Tình đồng đội

Trong cuộc sống, sẽ có rất nhiều người đi qua cuộc đời bạn, nhưng để tìm được người vừa là bạn tri kỷ vừa là đồng đội thật không dễ dàng.

Ngày ấy, tôi và Ngọc là hai đứa thân nhất trong tiểu đội. Ngọc xuất thân từ gia đình tư sản ở Sài Gòn. Sau giải phóng cả gia đình đi xây dựng kinh tế mới ở Đồng Phú và từ đây Ngọc đi nghĩa vụ quân sự (tháng 11-1976). Tôi và Ngọc có nhiều điểm giống nhau, cả hai đều tốt nghiệp THPT, mặc dù cuộc sống chúng tôi khác nhau nhưng luôn đồng quan điểm về tuổi trẻ, ước mơ và hoài bão.

Sau năm 1975, tôi thoát ly đi theo cách mạng thì Ngọc là sinh viên năm nhất. Hai đứa gặp nhau trong đơn vị, cùng tiểu đội nên thường xuyên tâm sự và trở nên thân thiết.

Ngọc có biệt tài là đờn guitar. Mỗi lúc rảnh rỗi cầm cây guitar lên là Ngọc quên hết đất trời, nắn nót từng phím đàn, phiêu du theo từng nốt nhạc. Mỗi khi nghe Ngọc solo nhạc Trịnh thì tâm hồn tôi như bay bổng, quên hết mọi mệt nhọc, kể cả khi ở chiến trường những lúc ngưng tiếng súng. Lúc đó, Ngọc thường tâm sự với tôi, chiến trường ngày càng khốc liệt, không biết ngày mai sống chết ra sao? Ngọc không sợ chết nhưng sợ nhất là bị thương, bị thương vào đâu cũng được nhưng đừng đụng đến bàn tay vì nó là niềm vui, niềm cảm hứng của Ngọc trong cuộc sống hôm nay và mãi mãi. Vừa đàn giỏi, hát hay nhưng Ngọc cũng là một chiến sĩ mưu trí và hết sức dũng cảm trong nhiều trận đánh ở Hoa Lư, cầu Cát Đai, đồi 102... Nhớ lúc đơn vị hành quân đánh vào huyện Sambo, tiêu diệt Tiểu đoàn Pol Pot cuối cùng của tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia đang co cụm trong khu rừng già tại đây. Sau hơn 2 giờ chiến đấu ác liệt, bộ đội Việt Nam đã đánh và tiêu diệt gần 100 tên Pol Pot, số còn lại rút chạy vào rừng già nương náu.

Thời đó việc yêu nhau, nhất là giữa bộ đội Việt Nam và các cô gái Khmer là điều cấm kỵ, bởi lẽ cuộc chiến vẫn chưa kết thúc và đây cũng là vi phạm trong 9 điều quy định của Quân đội nhân dân Việt Nam khi làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia. Thế nên, dù trong lòng thầm thương, trộm nhớ cô gái Khmer tên Chăn Thon, nhưng tôi vẫn luôn giữ kín bí mật trong lòng. Cho đến một ngày, tôi phát hiện, không chỉ tôi mà chính Ngọc cũng yêu cô gái xinh đẹp ấy. Nhưng Ngọc can đảm hơn tôi khi đã dám thổ lộ cùng cô ấy và hạnh phúc thay khi tình cảm của Ngọc đã được cô ấy đáp lại. Nói tôi không buồn là không đúng, nhưng thấy đôi bạn hạnh phúc tôi cũng vui lây.

Ngọc không dám nói chuyện này ra, cũng như giấu nhẹm không cho ai biết ngoài tôi, đến khi đơn vị có lệnh hành quân truy quét địch trong vòng 1 tháng. Đêm ấy tôi liều mạng gác thay để Ngọc đi chia tay với người yêu. Đêm ấy anh chị đã tâm sự suốt đêm bên dòng Mê Kông lộng gió và đã trao cho nhau tất cả vị ngọt của tình yêu. Chiến tranh thật khắc nghiệt, trong lần truy quét đó đơn vị vấp phải sự chống trả quyết liệt của bọn tàn quân Pol Pot và thương vong rất nhiều, trong đó có Ngọc. Viên đạn 12 ly 7 đã trúng vào cườm tay trái của Ngọc. Để giữ mạng sống cho Ngọc, bác sĩ quyết định cưa luôn bàn tay của Ngọc. Ngọc thiếp đi không hề hay biết. Tưởng như số trời đã định nhưng ngay trong đêm đó, 1 tiểu đoàn bộ binh của Campuchia nghe lời xúi giục của tàn quân Pol Pot phản chiến đánh thẳng vào Trạm xá K23 và vài đơn vị bộ đội Việt Nam khác. Mặc dù chỉ còn một tay nhưng Ngọc đã chiến đấu dũng cảm, một mình tiêu diệt hàng chục tên Pol Pot đến quả lựu đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh. Nghe tin Ngọc hy sinh, cả đơn vị ai cũng khóc, nhất là tôi, người bạn thân thiết với Ngọc. Chúng tôi biết nhau, hiểu nhau từng lời nói, hành động, san sẻ cùng nhau từ điếu thuốc, củ khoai. Chiến tranh tàn nhẫn đến thế là cùng, đã lấy đi bàn tay, giờ còn lấy luôn mạng sống của người bạn, người nhạc công tài hoa của đơn vị.

Thế nhưng, điều đau xót nhất là khi Ngọc ra đi đã để lại “giọt máu” của mình lại cho Chăn Thon. Cô ngã quỵ khi biết tin Ngọc hy sinh, còn tôi thì đau đớn không nói nên lời, chỉ biết động viên Chăn Thon cố gắng giữ gìn sức khỏe, giữ giọt máu của Ngọc. Tôi hứa sau khi đánh đuổi hết bọn Pol Pot, sẽ dẫn Chăn Thon qua Việt Nam thăm cha mẹ Ngọc.

Mãi đến cuối năm 1981 trên đường từ trận địa về tỉnh lỵ để về Việt Nam nghỉ phép, tôi tìm đến thăm Chăn Thon và gia đình, nhưng khi đến nơi thì bà con cho biết do xấu hổ vì không chồng mà có con nên cả gia đình bỏ quê hương lên Phnôm Pênh làm ăn sinh sống.

Thế là, số phận trớ trêu đã khiến tôi mất liên lạc với Chăn Thon. Tôi đã không thể giúp Ngọc chăm sóc vợ con anh ấy. Đó cũng chính là sự nuối tiếc khiến tôi trăn trở mãi. Tiếc cho một người bạn tài hoa mà vắn số. Tiếc cho một mối tình đẹp mà lại dang dở. Và tiếc cho một cô gái xinh đẹp lỡ dở tuổi xuân thì… Tất cả chỉ vì chiến tranh. Chiến tranh đã cướp đi của tôi một người bạn, một người tri kỷ và cũng là người đồng đội thân thiết. Thế nhưng chiến tranh không thể xóa nhòa hình ảnh Ngọc bên cây đàn guitar, với nét mặt lạc quan và tinh thần kiên cường. Tất cả hình ảnh ấy sẽ mãi là những ký ức không bao giờ phai trong trái tim tôi.

Minh Hoàng - Hồng Trang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/160244/tinh-dong-doi