuộc thảo luận về khả năng vận chuyển khí đốt từ Azerbaijan đến các nước Châu Âu qua lãnh thổ Ukraine.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-gia-khi-dot-tu-nhien-bat-ngo-giam-manh-722486.html