Tình hình chuyển đổi năng lượng của Mỹ trước khi ông Trump rút khỏi Hiệp định Paris

Mỹ đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong quá trình khử carbon và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhưng nước này vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đạt được các mục tiêu, theo báo cáo của Christopher Walker.

Tổng thống Donald Trump cầm một sắc lệnh hành pháp sau khi ký tại lễ nhậm chức Tổng thống ở Washington, Thứ Hai, ngày 20 tháng 1 năm 2025. Ảnh AP/Matt Rourke

Tổng thống Donald Trump cầm một sắc lệnh hành pháp sau khi ký tại lễ nhậm chức Tổng thống ở Washington, Thứ Hai, ngày 20 tháng 1 năm 2025. Ảnh AP/Matt Rourke

Chỉ vài giờ sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ lần thứ hai, ông Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris. Động thái này có những tác động lớn đối với các nỗ lực toàn cầu nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 – những nỗ lực mà các nhà đầu tư đang đóng vai trò ngày càng quan trọng. Nhưng tình hình chuyển đổi năng lượng toàn cầu vào đầu năm 2025 ra sao?

Những tín hiệu tích cực

Trước tiên là tin tốt: Quá trình chuyển đổi năng lượng đang tăng tốc với tốc độ chưa từng có. Theo dự báo, năng lượng mặt trời sẽ trở thành nguồn cung cấp điện lớn nhất thế giới vào năm 2033. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường khử carbon đã tăng gấp đôi kể từ năm 2018, hiện đạt hơn 2 nghìn tỷ USD (1,9 nghìn tỷ euro) mỗi năm – gấp đôi quy mô đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Báo cáo Năng lượng Thế giới mới nhất của IEA cho thấy việc triển khai năng lượng tái tạo đã tăng tốc trong những năm gần đây – giai đoạn 2017-2023 có mức triển khai cao hơn 2,2 lần so với 7 năm trước đó.

Chris Dodwell, trưởng bộ phận chính sách tại Impax, nhận định rằng, “tốc độ triển khai nhanh chóng này cho thấy các cam kết đưa ra tại hội nghị COP28 nhằm tăng cường công suất năng lượng tái tạo toàn cầu đến năm 2030 không còn xa vời”.

Hỗ trợ từ các Chính phủ châu Âu đối với quá trình chuyển đổi đã được củng cố mạnh mẽ. Tuy nhiên, ông Dodwell lưu ý rằng: “Các lực lượng thị trường thường là động lực mạnh mẽ hơn so với tham vọng của Chính phủ; có tới 70 quốc gia mà các dự án trong kế hoạch còn lớn hơn cam kết chính thức của họ”.

Thay đổi lớn từ thị trường

Dan Wells, đối tác tại Foresight Group, cho biết: “Chuyển đổi năng lượng đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, được thúc đẩy bởi các lực lượng thị trường. Điều này tạo ra một cuộc cách mạng về chính sách khí hậu, đặc biệt ở châu Âu”. Ông nhấn mạnh rằng: “Năng lượng tái tạo hiện là nguồn điện rẻ nhất trên toàn cầu, điều này không chỉ dẫn đến sự cải tổ mạnh mẽ hệ thống năng lượng mà còn ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế khác như công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp và kỹ thuật số”.

Thập kỷ qua cũng chứng kiến sự gia tăng hiệu suất và giảm chi phí đáng kể trong các ngành năng lượng tái tạo. Chi phí lắp đặt điện mặt trời đã giảm 90%, năng lượng gió trên bờ giảm 70% và pin giảm hơn 90%. Ông Dodwell cho rằng: “Sự phát triển liên tục của công nghệ pin sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc khử carbon ngành giao thông vận tải, cũng như tăng trưởng năng lượng tái tạo và xây dựng lưới điện linh hoạt hơn”.

Tiến độ chưa đủ nhanh

Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ này, nhiên liệu hóa thạch vẫn đáp ứng 80% nhu cầu năng lượng toàn cầu, theo IEA, nhấn mạnh sự thay đổi to lớn vẫn còn phải thực hiện. Lucy Heintz, đối tác và trưởng bộ phận hạ tầng năng lượng tại Actis, cho biết: “Còn một chặng đường dài trước khi các quốc gia đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Quá trình chuyển đổi năng lượng vẫn chưa tiến triển đủ nhanh hoặc đủ xa”.

Năm ngoái, lần đầu tiên trong lịch sử, nhiệt độ toàn cầu đã vượt ngưỡng mục tiêu 1,5°C theo Hiệp định Paris. Nếu tiếp tục theo chính sách hiện tại, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2100 được dự báo sẽ tăng 2,7°C, theo phân tích của Climate Action Tracker.

Ông Heintz cảnh báo: “Điều này đưa chúng ta đến gần các điểm tới hạn nguy hiểm, với các mô hình khí hậu ngày càng cho thấy nguy cơ đánh giá thấp các tác động cộng dồn khi các kiểu thời tiết bắt đầu thay đổi”.

Năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, với hơi ẩm từ các đại dương ấm hơn làm gia tăng mùa lốc xoáy, bão, lũ lụt (như ở Tây Ban Nha và Trung Âu) và cháy rừng. Riêng lượng khí thải từ các vụ cháy rừng tại Canada năm 2024 đã đưa nước này lên vị trí thứ 4 toàn cầu về phát thải CO2.

Điều này cực kỳ quan trọng đối với các nhà đầu tư hạ tầng khi xem xét chính sách trong tương lai.

Báo cáo Climate and Catastrophe Insights 2024 của Aon tiết lộ rằng các thảm họa thiên nhiên toàn cầu trong năm 2023 đã gây thiệt hại kinh tế tổng cộng 380 tỷ USD (369 tỷ euro), trong đó thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng chiếm một phần đáng kể. Các trận động đất, lũ lụt, bão mạnh và hạn hán là những sự kiện có tác động trầm trọng nhất, ảnh hưởng nặng nề đến cả tài sản công và tư. Tuy nhiên, bảo hiểm chỉ bao gồm khoảng 30% tổn thất, để lại một khoảng trống lớn.

Charlie Garrood, Trưởng bộ phận M&A và giải pháp giao dịch hạ tầng toàn cầu tại Aon, nhấn mạnh rằng: “Việc hiểu rõ mức độ bền vững của tài sản hạ tầng đối với các kịch bản khí hậu dự báo trước khi đầu tư ngày càng trở nên quan trọng. Nếu tài sản không đủ bền vững, các biện pháp thích ứng có thể dẫn đến tăng chi phí vốn, chi phí vận hành cao hơn và thay đổi về khả năng sử dụng tài sản, tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị đầu tư”.

Quá trình chuyển đổi năng lượng liệu có thực sự hiệu quả?

Mặc dù quá trình chuyển đổi năng lượng dường như đang diễn ra nhanh chóng, mục tiêu cốt lõi – ngăn chặn hoặc ít nhất giảm nhẹ các tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu – lại không đạt hiệu quả như mong đợi. Vậy vấn đề là gì?

Những năm gần đây, sự chỉ trích đối với quá trình COP ngày càng gia tăng. Một nhóm chuyên gia chính sách khí hậu có ảnh hưởng đã viết thư gửi Liên Hợp Quốc, cho rằng hệ thống COP hiện tại không còn “phù hợp với mục tiêu”. Ông Heintz cho biết: “Có thông tin rằng COP gần đây có sự tham gia của hơn 1.700 nhà vận động hành lang về than đá và dầu khí, làm dấy lên mối lo ngại rằng, lần thứ ba, nước chủ nhà của COP lại là một quốc gia phụ thuộc vào dầu khí”.

Ulrik Fugmann, đồng CIO và trưởng bộ phận đầu tư trong nhóm chiến lược môi trường tại BNP Paribas Asset Management, thừa nhận: “Phản hồi về hội nghị COP29 rất hỗn hợp. Một sự thất vọng lớn đối với nhiều người là COP29 không theo sát thỏa thuận của COP28 về việc đẩy nhanh nỗ lực chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch không kiểm soát trong thập kỷ này”.

COP gần đây tập trung nhiều vào tranh luận về “công bằng xã hội”, làm nổi bật nhu cầu hỗ trợ các quốc gia phát triển trong việc chuyển đổi khi họ công nghiệp hóa. Mặc dù đạt được thỏa thuận chuyển giao 300 tỷ USD, con số này vẫn còn rất xa so với hàng nghìn tỷ USD mà các nước đang phát triển yêu cầu. Paul Drummond, Trưởng bộ phận nghiên cứu khí hậu và môi trường tại Greenwheel, đánh giá kết quả của COP29 là mức “D” – “có tiến bộ, nhưng vẫn cần cải thiện đáng kể”.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tinh-hinh-chuyen-doi-nang-luong-cua-my-truoc-khi-ong-trump-rut-khoi-hiep-dinh-paris-723452.html