Tin tức kinh tế ngày 19/7/2024: gần 50 triệu người Việt mua sắm online

Giá vàng nhẫn cùng vàng thế giới đảo chiều giảm mạnh; gần 50 triệu người Việt mua sắm online; xuất khẩu gạo dự báo khởi sắc cuối năm… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 19/7.

Giá vàng nhẫn cùng vàng thế giới đảo chiều giảm mạnh

Giá vàng thế giới trong ngày 19/7 giao ngay ở 2.416,6 USD/ounce, giảm 50,41 USD/ounce so với giá vàng chốt phiên giao dịch.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 19/7, giá vàng SJC trong nước niêm yết ở mức 78,50 - 80 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và và bán ra, so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 78,50 – 80 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và và bán ra, so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Trong khi vàng miếng chững lại, vàng nhẫn quay xe giảm mạnh theo xu hướng đi xuống của vàng thế giới. Theo đó, tại Công ty SJC, giá vàng nhẫn được nêm yết ở mức 75,9 - 77,4 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng so với hôm qua. Tập đoàn DOJI cũng giảm khoảng 500.000 đồng/lượng xuống 76,1 - 77,35 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Bảo Tín Minh Châu cũng niêm yết mức tương tự, áp dụng giá vàng nhẫn là 76,08 - 77,38 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).

Gần 50 triệu người Việt mua sắm online

Theo số liệu thống kê, Việt Nam có hơn 41% dân số tương đương với gần 50 triệu người mua sắm online, tỷ lệ này được cho là cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tin tức kinh tế ngày 19/7/2024: gần 50 triệu người Việt mua sắm online. Ảnh minh họa.

Tin tức kinh tế ngày 19/7/2024: gần 50 triệu người Việt mua sắm online. Ảnh minh họa.

Trong quý I/2024 ghi nhận có tổng cộng hơn 766 triệu đơn hàng được giao thành công tới tay người tiêu dùng, tăng hơn 83 % so với cùng kỳ năm 2023.

Dự kiến trong quý II tổng doanh thu trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam sẽ đạt trên 84.000 tỷ đồng với hơn 882 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra, tăng gần 14% so với quý 1/2024.

Cũng theo dữ liệu thống kê của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam bình quân 16-30% một năm. Dẫn theo số liệu Báo cáo của Google, Temasek & Bain, khoảng 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm online năm 2022, chủ yếu tại đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Kinh tế số của Việt Nam tăng ở mức hơn 20% trong vài năm trở lại đây, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Quy mô kinh tế số dự kiến đạt trên 30 tỷ USD năm 2023, và sẽ tăng lên 45 tỷ USD vào 2025. Trong đó, riêng thương mại điện tử có thể đạt 24 tỷ USD vào 2025 và tăng lên 60 tỷ USD vào năm 2030.

Xuất khẩu gạo dự báo khởi sắc cuối năm

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, cả nước đã thu hoạch được gần 400.000ha lúa Hè Thu với năng suất ước đạt 6,2 tấn/ha. Nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới đang tăng lên khiến nhiều doanh nghiệp dự báo, xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc vào cuối năm nay.

Hiện giá xuất khẩu bình quân gạo 5% tấm là 600 USD/tấn và loại 25% tấm là 544 USD.

Dù thấp hơn mức giá hồi đầu năm, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, vẫn tăng khoảng 30-35%. Philippines, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc vẫn là những thị trường tiêu thụ chính của gạo Việt Nam. Việt Nam cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Đề xuất giữ nguyên lãi suất 0% với tiền gửi bằng USD

Trong bối cảnh kinh tế giảm mạnh, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán giảm từ 11,06% năm 2014 xuống khoảng 6,05% tính đến tháng 6/2024; tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng có xu hướng giảm… Theo báo cáo của VBSC, lãi suất huy động có thể tăng trở lại, với mức tăng khoảng 50 - 100 điểm cho cả năm 2024.

Trong khi đó, lãi suất cho vay trung bình được kỳ vọng đi ngang; tuy nhiên, có sự phân hóa giữa các ngành nghề trong bối cảnh NHNN tiếp tục chủ trương hỗ trợ các chủ thể trong nền kinh tế. Đáng chú ý, đang có những đề xuất về việc giữ nguyên lãi suất 0% với tiền gửi bằng đồng USD. Cụ thể, theo ngân hàng Nhà nước, việc áp dụng chính sách lãi suất 0% với tiền gửi USD đã khiến tỷ lệ “đô la hóa” trong nền kinh tế giảm mạnh.

Tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán giảm từ mức 11,06% năm 2014 xuống khoảng 6,05% tính đến tháng 6/2024. Vì vậy, các chuyên gia đề xuất, nên giữ nguyên lãi suất 0% với tiền gửi bằng đồng USD. Đồng thời, Việt Nam nên kiên định chuyển từ huy động - cho vay ngoại tệ sang mua - bán ngoại tệ, từ đó nâng cao vị thế của VND.

Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu ở Lạng Sơn đạt hơn 32 tỷ USD

Từ đầu năm đến nay, hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ở tất cả các loại hình hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn lũy kế đến giữa tháng 7 đạt trên 32 tỷ USD. Con số này khẳng định vị trí cửa ngõ đặc biệt quan trọng của các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn trong giao thương biên mậu thời gian qua.

Tại những cửa khẩu đang thực hiện các hoạt động thông quan ở Lạng Sơn, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị vẫn là cửa khẩu giao thương sôi động nhất.

Thống kê cho thấy, trung bình mỗi ngày cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thực hiện giải quyết thông quan cho trên 800 phương tiện; trong đó xuất khẩu khoảng trên dưới 200 xe, nhập khẩu khoảng 600 xe. Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu là hoa quả tươi, máy móc công nghiệp, đồ gia dụng tiêu dùng, linh kiện điện tử…

Đoàn Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-19-7-2024gan-50-trieu-nguoi-viet-mua-sam-online.html