Tình hình COVID-19 ngày 21/2: Thêm 46.880 ca nhiễm; quy định giá xét nghiệm SARS-CoV-2 mới
Ngày 21/2, những thông tin nổi bật về tình hình COVID-19 trong nước là: Số ca nhiễm mới trong ngày vẫn cao; Sau 2 ngày đi học, thống kê có 200 học sinh tại TP Hồ Chí Minh dương tính với SARS-CoV-2; Đề xuất tháo gỡ khó khăn đối với nhân viên y tế trong đại dịch; quy định mới về giá xét nghiệm SARS-CoV-2
46.880 ca nhiễm mới SARS-CoV-2
Tính từ 16 giờ ngày 20/2 đến 16 giờ ngày 21/2, Việt Nam ghi nhận 46.880 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 13.235 ca khỏi bệnh, thêm 104 ca tử vong.
Trong số các ca nhiễm mới, có 19 ca nhập cảnh và 46.861 ca ghi nhận trong nước (giảm 331 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 32.975 ca trong cộng đồng).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.834.373 ca nhiễm. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 2.827.112 ca, trong đó có 2.291.852 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 13.235 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.294.669 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.145 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 20/2 đến 17 giờ 30 ngày 21/2, cả nước ghi nhận 104 ca tử vong.
Gỡ 3 nút thắt lớn về cơ chế với cán bộ ngành y
"Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế", là chủ đề cuộc Tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 21/2.
Tại Tọa đàm, các vị khách mời đã phân tích, bình luận, làm rõ hơn các thông tin, nhóm giải pháp cụ thể liên quan đến việc bảo đảm nguồn nhân lực y tế cũng như năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân.
Chia sẻ về sự hy sinh, tận tụy của các y, bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đại dịch COVID-19 là một trong những thách thức rất lớn đối với sức khỏe của cộng đồng, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội), không thể đong đếm hết những khó khăn, những hy sinh, vất vả của đội ngũ y tế phải gồng mình vượt qua trong thời gian vừa qua. Nhiều y, bác sỹ, những chiến binh áo trắng đã can trường, chinh chiến khắp mặt trận dã chiến cùng với các đơn vị thiện nguyện, quên mình hỗ trợ cộng đồng trong những lúc gian nan, khó khăn nhất do đại dịch gây ra. Đã có rất nhiều hy sinh được đánh đổi để người dân có cuộc sống an lành.
Nêu lên những trăn trở của mình, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của đơn vị là duy trì hoạt động, bảo đảm vật tư, trang thiết bị. Hầu như các nguồn lực huy động được đều đã huy động, không thể xin mãi tiền tài trợ. Cần có chính sách để bệnh viện duy trì được lâu dài và cần coi đại dịch sẽ dần dần hết, bệnh COVID-19 thành bệnh lý chuyên khoa.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; có chính sách chi trả cho con người, cho nhân viên y tế sau chi lương hợp đồng và phụ cấp để bảo đảm điều trị COVID-19 lâu dài. Bác sỹ phải có thu nhập tăng thêm phần đã được thanh toán.
Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Nhà nước có chính sách miễn thuế đối với những đơn vị huy động các nguồn lực tiền, tài sản… phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Có lộ trình rõ ràng để biến COVID-19 thành bệnh lý chuyên khoa, khám chữa bệnh thông thường, không còn dịch nữa, bệnh này sẽ như viêm phổi, suy tim… vào viện khám, chữa bệnh và chi trả theo bảo hiểm y tế.
Đề cập đến chính sách đối với nhân viên y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo thông tin báo cáo, đến nay, sau khi dịch cơ bản được kiểm soát, hầu như các đơn vị, địa phương đã chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế. Về cơ bản, các chế độ chính sách đối với nhân viên y tế, đặc biệt là cán bộ y tế trực tiếp tham gia chống dịch, đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.
Phân tích 3 nút thắt lớn về thể chế cần tập trung tháo gỡ để cán bộ ngành y tế được hưởng thù lao thỏa đáng, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, ngành y được đào tạo dài hơn các ngành khác nên cần thiết phải thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo. Do đặc thù đặc biệt, khi dịch bệnh phải đương đầu chống dịch nên cần có phụ cấp đặc biệt cho ngành y, để khi biến cố xảy ra, có thể áp dụng ngay chứ không phải ra nghị quyết rồi xin ý kiến.
Từ ngày 21/2, xét nghiệm SARS-CoV-2 tối đa không quá 78.000 đồng/mẫu đơn
Từ ngày 21/2, Bộ Y tế áp dụng quy định giá xét nghiệm SARS-CoV-2 mới theo Thông tư 02/2022/TT-BYT. Cụ thể, Điều 3 Thông tư này quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 từ ngày 21/2/2022 - ngày Thông tư này có hiệu lực như sau:
- Test nhanh mẫu đơn: Mức giá chưa gồm sinh phẩm xét nghiệm là 11.200 đồng/xét nghiệm và đã gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 tối đa không quá 78.000 đồng/xét nghiệm (quy định cũ tại Thông tư 16 là 109.700 đồng/xét nghiệm).
- Test bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mẫu đơn: Mức thanh toán tối đa không quá 178.900 đồng/xét nghiệm (quy định cũ tại Thông tư 16 là 186.600 đồng/xét nghiệm).
- Test PCR:
+ Trường hợp mẫu đơn: Giá dịch vụ tối đa không quá 501.800 đồng/xét nghiệm (quy định cũ tại Thông tư 16 là không quá 518.400 đồng/xét nghiệm).
+ Trường hợp gộp mẫu ≤ 5 que tại nơi lấy mẫu: Mức giá thanh toán chi phí dịch vụ xét nghiệm khi gộp 2 que là 223.300 đồng/xét nghiệm; gộp 3 que là 175.100 đồng/xét nghiệm; gộp 4 que là 151.000 đồng/xét nghiệm; gộp 5 que là 136.600 đồng/xét nghiệm.
+ Trường hợp gộp mẫu ≤ 5 mẫu tại phòng xét nghiệm: Mức giá thanh toán chi phí dịch vụ xét nghiệm khi gộp 2 mẫu là 257.000 đồng/xét nghiệm; gộp 3 mẫu là 208.800 đồng/xét nghiệm; gộp 4 mẫu là 184.700 đồng/xét nghiệm; gộp 5 mẫu là 170.300 đồng/xét nghiệm...
Lưu ý: Cơ cấu giá dịch vụ xét nghiệm tại Thông tư này bao gồm chi phí trực tiếp lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện, trả kết quả xét nghiệm; chi phí tiền lương không bao gồm phụ cấp phòng, chống dịch; chi phí sinh phẩm xét nghiệm theo thực tế sử dụng và giá mua. Thông tư 02 này được ban hành ngày 18/02/2022.
Hà Nội có thêm 5.477 ca F0
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 20/2 đến 18 giờ ngày 21/2, Hà Nội ghi nhận 5.477 ca F0; trong đó có 1.687 ca cộng đồng và 3.790 ca đã cách ly.
Các ca nhiềm mới phân bố tại 483 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (359); Hoàng Mai (336); Hoài Đức (326); Sóc Sơn (324); Nam Từ Liêm (321). 2. Số mắc cộng dồn tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 206.995 ca.
Theo đánh giá cấp độ dịch quy mô xã, phường, thị trấn mới nhất, hiện Hà Nội có 499 xã, phường, thị trấn đạt cấp độ 1, tương ứng với màu xanh, nguy cơ thấp (giảm 37 đơn vị so với tuần trước đó); 80 xã, phường ở cấp độ 2, tương ứng với màu vàng, nguy cơ trung bình (tăng 37 đơn vị) và không có xã, phường, thị trấn nào ở cấp độ 3, tương ứng với màu cam, nguy cơ cao và cũng không có địa bàn nào ở cấp độ 4 tương ứng với màu đỏ, nguy cơ rất cao.
Theo đánh giá, dù không còn xã, phường vùng cam và vùng đỏ; nhưng các xã, phường ở vùng xanh lại giảm, còn vùng vàng tăng so với tuần trước.
·Hai chùm ca F0 tại TP Hồ Chí Minh đã được kiểm soát
Chiều 21/2, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện trên địa bàn thành phố xuất hiện hai chùm ca bệnh COVID-19 đáng chú ý, tuy nhiên đều đã được kiểm soát.
Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, hai chùm ca bệnh F0 được phát hiện trong tuần qua tại thành phố là chùm ca bệnh tại một tu viện ở quận Gò Vấp và một chùm ca bệnh tại một chung cư ở Quận 1. Qua nhận định, ổ dịch tại tu viện ở quận Gò Vấp có đặc điểm phức tạp hơn khi có 140 học sinh học tại 7 trường học khác nhau.
“Ngành y tế cũng đã lấy mẫu ngẫu nhiên các trường hợp mắc COVID-19 tại đây để giải trình tự gene giám sát biến thể Omciron nhưng chưa có kết quả. Việc khống chế thành công ổ dịch tại tu viện đã đảm bảo không lây lan, an toàn cho cộng đồng”, ông Nguyễn Hồng Tâm thông tin thêm.
Thông tin cụ thể về chùm ca bệnh mới phát hiện tại một tu viện trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết, ngày 15/2, trường THCS An Nhơn phát hiện 1 học sinh lớp 7 có triệu chứng nghi ngờ nên tiến hành xét nghiệm và phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2.
Qua xác minh, học sinh này tạm trú tại tu viện ở Phường 5, quận Gò Vấp. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận Gò Vấp đã chỉ đạo ngành y tế phối hợp UBND Phường 5 và tu viện tạm thời khoanh vùng cách ly tất cả người sinh sống trong tu viện để tiến hành xét nghiệm theo quy định. Qua đó, phát hiện 54 F0, trong đó có 1 tu sĩ được phân công nhiệm vụ quản lý trực tiếp các em học sinh lưu trú tại tu viện.
Qua ghi nhận trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ngày 21/2, trong 24 giờ qua, Thành phố ghi nhận thêm 797 ca mắc mới; ghi nhận 2 trường hợp tử vong, trong đó có 1 trường hợp từ Quảng Ngãi chuyển đến.
Trên 200 học sinh TP Hồ Chí Minh mắc COVID-19 tại trường chỉ trong 2 ngày
Chiều 21/2, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh nhận định trong tuần này, số ca F0 trong trường học cũng như tình hình dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp.
Theo ông Trịnh Duy Trọng, chỉ trong ngày 17/2, Thành phố ghi nhận 95 học sinh mắc COVID-19 trong trường học và ngày 18/2 ghi nhận thêm 112 học sinh. Riêng đối với khối mầm non, trong tuần đầu đi học, Thành phố ghi nhận 13 trẻ F0 và 75 học sinh tiểu học tại trường.
Về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trong tường học tại TP Hồ Chí Minh, ông Trịnh Duy Trọng cho biết, như dự đoán ban đầu của ngành giáo dục, trong tuần từ ngày 14 đến ngày 18/2 là tuần thứ 2 học sinh đi học trở lại sau Tết Nguyên Đán 2022, tình hình dịch bệnh tại thành phố nói chung và các cơ sở giáo dục nói riêng cũng có những diễn biến phức tạp.
Theo thống kê của ngành y tế TP Hồ Chí Minh, trong số 1.278 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện thì có 110 trẻ em dưới 16 tuổi.
Các địa phương ứng phó với tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp
Dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, do đó ngay khi bước vào mùa lễ hội Xuân 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các địa phương tạm dừng các lễ hội truyền thống tổ chức quy mô rộng, chỉ thực hiện phần lễ ngắn gọn, không tổ chức phần hội, tránh số người tham gia các sự kiện vượt quá quy định, bảo đảm phòng, chống dịch.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Yên Bái, trong những ngày qua, số ca F0 trên địa bàn tỉnh liên tục tăng nhanh, từ 875 ca ngày 18/2 tăng lên 1.150 ca ngày 19/2 và tăng lên 1.275 ca ngày 20/2. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 5.700 trường hợp F0 đang điều trị tại các cơ sở điều trị tập trung và điều trị tại nhà. Số ca F0 tăng cao, Yên Bái bảo đảm các điều kiện điều trị bệnh nhân nặng.
Tháng Giêng là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện, lễ hội lớn tại các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, thu hút đông người đến từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh du Xuân trảy hội. Để phòng, chống dịch COVID-19 an toàn và hiệu quả, các điểm du lịch tâm linh ở Lạng Sơn đã triển khai nhiều biện pháp thích ứng linh hoạt, đặc biệt là tích cực tuyên truyền đến du khách nâng cao ý thức phòng dịch.
Để đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19, UBND thành phố (tỉnh Cao Bằng) đã ban hành văn bản cho phép học sinh các trường Mầm non công lập, các cơ sở giáo dục Mầm non tư thục trên địa bàn nghỉ học từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới. Ngày 21/2, toàn bộ các cơ sở giáo dục thuộc hai cấp học Mầm non và Tiểu học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tạm ngưng dạy học trực tiếp để phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Nằm trong top các tỉnh, thành phát hiện số ca nhiễm mới liên tục tăng cao trong thời gian gần đây song Hải Phòng vẫn kiểm soát ổn tình hình. "Chìa khóa" của thành phố chính là các giải pháp khoa học, linh hoạt, chủ động, phù hợp với từng giai đoạn diễn tiến của dịch bệnh.