Tinh giản biên chế không dừng ở tiết kiệm về lượng, cần chuyển biến về chất

Thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức bộ máy trong phiên họp chiều nay, 2.6, một số ĐBQH đề nghị, cần hiểu đúng việc tinh giản biên chế không phải là tiết kiệm về số lượng, mà phải tạo chuyển biến về chất, dùng đúng người, đúng việc theo yêu cầu vị trí việc làm, và cần trao quyền quyết định cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị về vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba (Bình Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba (Bình Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Việc sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm trong các cơ quan nhà nước không mới. Khẳng định điều này, ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định) nêu rõ, công tác này có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bởi, bộ máy Nhà nước vững mạnh là điều kiện không thể thiếu để phát triển đất nước cũng như trong thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. "Bộ máy Nhà nước yếu kém sẽ tạo nguy cơ cao gây thất thoát, lãng phí không chỉ là những giá trị có thể tính toán được mà nghiêm trọng hơn, hệ lụy lâu dài hơn", đại biểu Đồng Ngọc Ba nêu rõ.

Và hệ lụy lâu dài hơn ở đây, theo đại biểu Đồng Ngọc Ba, đó là có thể làm "lãng phí cơ hội phát triển đất nước". Một đất nước, dù có nhiều tiềm năng và có các cơ hội phát triển, nhưng bộ máy yếu, không tận dụng được cơ hội thì có thể ví như một người có nhiều vốn khởi nghiệp làm giàu nhưng thiếu năng lực nên "chưa giàu đã già".

Đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ thời gian qua đã rất tích cực trong rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các bộ, ngành, chính quyền địa phương gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu, có những chỉ tiêu lần đầu tiên vượt như giảm biên chế công chức, giảm biên chế sự nghiệp, cán bộ làm chuyên trách cấp xã, tổ dân phố như trong Báo cáo của Chính phủ đã đưa ra.

Song, cũng trong báo cáo của Chính phủ, đại biểu Đồng Ngọc Ba lưu ý đến hạn chế "tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu". Chính phủ cần có đánh giá cụ thể hơn, có các thông tin, số liệu cụ thể, địa chỉ cụ thể để có các giải pháp khắc phục kịp thời. Nhiều cử tri và các nhà chuyên môn cho rằng, kết quả đổi mới của chúng ta về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong thời gian qua phần nhiều mới chỉ là "thay đổi về lượng, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển biến về chất".

Phân tích cụ thể hơn về hạn chế này, đại biểu Đồng Ngọc Ba nêu rõ, trong tổ chức bộ máy vẫn còn chồng chéo, trùng giẫm về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, còn nhiều trường hợp chưa thực hiện đúng nguyên tắc một việc chỉ do một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của chính quyền địa phương nhiều nơi chưa đồng bộ. Việc tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Từ thực trạng trên, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, làm cơ sở cho việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, đã thành lập Ban chỉ đạo về vấn đề này. Ban chỉ đạo cũng đã yêu cầu một số điểm xác đáng, như thực hiện nghiêm các tiêu chí thành lập tổ chức do Chính phủ quy định; thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thì thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan; cơ bản không tổ chức phòng trong vụ làm tốt công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với các công chức, viên chức dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. "Những yêu cầu này là rất xác đáng, cần quyết tâm thực hiện, bảo đảm thực chất, nhất là khi đã sang năm thứ hai của nhiệm kỳ", đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị.

Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long

Cùng với đó, cần chú trọng tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, vì nếu không làm tốt vấn đề này, thì không những không làm lành mạnh thêm mà còn làm suy giảm năng lực của bộ máy. Trên nhiều diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học đã chỉ ra thực tế, cách hiểu, cách xác định vị trí việc làm của các cơ quan hành chính ở nước hiện nay còn chưa thống nhất, chưa đầy đủ và thiếu cơ sở khoa học. Vì vậy, đề nghị "Chính phủ xem xét kỹ vấn đề này, khẩn trương ban hành các quy định, hướng dẫn về vị trí việc làm của công chức, viên chức, bảo đảm hợp lý, khoa học", đại biểu Đồng Ngọc Ba kiến nghị.

Về cải cách tiền lương theo Nghị quyết 54 ngày 12.4.2022 của Chính phủ, hiện đã giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng chế độ tiền lương mới. Đây là nội dung rất quan trọng, cử tri rất mong chờ. Khẳng định điều này, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Cùng với đó, Chính phủ cần bổ sung giải pháp cụ thể về tăng cường năng lực và đào tạo cán bộ, công chức, đặc biệt là vấn đề đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Thực tế, trong nhiều báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra vấn đề ở đây là năng lực áp dụng pháp luật là nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp thực hiện không đúng các quy định pháp luật. Đây là vấn đề mấu chốt trong tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.

Về lâu dài, theo đại biểu Đồng Ngọc Ba, bộ máy nhà nước cần được đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, chứ không chỉ là những sửa đổi mang tính "tình thế". Để thực hiện yêu cầu này, Chính phủ cần bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo hướng tổ chức các bộ đa ngành, khắc phục triệt để sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ. Tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình, phát huy đầy đủ vị trí, chức năng của Chính phủ là cơ quan hành chính ở nước cao nhất thực hiện quyền hành pháp. Chính phủ tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thi hành chính sách, pháp luật. Đó cũng là điều kiện không thể thiếu để chúng ta có thể sử dụng hiệu quả, chống lãng phí nguồn lực của đất nước, huy động trí tuệ xã hội và quản trị quốc gia, phục vụ phát triển đất nước đi đến phồn vinh, thịnh vượng, tất cả vì hạnh phúc của Nhân dân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cùng quan tâm đến vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho biết, theo báo cáo, việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2021 có kết quả đáng ghi nhận, biên chế công chức giảm hơn 10%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015, hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% đề ra tại Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, "cần phân tích kỹ lưỡng chất lượng tinh giản biên chế có tương ứng với số lượng tinh giản biên chế không". Bởi ở một số cơ quan, địa phương có tình trạng "cào bằng", dẫn đến một số đơn vị quá tải công việc, cần giữ nguyên số biên chế hiện có, nhưng lại phải cắt giảm biên chế theo yêu cầu chung.

"Cần hiểu đúng việc tinh giản biên chế không phải là tiết kiệm về số lượng, mà là dùng đúng người, đúng việc theo yêu cầu vị trí việc làm, cần trao quyền quyết định cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị về vấn đề này", đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/tinh-gian-bien-che-khong-dung-o-tiet-kiem-ve-luong-can-chuyen-bien-ve-chat-i291054/