Tính kế lâu dài cho giao thông tĩnh
Hiện nay, lượng xe ô tô cá nhân gia tăng rất nhanh, khiến cho diện tích các bãi trông giữ xe không đáp ứng nhu cầu.
Tại nhiều khu chung cư và đô thị mới, xe ô tô của cư dân để chiếm cả vào phần sân chơi, lối đi, xảy ra tình trạng không gian sống bị bóp nghẹt, không bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người dân.
Ông Lê Trung Kính (tổ dân phố 20, phường Giang Biên, quận Long Biên) cho biết, nơi ông ở là Khu đô thị Việt Hưng có các tòa nhà chung cư xây dựng cách đây khoảng 20 năm, không có diện tích tầng hầm; nhưng cũng không được quy hoạch khu vực dành cho giao thông tĩnh.
Vì vậy, tại hầu hết các chung cư, xe ô tô cá nhân của người dân đỗ ở xung quanh tòa nhà. Lối đi, khu vực sân chơi đều bị bịt kín, nhiều nơi không còn thấy khoảng hở nào mà không có xe, có nơi xe để sát cả vào khu vực hóa vàng. Người dân không còn nơi để đi dạo, ngồi nghỉ ngơi vào lúc sáng sớm, chiều tối. Chưa kể, việc để phương tiện giao thông lẫn vào nơi ở có nguy cơ mất an toàn cao.
Với tốc độ gia tăng phương tiện xe ô tô cá nhân như hiện nay, những không gian sống vốn dĩ đã không còn nhiều sẽ ngày càng cạn kiệt. Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân thì phải tạm chấp nhận cách xử lý như hiện nay, nghĩa là “linh hoạt” tạo điều kiện cho người dân “điền vào chỗ trống” ngay trong khu vực tòa nhà, khu chung cư.
Nhưng về lâu về dài, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý về quy hoạch, xây dựng, giao thông phải có giải pháp cho giao thông tĩnh tách ra khỏi nơi ở, khu vực công cộng của người dân. Đây cũng là nhu cầu tất yếu cần phải có nếu muốn phát triển đô thị văn minh, hiện đại.
Môi trường, không gian sinh sống là điều kiện không thể thiếu để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Cho nên, phải có giải pháp để sớm trả lại không gian sống cho các khu chung cư.
Vẫn biết rằng, việc cho người dân để xe ngay dưới chân các tòa nhà vừa tiện lợi, vừa giảm chi phí (thu phí trông giữ xe khoảng 500.000 đồng/xe/tháng - giá phổ biến tại Khu đô thị Việt Hưng), nhưng giá trị của không gian sống, sự an toàn và sức khỏe còn quý giá và xứng đáng hơn nhiều.
Việc quy hoạch và sắp xếp để có đủ nơi trông giữ xe tách biệt hẳn ra khỏi nơi sinh sống của người dân không quá khó, bởi như ở Khu đô thị Việt Hưng còn khá nhiều quỹ đất cho việc này, chưa kể phần diện tích đất có thể khai thác mở rộng nếu cho phép cống hóa một số mương hở trên địa bàn.
Để làm được việc này nhất định cần có sự đồng thuận của người dân, ban quản trị các tòa nhà, khu chung cư, tổ dân phố. Vì vậy, song song với việc quy hoạch, tổ chức các bãi trông giữ xe, cần có sự tuyên truyền, vận động đối với người dân. Các tổ dân phố, tòa nhà chung cư phải họp bàn để xây dựng các quy ước, quy định chung bảo vệ không gian sinh sống của mình.
Chính quyền địa phương cũng cần tạo điều kiện xã hội hóa dịch vụ trông giữ xe đủ sức hấp dẫn để người dân sẵn sàng chi phí cao hơn nhưng có nơi đỗ xe an toàn, bảo quản tài sản tốt hơn, có che mưa che nắng, mà vẫn giữ được không gian sống cho bản thân, gia đình. Khi ấy tự khắc người dân sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp, đáp ứng sự phát triển của đô thị văn minh, hiện đại; cũng là nâng cao chất lượng đời sống ở địa bàn Hà Nội vốn ngày càng bị ô nhiễm không khí, khói bụi nặng nề hơn.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tinh-ke-lau-dai-cho-giao-thong-tinh-660100.html