Tinh hoa làng nghề truyền thống quê hương

Non nước Cao Bằng quê em đẹp như một bức tranh thủy mặc hữu tình. Ngoài những danh thắng nổi tiếng, mỗi địa phương, mỗi dân tộc đều có những dấu ấn mang đậm sắc màu văn hóa truyền thống với bao điều thú vị để khám phá. Đặc biệt, nhiều nghề thủ công truyền thống được giữ gìn và phát huy như: nghề rèn, làm hương, thêu thổ cẩm, làm giấy bản, ngói máng… thể hiện sự cần cù, chăm chỉ, những tinh hoa văn hóa, hồn cốt của đất và người quê hương cội nguồn cách mạng.

Những ngày cuối tháng 5, những học sinh khối 10 Trường THPT Chuyên Cao Bằng có chuyến đi trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống ở huyện Quảng Hòa. Ấn tượng đầu tiên là con đường dẫn vào các làng nghề được trải bê tông bằng phẳng sạch đẹp uốn quanh những ruộng ngô, khoai xanh tốt, tạo cảm giác vô cùng thư thái và dễ chịu. Bên những sườn núi là những ngôi nhà sàn cổ mái lợp ngói âm dương nhuốm màu của thời gian. Đây cũng chính là một trong những điểm du lịch trải nghiệm tuyến phía phía Đông - xứ sở thần tiên của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Trang giấy thô sơ lưu giữ hồn dân tộc

Điểm dừng chân đầu tiên là làng nghề giấy bản Dìa Trên - đây là nghề truyền thống có từ lâu đời. Tại gia đình chị Nông Thị Kính ở xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen, chúng em được xem và trải nghiệm một số công đoạn để làm ra một tờ giấy bản truyền thống. Chị Kính cho biết: Để làm ra tờ giấy bản phải tốn nhiều thời gian, công sức và trải qua rất nhiều công đoạn. Trước tiên phải lên rừng lấy vỏ cây dưỡng (tiếng Nùng gọi là cây mạy sla) - nguyên liệu để làm giấy bản, mang về cho vào nồi đun sôi, sau đó vớt ra để nguội, tước sạch lớp vỏ đen bên ngoài lấy lớp trắng bên trong rồi phơi khô. Sau đó gom lại đem vào nồi đun lần thứ hai rồi vớt ra, lấy dây buộc thành từng bó mang đi ngâm nước một ngày, sau đó vớt lên vò rũ hết phần nhựa còn dính lại, dùng cây đòn, chày đập cho nát nhừ. Tiếp đó, mang xuống bể khuấy đều sẽ được một loại nước màu vàng nhạt, đặc sánh. Sau đó bắt đầu xeo giấy, cầm hai đầu tấm mành nứa được căng trên khuôn gỗ, gọi là liềm xeo giấy, người làm chao đi chao lại trong bể bột giấy để lớp bột dính trên mành của liềm xeo. Từng lớp bột giấy mỏng được lắng trên khuôn, sau khi đủ độ dày nhất định được nhấc lên… Giấy bản sau khi thành hình được mang lên dán trên những bức tường gỗ trong ngôi nhà truyền thống của người Nùng, nếu trời nắng hoặc có gió hanh khoảng một tiếng sẽ khô.

Trải nghiệm các công đoạn sản xuất giấy bản tại làng nghề.

Trải nghiệm các công đoạn sản xuất giấy bản tại làng nghề.

Lần đầu tiên được trải nghiệm các công đoạn làm ra một tờ giấy thủ công thô sơ, những “con mọt sách” như chúng em đều rụt rè và e ngại. Nhìn đơn giản nhưng thực ra đòi hỏi sự quan sát và khéo léo, bạn Hà Minh Thành, lớp 10 chuyên Anh chia sẻ công đoạn đập cho nguyên liệu làm giấy nát nhừ. Còn đối với Lê Hoàng Hạnh Ngân, khi thực hiện xeo giấy thủ công, cho tay vào bể nước đục ngầu, nhẹ nhàng đưa qua, đưa lại khi nhấc lên được một tờ giấy ướt là một cảm giác thật tuyệt vời và thú vị.

Giấy bản của người Nùng ở xóm Dìa Trên được bà con trong vùng ưa chuộng bởi độ bền dai, khi viết không bị nhòe chữ. Trước đây, người dân dùng giấy bản để học chữ, lưu giữ gia phả dòng họ, viết sách… đồng thời sử dụng trong các nghi lễ truyền thống: lễ tết, ma chay, cưới hỏi. Ngày nay, giấy bản vẫn được ưa chuộng bởi sự độc đáo, khác biệt so với các loại giấy khác; nó phù hợp trong các nghi lễ truyền thống của dân tộc, dùng để làm vàng mã, gói bọc các loại thức ăn bởi nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên hoặc lau chùi đồ đạc rất sạch.

Nghề làm giấy bản của người Nùng không có công thức riêng mà lưu truyền theo cách cầm tay chỉ việc. Công việc này đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ nên chủ yếu do phụ nữ làm những lúc nông nhàn. Thu nhập từ nghề cũng tốt nên được bà con giữ gìn và phát huy. Từ khi tỉnh triển khai dự án “Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng tại tỉnh Cao Bằng”, nhiều làng nghề truyền thống trong đó có làng giấy bản của huyện Quảng Hòa trở thành điểm tham quan của du khách, từ đó, sản phẩm được người tiêu dùng gần xa biết đến.

Xã hội ngày càng phát triển, giấy công nghiệp được dùng nhiều và sản xuất đại trà. Nhưng nghề làm giấy bản thủ công ở Phúc Sen vẫn được giữ gìn không bị mai một, đã khẳng định giá trị văn hóa của mình trong đời sống của đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Giấy bản đã đi vào đời sống, đồng thời như một sợi dây vững chắc giữ thăng bằng giữa truyền thống và hiện tại.

Rộn ràng quai búa làng rèn

Điểm dừng chân thứ hai của chúng em là làng rèn, từ xa đã văng vẳng tiếng đe và tiếng búa vang lên rộn rã. Bên bếp than hồng đỏ lửa, người thợ cả nhịp nhàng giơ lên hạ xuống quay búa một cách chính xác lên sản phẩm dao goắm đang chế tác. Cô Hoàng Thị Yến ở xã Phúc Sen giới thiệu cho chúng em biết các công đoạn để làm ra 1 con dao gồm: cắt sắt, nung bếp lò, the mỏng, làm nguội, rẻo dáng, tôi, mài. Lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy sản phẩm, cách làm ra một con dao như thế nào, tìm hiểu quy trình sản xuất, lịch sử hình thành phát triển nghề rèn… khiến chúng em vô cùng thích thú.

Phúc Sen là làng rèn có lịch sử phát triển hơn 200 năm về trước với các sản phẩm nông cụ, đồ dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Nơi đây mệnh danh là “xưởng rèn thủ công” lớn nhất miền Bắc. Với kinh nghiệm được truyền dạy từ đời này qua đời khác, bằng sự chăm chỉ, cần cù, đôi bàn tay khéo léo, những người thợ đã làm ra những vật dụng chắc và bền, vang danh khắp vùng.

Hiện nay, công nghiệp sản xuất, chế biến hàng tiêu dùng phát triển, nhiều sản phẩm nông cụ được sản xuất tinh xảo từ máy móc nhưng việc sản xuất các sản phẩm từ làng rèn Phúc Sen luôn được duy trì, được người tiêu dùng đón nhận. Chính vì vậy, nghề rèn ở Phúc Sen phát triển, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Ấn tượng với chúng em khi trải nghiệm làng rèn là hình ảnh những người thợ phụ chính là các bà, các mẹ, các chị trong những bộ trang phục Nùng truyền thống, uyển chuyển trong từng công đoạn rèn, tay búa giơ lên hạ xuống dứt khoát và chuẩn xác không kém đàn ông. Những khuôn mặt đỏ hồng đẫm mồ hôi, những tia lửa màu sắc bắn ra theo mỗi nhịp búa tạo nên một bức tranh đẹp về tinh thần hăng say lao động sản xuất, về niềm vui và hạnh phúc của người dân làng nghề.

Hiện các sản phẩm dao Phúc Sen đã được đặt hàng và bán đi mọi miền đất nước và các tỉnh giáp biên của Trung Quốc đem lại lợi nhuận và nguồn thu nhập ổn định cho người dân làng rèn Phúc Sen. Góp phần xóa đói giảm nghèo, kinh tế ngày càng phát triển.

Nơi gìn giữ nét tâm linh của người Nùng An

Không sôi động và nhộn nhịp, không rực rỡ sắc màu của những bó hương xanh, đỏ, tím, vàng, làng hương Phja Thắp xã Phúc Sen với hằng trăm năm tuổi nằm yên bình dưới chân núi đá mang một nét đẹp nhẹ nhàng, mộc mạc và lôi cuốn.

Học sinh Trường THPT Chuyên tỉnh trải nghiệm các công đoạn làm hương tại xã Phúc Sen (Quảng Hòa).

Học sinh Trường THPT Chuyên tỉnh trải nghiệm các công đoạn làm hương tại xã Phúc Sen (Quảng Hòa).

Hương Phja Thắp được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên trong vùng miền núi đá vôi, quá trình sản xuất hoàn toàn thủ công, không sử dụng hóa chất. 100% hộ dân trong xóm đều làm hương theo phương pháp truyền thống. Theo lời giới thiệu của cô Hoàng Thị Bày ở xóm Phja Thắp, để làm nên một que hương phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nguyên liệu quan trọng nhất là lá cây “bầu hắt”, có mùi hương đặc trưng. Lá cây “bầu hắt” sau khi hái trên rừng mang về phơi khô, nghiền nhỏ và trộn với mùn cưa, mùn cưa được lựa chọn từ những cây gỗ thân mềm để cho hương cháy tốt. Chân hương làm từ cây mạy mười có gióng dài hoặc cây mai, vừa thẳng vừa dẻo dễ bắt lửa. Tất cả các công đoạn chẻ mai, vót nhỏ đều được làm hoàn toàn bằng tay. Tăm hương sau khi phơi khô được nhúng keo và lăn qua lớp mùn cưa trộn trầm vừa đủ 4 lần; trong quá trình lăn phải nhanh tay để bột vừa bám dính, bảo đảm độ tròn đều của cây hương để khi đốt hương sẽ có mùi thơm, tàn đẹp. Hương Phja Thắp sau khi làm xong mới nhuộm đỏ chân hương bằng lá cây “chăm che” được trồng quanh nhà rồi mang đi phơi. Trong các công đoạn, phơi hương chiếm thời gian lâu nhất. Nếu trời nắng đẹp, phơi một ngày là khô, nếu trời không nắng và ẩm sẽ mất khoảng ba ngày.

Nghề làm hương mang lại kinh tế ổn định cho người dân nơi đây; vào mỗi dịp lễ, tết, nhu cầu tiêu thụ cao, làng hương Phja Thắp lại tất bật hơn cả, khắp nơi trong làng đều là những ống cắm hương để phơi khô, không gian lan tỏa mùi hương thơm ngát. Mỗi người dân Phja Thắp đều tự hào về nghề truyền thống của mình, họ đều tâm niệm, sản phẩm hương làm ra không chỉ để thờ cúng tổ tiên mà còn góp phần giữ gìn và bảo tồn được làng nghề truyền thống mà ông cha để lại. Thăm làng hương Phja Thắp, được tự tay se nên một que hương truyền thống là sự trải nghiệm tuyệt vời, cảm giác tự hào của mỗi chúng em về quê hương, về bản sắc văn hóa của dân tộc của mình.

Cao Bằng - mảnh đất biên cương có bề dày về lịch sử, giàu bản sắc văn hóa với những con người cần cù, chất phác và chăm chỉ, đó là cảm nhận của những ai đã từng đến và lưu luyến mảnh đất này. Chỉ một lần đến với Cao Bằng mà nhà thơ Trúc Thông đã cảm nhận:

...Còn núi non Cao Bằng
Đo làm sao cho hết
Như lòng yêu đất nước
Sâu sắc người Cao Bằng…

Với tình yêu nghề, niềm đam mê sáng tạo và hơn cả là tình yêu quê hương, niềm tự hào, những làng nghề truyền thống không bị mai một mà luôn được giữ gìn và phát huy, để dòng chảy văn hóa được nối dài và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Được trải nghiệm, được “chạm tay” vào những gì chỉ nghe qua lời kể và trên sách báo, mỗi học sinh chúng em được hiểu thêm những nét đẹp về văn hóa, con người và cuộc sống thường nhật của người dân địa phương, thêm yêu quê hương, yêu đất nước mình nhiều hơn.

Trang Nguyễn

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tinh-hoa-lang-nghe-truyen-thong-que-huong-3169642.html