Tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy tạo điều kiện tập trung nguồn lực đầu tư

Thực hiện tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ tạo điều kiện tập trung các nguồn lực đầu tư thực hiện các nhiệm vụ cấp bách và mục tiêu dài hạn, trong đó có những nhiệm vụ cấp bách đang được triển khai ngay trong Kỳ họp bất thường lần thứ 9.

Tại phiên thảo luận tổ sáng 13/2, thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết; đồng thời, đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ trong việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết này.

Các đại biểu cho rằng, nghị quyết được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Qua đó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, tránh khoảng trống pháp luật; bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước và toàn xã hội; bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, việc thực hiện tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ tạo điều kiện tập trung các nguồn lực đầu tư thực hiện các nhiệm vụ cấp bách và mục tiêu dài hạn; trong đó có những nhiệm vụ cấp bách đang được triển khai ngay trong Kỳ họp bất thường lần thứ 9 này.

Tinh gọn bộ máy mới có thể tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư nhưng không phải giảm cào bằng các đầu mục chi thường xuyên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, trước mắt là thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhưng về lâu dài, cần thực hiện lộ trình sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước và các luật về quản lý thuế, vì hoạt động của các cấp chính quyền đều liên quan đến ngân sách.

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) cho biết, trong quá trình sắp xếp bộ máy sẽ phát sinh những vấn đề mà Dự thảo Nghị quyết chưa bao quát, chưa lường hết được, do đó cần thiết phải có quy định xử lý những vấn đề này.

Quang cảnh thảo luận của các đại biểu Quốc hội tổ 19 - Ảnh: Quochoi.vn

Quang cảnh thảo luận của các đại biểu Quốc hội tổ 19 - Ảnh: Quochoi.vn

Nhấn mạnh tính cấp bách của các vấn đề phát sinh, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, việc ủy quyền như trong Dự thảo Nghị quyết là cần thiết, tuy nhiên, nếu ban hành theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì vẫn sẽ chậm. Vì vậy, cần áp dụng thủ tục rút gọn cho việc ban hành các quy định này.

Đối với nội dung quy định tại khoản 6, điều 4, Dự thảo Nghị quyết: việc giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra đối với cơ quan được hình thành hoặc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm tính tiếp nối, không bỏ trống hoặc trùng lắp về phạm vi thẩm quyền giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan chịu sự giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra.

Đại biểu Tô Văn Tám đặt vấn đề, quy định như vậy có thể chưa bao quát hết, bởi một số cơ quan sau sắp xếp sẽ kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ, nhập lại vào một cơ quan khác. Cụ thể, hiện nay không còn công an cấp huyện, lực lượng công an cấp huyện chuyển về cấp xã, vậy việc xét xử, kiểm sát các cụ việc thuộc cấp huyện sẽ như thế nào? Đại biểu đề nghị rà soát, làm rõ thêm quy định này để bảo đảm khả thi, thông suốt trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) tham gia thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) tham gia thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) bày tỏ, theo Dự thảo, Nghị quyết có thời gian thực hiện đến hết ngày 28/2/2027. Từ nay tới mốc thời gian đó, các cơ quan Nhà nước phải ban hành đầy đủ hệ thống văn bản pháp luật phục vụ sắp xếp, tổ chức bộ máy Nhà nước.

Tuy nhiên, theo thông tin từ lãnh đạo Bộ Tư pháp, có đến trên 150 luật và trên 200 nghị định phải sửa đổi, ban hành. Thời gian gấp gáp đặt ra áp lực rất lớn với Chính phủ, với Trung ương. Vì vậy, đại biểu đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết lên 3 năm, hoặc tới năm 2029 để bảo đảm công tác ban hành hệ thống văn bản pháp luật được thực hiện hiệu quả.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị quyết cần có hiệu lực ngay để bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt của bộ máy Nhà nước và toàn xã hội; không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước, thỏa thuận quốc tế, không làm ảnh hưởng đến người dân.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tinh-gon-sap-xep-to-chuc-bo-may-tao-dieu-kien-tap-trung-nguon-luc-dau-tu.html