Tinh giản biên chế thực chất, xóa tư duy 'biên chế suốt đời'
Dự Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sẽ cụ thể hóa yêu cầu tinh giản biên chế, sàng lọc, loại bỏ công chức không hoàn thành nhiệm vụ, xóa bỏ tư duy 'biên chế suốt đời'.
Mục tiêu trên được Chính phủ nêu trong Tờ trình dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày trước Quốc hội vào sáng nay, 7/5.
Dự thảo Luật sửa đổi gồm 7 Chương, 52 Điều (giảm 35 Điều so với luật hiện hành). Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định về liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã, quy định chuyển tiếp để cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định của luật này.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Dự thảo Luật sửa đổi tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về công vụ và cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời", trong đó cụ thể hóa yêu cầu tinh giản biên chế theo hướng thực chất, quy định về sàng lọc, loại bỏ công chức không hoàn thành nhiệm vụ.
Song song với đó, cụ thể hóa yêu cầu về đạo đức công vụ và trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, trong đó nhấn mạnh quy định về đạo đức của cán bộ, công chức, phù hợp với chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên", phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thể chế hóa chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công vụ.
Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc sửa đổi các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã, đồng thời nhận thấy việc liên thông tại thời điểm hiện nay đã đủ độ chín và là yêu cầu cấp thiết để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Ủy ban này cũng cơ bản tán thành quy định của dự thảo luật về đánh giá công chức theo hướng nhấn mạnh việc đánh giá theo kết quả, sản phẩm cụ thể theo từng vị trí việc làm; kết quả đánh giá là cơ sở để thực hiện chế độ, chính sách và để sàng lọc, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp hoặc cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm./.