Tỉnh Đồng Nai đề nghị đưa Lễ hội Sayangva vào Danh mục Di sản quốc gia
Tỉnh Đồng Nai đã xây dựng hoàn chỉnh hồ sơ về Lễ hội Sayangva của người Chơro, đề nghị Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày 14/8, tin từ Sở VHTT&DL tỉnh Đồng Nai cho biết, cơ quan này vừa trình lên UBND tỉnh hồ sơ Lễ hội Sayangva của người Chơro ở Đồng Nai để xem xét đề nghị Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo hồ sơ di sản, Đồng Nai là địa phương có số lượng người Chơro sinh sống nhiều nhất cả nước, với hơn 16,7 ngàn người (chiếm 56,7% người Chơro ở Việt Nam).
Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, người Chơro ở Đồng Nai đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, đặc biệt là người Chơro ở Lý Lịch (huyện Vĩnh Cửu), Túc Trưng (huyện Định Quán).
Người Chơro ở Đồng Nai có đời sống văn hóa truyền thống vô cùng phong phú, độc đáo, tiêu biểu được kế tục qua nhiều thế hệ. Trong đó, Lễ hội Sayangva (lễ cúng thần Lúa) là lễ hội truyền thống, có từ lâu đời được các thế hệ nối tiếp duy trì cho đến ngày nay.
Lễ hội Sayangva mang dấu ấn lễ nghi nông nghiệp, được tổ chức với mục đích tạ ơn thần linh, tổ tiên và đặc biệt là thần lúa đã cho cộng đồng mùa bội thu, nhà nhà được no đủ. Lễ hội đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, cố kết cộng đồng; là nơi thực hành các di sản văn hóa như: cồng chiêng, ẩm thực, lễ nghi, trang phục.
Trong định hướng dài hơi, Sở VHTT&DL tỉnh Đồng Nai sẽ xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Lễ hội Sayangva của người Chơro ở Đồng Nai giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2050.
Trong đó, chú trọng đến việc phân cấp quản lý, hỗ trợ đồng bào trong công tác bảo tồn và phát huy lễ hội gắn với nhiệm vụ thường xuyên của các địa phương, của các sở, ban, ngành trong tỉnh.
Sayangva là lễ hội truyền thống quan trọng và đặc sắc nhất của người Chơro ở Đồng Nai. Lễ hội thường được tổ chức từ ngày 15/2 đến ngày 15/4 âm lịch hàng năm.
Trong lễ hội, già làng và bà con mang các lễ vật như rượu cần, cơm lam, thịt heo, gà, vịt... tổ chức lễ tạ ơn thần linh đã cho một mùa bội thu và cầu xin mưa thuận gió hòa để mùa vụ năm sau nhà nhà được no đủ.