Tinh gọn bộ máy, chậm nhất sau 5 năm phải sắp xếp xong cấp phó
Theo dự thảo, trường hợp số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định, chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định.
Chiều 12-2, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Sắp xếp tổ chức bộ máy tác động đến toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo quyết định của cấp có thẩm quyền có tác động trực tiếp, sâu rộng đến toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật.
Với số lượng rất lớn các văn bản cần xem xét, xử lý trong thời gian ngắn, ông Nguyễn Hải Ninh cho rằng việc đặt ra yêu cầu sửa đổi từng văn bản trong hệ thống là nhiệm vụ bất khả thi và có nguy cơ dẫn đến khoảng trống pháp lý khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước. Đồng thời, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, liên tục của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội.
“Ban hành nghị quyết của Quốc hội để xử lý những vấn đề có tính chất chung giữa các cơ quan và một số vấn đề có tính chất đặc thù, riêng biệt trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn”- Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.
![Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: PHẠM THẮNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_114_51458752/0b509e2da963403d1972.jpg)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: PHẠM THẮNG
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho hay nghị quyết có 15 điều, trong đó Điều 4 quy định về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền.
Đáng chú ý, điều này quy định trường hợp số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định hiện hành thì chậm nhất sau năm năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định.
Việc giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra với cơ quan được hình thành hoặc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc này phải bảo đảm tính tiếp nối, không bỏ trống hoặc trùng lắp về phạm vi thẩm quyền giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan chịu sự giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra, theo dự thảo nghị quyết.
Tiếp tục thực hiện thanh tra chuyên ngành
Một nội dung đáng chú ý khác, dự thảo nghị quyết dành Điều 7 quy định việc “thực hiện chức năng thanh tra”.
Theo đó, trường hợp sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước mà cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của Luật Thanh tra và quy định của pháp luật có liên quan thì cơ quan đó được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo thẩm quyền thanh tra của cơ quan trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
![Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước. Ảnh: PHẠM THẮNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_114_51458752/2c148b69bc2755790c36.jpg)
Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước. Ảnh: PHẠM THẮNG
Trường hợp sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước mà cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tại các bộ, cơ quan ngang bộ không được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì chức năng thanh tra chuyên ngành của cơ quan trước khi sắp xếp do Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện.
Các trường hợp không thuộc quy định trên, việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên trực tiếp thực hiện.
Dự thảo nghị quyết cũng quy định rõ trong trường hợp cuộc thanh tra đang tiến hành hoặc đã kết thúc nhưng chưa ban hành kết luận thanh tra có nội dung thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của nhiều cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, Trưởng đoàn thanh tra xây dựng các dự thảo kết luận, báo cáo Thủ trưởng cơ quan có chức năng thanh tra tương ứng với phạm vi quản lý Nhà nước ban hành kết luận thanh tra.
Ngoài ra, dự thảo cũng dành riêng một điều quy định về hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án. Về cơ bản, các hoạt động này được thực hiện theo nguyên tắc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền đã được quy định dự thảo Nghị quyết.
Tuy nhiên, do tính chất và phạm vi tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền con người, quyền công dân của các hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án, Chính phủ cho rằng cần thiết phải xây dựng một điều riêng, độc lập quy định về nguyên tắc thực hiện hoạt động này.
Theo nghị trình, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào sáng 13-2 và thảo luận tại hội trường vào chiều ngày 14-2.
Làm rõ thẩm quyền kiểm sát hoạt động điều tra vụ án hình sự do Tòa cấp huyện xử
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay Ủy ban này thấy quy định về thực hiện chức năng thanh tra hay tổ chức thực hiện các hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước là cần thiết. Bởi đây là những hoạt động đặc thù, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thanh Tùng, đây là vấn đề phức tạp và hiện nay, phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của một số cơ quan đang trong quá trình hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: PHẠM THẮNG
Do vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục cân nhắc, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan để hoàn thiện nội dung này, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của việc sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ và các cơ quan có liên quan báo cáo thêm về việc quy định như dự thảo Nghị quyết liệu đã bao quát hết các trường hợp cần điều chỉnh thẩm quyền, phạm vi giám sát, kiểm sát sau thực hiện sắp xếp hay chưa.
Cơ quan thẩm tra dẫn chứng Trung ương đã đồng ý với chủ trương sắp xếp theo hướng không tổ chức công an cấp huyện. Do đó, trong trường hợp này cần làm rõ việc kiểm sát đối với hoạt động điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện sẽ do cơ quan nào đảm nhiệm để tránh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.