Tính đúng, đủ để có giá bán điện hợp lý, tạo động lực thu hút đầu tư

Việc tính đúng, tính đủ để có giá bán điện hợp lý là yêu cầu tất yếu, khách quan phục vụ cho sự phát triển bền vững của ngành điện và của nền kinh tế nói chung.

Ngành điện có vai trò, vị trí và đóng góp rất quan trọng

Đó là chia sẻ của Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại Tọa đàm “Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 20/8.

Luận bàn về những cơ chế, chính sách trong hoạt động thu hút đầu tư phát triển ngành điện cũng như các giải pháp đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển ngành điện, bảo đảm cân đối năng lượng quốc gia, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, ngành điện là ngành có vai trò, vị trí và đóng góp rất quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Ngành điện không chỉ quan trọng ở riêng nước ta mà quan trọng ở mọi quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng: Ngành điện vẫn còn thiếu tính thị trường. Ảnh: Nhật Bắc

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng: Ngành điện vẫn còn thiếu tính thị trường. Ảnh: Nhật Bắc

Nhìn từ góc độ thu hút đầu tư nước ngoài, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, độ bao phủ của việc cấp điện ngày càng được mở rộng và việc tiếp cận điện của người dân, người có hoàn cảnh khó khăn cũng ngày càng được mở rộng, được bảo đảm. Kết quả này có sự đóng góp của cơ chế chính sách.

Nếu nhìn từ góc độ thể thế, chính sách, không thể không ghi nhận nỗ lực của ngành Công Thương và đặc biệt là của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trong 5 năm trở lại đây, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam có sự đột biến và rất ngoạn mục. Trước đây xếp dưới 100 thì nay là một trong những chỉ số tiếp cận điện năng để so sánh quốc tế thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh. Đây là thực tế đã được ghi nhận.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải nhìn nhận lại, ngành điện phát triển rất năng động, đặc biệt gần đây với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và chống biến đổi khí hậu cũng như thay đổi về quá trình sản xuất kinh doanh, có rất nhiều yếu tố đòi hỏi ngành điện phải thay đổi, như là về cơ chế chính sách, cơ sở pháp lý, thiếu tính thị trường…

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa tán thành và khuyến nghị giải quyết một bất cập đã được Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị nêu ra là giá điện chưa tách bạch giữa giá với chính sách an sinh xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa tán thành và khuyến nghị giải quyết một bất cập đã được Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị nêu ra là giá điện chưa tách bạch giữa giá với chính sách an sinh xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng chung quan điểm, phân tích những khó khăn lớn trong thu hút đầu tư vào phát triển ngành điện, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng giá điện ta đang có 4 bất cập rất lớn.

Thứ nhất là giá điện chưa thực hiện theo cơ chế thị trường. Chúng ta đều biết toàn bộ chi phí đầu vào để sản xuất điện như than, khí, dầu, tỷ giá... đã theo thị trường. Giá thị trường thế giới thế nào, trong nước thế nào đều phản ánh vào giá hết. Thế nhưng giá đầu ra lại không phản ánh được những biến động của các chi phí đó; có lúc thì điều chỉnh quá lâu, có lúc điều chỉnh lại không tính đúng, tính đủ, không bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí đã bỏ ra để sản xuất kinh doanh điện. Cho nên sản xuất kinh doanh điện gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ hai, giá điện hiện nay chúng ta đang kỳ vọng và giao cho nó gánh vác nhiệm vụ đa mục tiêu. Chúng ta muốn phải tính đúng, tính đủ, bảo đảm bù đắp chi phí nhưng phải khuyến khích thu hút đầu tư, phải đảm bảo an sinh xã hội, phải bảo đảm an ninh năng lượng, kiểm soát lạm phát. Rất nhiều mục tiêu. Có những mục tiêu ngược chiều nhau. Xử lý các mục tiêu đó rất khó hài hòa, không đảm bảo được mong muốn mà chúng ta đặt ra. Cho nên chúng ta phải có tính toán hợp lý vai trò của giá điện, xem đâu là mũi nhọn.

Thứ ba là bất cập trong cơ chế bù chéo giá điện hiện nay, để kéo quá dài và lộ trình xử lý không rõ ràng.

Thứ tư là giá điện chưa tách bạch giữa giá với chính sách an sinh xã hội. Chúng ta chưa dứt khoát trong thực hiện các chính sách xã hội.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, phải tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường, nhưng đặc biệt phải minh bạch. Điều này Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội cũng yêu cầu. Giá điện phải minh bạch, phải tháo gỡ tất cả các rào cản.

“Tất nhiên không phải là thị trường thả nổi, thị trường phải có sự điều tiết của Nhà nước, vẫn phải có khâu Nhà nước độc quyền, tư nhân không thể 100% tham gia. Chúng ta phải chia sẻ vấn đề này" - vị chuyên gia nhấn mạnh.

Tính đúng, tính đủ sẽ tạo ra nguồn lực lớn cho hoạt động đầu tư

Ở góc độ doanh nghiệp, chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động đầu tư phát triển vào lĩnh vực điện năng hiện nay, ông Nguyễn Đình Tuấn - Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động cho biết, phải có rất nhiều cơ chế thu hút đầu tư, vì khi đầu tư người ta sẽ tính đến lợi nhuận mà lợi nhuận sẽ liên quan đến giá.

Ông Nguyễn Đình Tuấn – Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động: Để có thể phát triển đa dạng nguồn điện, phải có rất nhiều cơ chế thu hút đầu tư - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Nguyễn Đình Tuấn – Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động: Để có thể phát triển đa dạng nguồn điện, phải có rất nhiều cơ chế thu hút đầu tư - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh vấn đề giá, ông Tuấn thì hệ thống lưới điện cũng sẽ tác động lớn đến hoạt động đầu tư thu hút ngành điện. Đây là một bài toán, nếu như đầu tư lâu dài về mặt an toàn hệ thống, an ninh hệ thống cần phải có một hệ thống truyền tải đủ đảm bảo cũng như hệ thống truyền tải thông minh để có thể cân được nguồn từ các vùng, các miền, các thời điểm…

Không những vậy, cơ chế mua bán điện cũng là một thách thức. “Đó là những gì sẽ ảnh hưởng lâu dài, bền vững đến hệ thống điện Việt Nam”- ông Tuấn phân tích và cho rằng, cần giải quyết được những bài toàn trên, thì hút đầu tư vào ngành điện mới có nhiều đột phá.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cũng đề xuất cần thúc đẩy bán điện cạnh tranh, làm sao để có sự tham gia của nhiều bên hơn.

Tương tự, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cũng đồng tình, rào cản hiện nay vẫn còn đang xuất hiện nhiều chính là các thủ tục hành chính. Người ta đếm ra ở Luật Điện lực cũ có 17 thủ tục hành chính đối với đầu tư điện. Tất cả những rào cản hành chính như Nghị quyết 55 đã đề cập, kể cả về đầu tư, về giá... phải xóa bỏ để hướng đến tính thị trường nhiều hơn.

Tọa đàm “Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 20/8. Ảnh: Nhật Bắc

Tọa đàm “Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 20/8. Ảnh: Nhật Bắc

Như vậy, cách tính giá điện và hoạt động đầu tư vào lĩnh vững điện năng là 2 mặt của 1 vấn đề có quan hệ khăng khít, mật thiết và có tác động qua lại, bổ trợ cho nhau trong quá trình vận hành và phát triển.

Giá điện chưa phù hợp một mặt khiến ngành điện khó có đủ nguồn lực để đầu tư, phát triển; không tạo sức ép để các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng, nâng cao năng lực quản trị.

Ngược lại giá điện được tính đúng, tính đủ sẽ tạo ra nguồn lực lớn cho hoạt động tái đầu tư và mở rộng đầu tư của ngành điện cũng như thúc đẩy sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý.

Chúng ta không có lý do gì để bắt doanh nghiệp chịu lỗ trong sản xuất kinh doanh. Muốn bền vững thì phải công khai, minh bạch, win win - tức là cả hai cùng thắng trong câu chuyện hài hòa lợi ích doanh nghiệp - nhà nước và nhân dân.

Việc tính đúng, tính đủ để có giá bán điện hợp lý là một yêu cầu tất yếu, khách quan phục vụ cho sự phát triển bền vững của ngành điện nói riêng và của nền kinh tế cũng như phục vụ các mục tiêu xã hội nói chung.

Hoàng Giang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tinh-dung-du-de-co-gia-ban-dien-hop-ly-tao-dong-luc-thu-hut-dau-tu-340249.html