Tình báo quốc phòng - Lực lượng kiến tạo chiến công thầm lặng từ trong lòng địch

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chiến trường không chỉ diễn ra ngoài mặt trận mà còn diễn ra ngay trong lòng địch - nơi những chiến sĩ tình báo xuất sắc nhất của quân đội ta lặng lẽ lập những chiến công.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam ta đã tạo ra “những chiến công lịch sử mà như huyền thoại”. Hoạt động tình báo quốc phòng góp phần quan trọng và mang tính quyết định trong nhiều chiến dịch quân sự, tạo nên chiến thắng mang tính chiến lược. Thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với đỉnh cao là Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp với nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của lực lượng Tình báo quân sự Việt Nam.

Trung tướng Võ Viết Thanh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM. (Ảnh: Lao động)

Trung tướng Võ Viết Thanh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM. (Ảnh: Lao động)

Trung tướng Võ Viết Thanh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM nhớ lại: "Khi đó, tôi coi Phạm Ngọc Thảo là kẻ thù. Phạm Ngọc Thảo ngồi đối diện với tôi, nói rằng hôm nay trả tự do cho em, sau khi ra tù còn tiếp tục muốn học văn hóa thêm thì đến tôi giúp đỡ cho. Lúc này tôi mới có phép lịch sự, đứng dậy đi lại cầm giấy trả tự do cảm ơn tỉnh trưởng, trở về căn cứ tiếp tục tham gia cách mạng".

Trung tướng Võ Viết Thanh nhớ lại ngày được tỉnh trưởng Kiến Hòa Phạm Ngọc Thảo trao quyết định trả tự do vào năm 1960. Ông là một trong số hơn 2.000 tù nhân chính trị được thả vào thời điểm đó ngay khi Phạm Ngọc Thảo nhậm chức tỉnh trưởng Kiến Hòa. Cùng với quyết định này, Phạm Ngọc Thảo còn khôn khéo lái các cuộc hành quân của địch vào chỗ không người, bảo toàn lực lượng cách mạng, góp phần vào thắng lợi của phong trào đồng khởi Bến Tre. Dưới danh nghĩa một sĩ quan cao cấp quân đội, có tiếng nói, có ảnh hưởng lớn đối với chính trường Sài Gòn, ông đã tham gia, tổ chức hàng loạt vụ đảo chính làm rung chuyển nền chính trị miền Nam những năm 1964-1965, gây mất ổn định nghiêm trọng chế độ Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam. Ông hy sinh vào đêm 17/7/1965 sau cuộc đảo chính bất thành khi mới 43 tuổi. Cho đến lúc hy sinh, không ai biết ông là một chiến sỹ tình báo cộng sản.

Vị đại tá tình báo 2 chế độ đã để lại dấu ấn sâu đậm với người dân Bến Tre bằng chính sinh mạng của mình, bằng cả ẩn số về mối liên quan với sự thành công của cuộc đồng khởi năm 1960: "Một số lần tôi gặp đồng chí Lê Duẩn thì tôi mới biết chính thức là Trung tá Phạm Ngọc Thảo là người của ta xây dựng đưa vào lòng địch để hoạt động. Thì chúng ta đã biết, đồng chí Phạm Ngọc Thảo đơn tuyến nằm trong lòng địch tùy nghi xoay sở thì làm sao ai theo dõi ghi chép được điều đó."

Đại tá Phạm Ngọc Thảo khi là Tỉnh trưởng Bến Tre

Đại tá Phạm Ngọc Thảo khi là Tỉnh trưởng Bến Tre

Cùng luồn sâu vào hàng ngũ của địch, nhưng nhiệm vụ của nhà tình báo chiến lược huyền thoại Phạm Xuân Ẩn là thu thập, khai thác tin tức chuyển về cho tổ chức. Với vai trò là một nhà báo, X6- Trần Văn Trung hay Hai Trung - phóng viên của hãng tin Reuters, tạp chí Time và tờ báo New York Herald Tribune đã tạo được một vỏ bọc hoàn hảo. Trong suốt thời gian từ năm 1959 đến 1975, những tin tức và phân tích của Phạm Xuân Ẩn chuyển về đóng góp cực kỳ quan trọng tới những thắng lợi trên chiến trường. Trong đó cần phải kể như trận Ấp Bắc năm 1963, cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu thân năm 1968, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (năm 1971) làm thất bại “Cuộc hành quân Lam Sơn 719” của Mỹ, ngụy nói riêng, Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” nói chung, Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 mở màn thắng lợi cho chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt lịch sử , thúc đẩy nhanh tiến trình của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...

Điệp viên anh hùng Phạm Xuân Ẩn. Ảnh tư liệu

Điệp viên anh hùng Phạm Xuân Ẩn. Ảnh tư liệu

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang) – nguyên cụm trưởng cụm tình báo H63, người chỉ huy trực tiếp của Phạm Xuân Ẩn cho biết, mạng lưới H63 đã cùng “con át chủ bài” Phạm Xuân Ẩn hoạt động an toàn cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng là một kỳ tích: "Cụm tình báo H63 tổ chức thành 3 bộ phận, một là các điệp viên nằm trong thành như PHạm Xuân Ẩn, Nguyễn Thị Mỹ Nhung và ông Hoàng Nam Sơn. Người chủ yếu trên giao cho tôi là Phạm Xuân Ẩn, phải tổ chức đường dây từ Sài Gòn về Trung ương Cục. Nhiệm vụ của Phạm Xuân Ẩn là lấy tài liệu, tin tức của địch.Suốt từ năm 1962 đến 1975 cùng đi với Phạm Xuân Ẩn mà trong những điệp vụ nguy hiểm, anh em phải hạ quyết tâm luôn trung thành với cách mạng, một lòng với Tổ quốc. Người đã vô ngành tình báo rồi thì phải xác định một ngày nào đó mình cũng bị bắt hoặc là hy sinh. Bởi nhiệm vụ rất nguy hiểm. Bộ máy cảnh sát của địch cũng dữ lắm. Nhiều cụm tình báo bị bể là vì vậy!"

Trong những chiến công của lực lượng tình báo Quốc phòng nói riêng của quân đội nói chung không thể không kể đến những mạng lưới tình báo cùng những con người huyền thoại như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Nguyễn Văn Minh, Đặng Trần Đức, Nguyễn Văn Tàu...

Bản thân họ đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Họ hi sinh thầm lặng, gạt bỏ tình riêng vì nghĩa lớn, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; và thực hiện rất tốt nguyên tắc cự ly, đơn tuyến, âm thầm phát triển cao sâu trong lòng địch. Mặc dù bản thân họ là người cán bộ hoạt động đơn tuyến nhưng luôn tự giác khép mình vào tổ chức, giữ gìn phẩm chất, bản lĩnh kiên trung và đặc biệt là với mục tiêu tổ chức giao cho mình...với mục đích cuối cùng là thu thập được những dòng tin có thể làm xoay chuyển thế chiến lược.

Sự ác liệt của cuộc chiến tranh không chỉ ở trên mặt trận mà còn diễn ra ngay trong lòng địch – nơi những chiến sỹ tình báo – người góp phần kiến tạo nên những chiến công thầm lặng của quân đội ta phải đơn độc đứng giữa 2 làn đạn. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tình báo là tai mắt của Đảng, của quân đội, trách nhiệm rất quan trọng… Muốn biết địch thì phải có tình báo giỏi. Muốn khỏi địch biết ta, cũng phải có tình báo giỏi...”, những chiến sỹ tình báo luôn xác định “ra đi là không có ngày trở về”, nguyện hy sinh thân mình để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, viết nên những trang sử hào hùng của ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam.

Thu Hòa/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/tinh-bao-quoc-phong-luc-luong-kien-tao-chien-cong-tham-lang-tu-trong-long-dich-post1130102.vov