'Tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt - Lào là vĩ đại'

Sự giúp đỡ, đoàn kết giữa cách mạng Việt Nam và Lào, đặc biệt là tình đoàn kết liên minh chiến đấu giữa quân đội Lào với các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam là một biểu hiện sinh động của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong suốt những năm kháng chiến.

Chặng đường lịch sử đầy khó khăn của hai dân tộc Việt Nam và Lào, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam trên nước bạn Lào đã trở thành biểu tượng cao đẹp của tinh thần đoàn kết quốc tế, “hạt gạo chia đôi, bát cơm sẻ nửa” giữa hai dân tộc.

Trong suốt những năm tháng chiến đấu chống kẻ thù chung, biết bao máu xương của chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã ngã xuống, họ vĩnh viễn nằm lại trên những núi đồi, đồng ruộng của đất nước Triệu Voi xinh đẹp. Đó là minh chứng sinh động cho tình đoàn kết gắn bó thủy chung, son sắt đặc biệt giữa hai quốc gia, hai dân tộc.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949 - 30/10/2024), phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Sử học Lê Văn Phong thuộc Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Tiến sĩ Sử học Lê Văn Phong, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Tiến sĩ Sử học Lê Văn Phong, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

PV: Là người có nhiều công trình nghiên cứu về mối quan hệ Việt Nam và Lào, đặc biệt là các hoạt động của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào, ông có thể cho biết trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam còn vô vàn khó khăn, gian khổ nhưng chúng ta đã thành lập và tổ chức lực lượng quân tình nguyện sang giúp nước bạn Lào. Đó là một hành động, một nghĩa cử hết sức cao đẹp, thưa ông?

TS Lê Văn Phong: Sau khi Việt Nam và Lào giành được độc lập, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ 2. Trước một kẻ thù xâm lược trở lại như vậy, phát huy tình đoàn kết chiến đấu những năm trước đó, đặc biệt là trên cơ sở Hiệp định thành lập Liên quân Lào - Việt ngày 30/10/1945, Đảng, Nhà nước và quân đội Việt Nam đã cử lực lượng vũ trang Việt Nam sang giúp cách mạng Lào kháng chiến và kiến quốc. Đến ngày 30/10/1949, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam giúp cách mạng Lào được mang tên là quân tình nguyện.

Sau khi lực lượng vũ trang Việt Nam được mang tên là quân tình nguyện thì số lượng quân tình nguyện Việt Nam tại Lào ngày càng phát triển và chính sự cống hiến, hy sinh của các chiến sĩ tình nguyện bộ đội Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng giúp cách mạng Lào đánh thắng thực dân Pháp và kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.

Khi bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, trước một kẻ thù có tiềm lực quân sự và kinh tế mạnh hơn ta rất nhiều lần thì chế độ giúp Quân đội nhân dân Lào của Việt Nam có sự thay đổi. Năm 1954, đoàn Cố vấn 100 được thành lập. Trong 4 năm đầu giúp nhân dân Lào đấu tranh chống Mỹ, năm 1959 Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập Đoàn chuyên gia 959 thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào.

Từ đây ở cách mạng Lào xuất hiện hai lực lượng, một là lực lượng quân tình nguyện, hai là lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp Lào. Đó là một tài sản vô giá và là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng hai nước. Bởi vì, trong mỗi bước đường phát triển của cách mạng Lào đều có sự giúp đỡ và có dấu ấn của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam.

Quân tình nguyện Việt Nam và quân đội giải phóng nhân dân Lào (Ảnh tư liệu)

Quân tình nguyện Việt Nam và quân đội giải phóng nhân dân Lào (Ảnh tư liệu)

PV: Trong bối cảnh lúc đó, nhiệm vụ chính của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam là tập trung giúp bạn xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang để có tiềm lực đủ mạnh mở các chiến dịch lớn, làm xoay chuyển cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho cách mạng Lào?

TS Lê Văn Phong: Về sự giúp đỡ của Quân đội nhân dân Việt Nam với Lào gồm hai lực lượng chính là quân tình nguyện và chuyên gia. Đây là một trong những bộ phận đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện trong điều kiện xa sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, chúng ta đã tập trung giúp bạn những nội dung cơ bản nhất và then chốt nhất của sự nghiệp cách mạng, đó là giúp xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, làm nòng cốt cho cho thế trận chiến tranh nhân dân ở Lào; giúp bạn xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, chống lại các chiến lược chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trên thực tế, với sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình, bằng vận dụng kinh nghiệm của Việt Nam, bằng sự sáng tạo của cán bộ chuyên gia Việt Nam tại Lào thì sự giúp đỡ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hết sức hiệu quả. Từ đó giúp quân đội Pathét Lào phát triển từng bước vững chắc và trở thành lực lượng quan trọng, góp phần cùng với các đơn vị chủ lực và quân tình nguyện Việt Nam mở các chiến dịch lớn thắng lợi, tạo bước ngoặt cho phát triển cách mạng Lào và hỗ trợ tích cực trở lại đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.

PV: Sự giúp đỡ có thể nói là chí nghĩa, chí tình đặc biệt mà hiếm có, hiếm thấy trong mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lịch sử, thưa ông?

TS Lê Văn Phong: Sự giúp đỡ, đoàn kết giữa cách mạng Việt Nam và Lào, đặc biệt là tình đoàn kết liên minh chiến đấu giữa quân đội Lào với các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam là một biểu hiện sinh động của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong suốt những năm kháng chiến. Chính sự giúp đỡ có một không hai đó thì cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào đã có sự phát triển vượt bậc.

Chính vì vậy, tôi cho rằng nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào, chúng ta góp phần tuyên truyền giáo dục về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, về tình liên minh chiến đấu đặc biệt giữa hai quân đội. Qua đó để các thế hệ trẻ Việt Nam và Lào có một sự nỗ lực cống hiến hơn trong xây dựng mối quan hệ Việt Nam - Lào trong thời kỳ mới, để thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng nói là "trong lịch sử cách mạng thế giới từng có có nhiều mối quan hệ nhưng chưa ở đâu, chưa bao giờ có sự liên minh chiến đấu đặc biệt và toàn diện đến như vậy".

Bộ đội tình nguyện Việt Nam chia tay các bạn Lào trước khi trở về nước. (Nguồn: Sách ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)

Bộ đội tình nguyện Việt Nam chia tay các bạn Lào trước khi trở về nước. (Nguồn: Sách ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)

PV: Nhiều ý kiến, nhận định cho rằng, mối quan hệ và tình đoàn kết liên minh chiến đấu của hai dân tộc Việt Nam và Lào không chỉ đặc biệt, hiếm có mà nó vượt lên, bao trùm lên, đó là một tinh thần đoàn kết, hợp tác thật sự vĩ đại. Ông có suy nghĩ như thế nào về nhận định này?

TS Lê Văn Phong: Thực ra cái vĩ đại được khẳng định từ suốt chiều dài lịch sử, bởi vì Việt Nam và Lào có mối quan hệ tương đồng về chính trị, về kinh tế - văn hóa, đặc biệt có nhiều lần chung vận mệnh lịch sử, vì vậy nhân dân hai dân tộc đã đoàn kết chiến đấu bên nhau từ rất sớm.

Phát huy tinh thần đoàn kết, chiến đấu đó, nên khi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam và Lào thì Đảng, Nhà nước, quân đội Việt Nam cử các lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam sang chiến đấu tại Lào. Sự cống hiến, hi sinh giúp đỡ từ chủ trương, đường lối đến quá trình tổ chức thực hiện các chiến dịch, các trận đánh, để có một kết quả cuối cùng là cách mạng Lào thắng lợi.

Tôi khẳng định rằng, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào và tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt - Lào là vĩ đại và sự vĩ đại đó được thể hiện trong suốt chiều dài 75 năm qua, đến bây giờ chúng ta vẫn tiếp tục phát huy trong bối cảnh lịch sử mới.

PV: Từ mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt hiếm có, vĩ đại giữa hai dân tộc và quân đội hai nước trong lịch sử như vậy, ông có suy nghĩ như thế nào về công tác giáo dục cho thế hệ trẻ hai nước trong bối cảnh hiện nay?

TS Lê Văn Phong: Theo tôi, chúng ta phải tích cực đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục đối với nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu một cách sâu sắc hơn nữa về tình đoàn kết liên minh chiến đấu giữa hai đảng, hai nhà nước, hai quân đội, đặc biệt là sự hi sinh, cống hiến của các thế hệ cán bộ chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới cần phản ánh rõ nét hơn sự cống hiến, hi sinh, sự đoàn kết giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai quân đội và sự hi sinh cống hiến của quân đội hai nước Việt - Lào vào trong chương trình. Bởi vì con đường ngắn nhất và trực tiếp nhất là con đường thông qua giáo dục, mà giáo dục trước hết là các bậc học, "mưa dầm thấm lâu", chúng ta sẽ tuyên truyền một cách rộng rãi, chính thống, từ đó con cháu và các thế hệ tiếp theo sẽ hiểu được và gìn giữ phát huy.

Đó là một trong những yếu tố cần phải làm tốt và nếu chúng ta làm tốt thì có thể phản bác lại toàn bộ các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

PV: Xin cảm ơn ông.

Trường Giang/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/tinh-doan-ket-lien-minh-chien-dau-viet-lao-la-vi-dai-post1130375.vov