Tình mẫu tử thấm đẫm trong bộ tranh 'vẽ bụng, bằng trái tim'

Nguyễn Thùy Dương, một kiến trúc sư - họa sĩ, là người mẹ của bốn đứa con. Với chị, hình ảnh phụ nữ mang thai không chỉ là một ký ức cá nhân mà trở thành biểu tượng của phồn thực, thiêng liêng và nội tâm nở rộ.

Chia sẻ về bộ tranh “vẽ bụng, bằng trái tim”, họa sĩ Nguyễn Thùy Dương cho biết, với ngôn ngữ hình học tối giản, nhưng mang tính biểu tượng, bộ tranh nhấn mạnh vào bụng bầu như “trung tâm của sự sống”, nơi khởi sinh, nuôi dưỡng và chuyển hóa.

Với chất liệu sơn ta truyền thống, bộ tác phẩm có màu sắc trầm ấm với các chi tiết nhấn nhá ẩn ý, nhằm tạo nên một tác phẩm vừa sâu sắc vừa đầy sức mạnh cảm xúc.

Thông qua các tác phẩm, hình ảnh người mẹ được khắc họa mạnh mẽ nhưng đầy chất thơ, là câu chuyện của sự sinh nở, chiều sâu tâm hồn và những trải nghiệm thực tế.

“Bộ tranh hội tụ những hình ảnh cách điệu nhưng đầy sức biểu cảm, tập trung vào cảm giác thiêng liêng của người mẹ trong quá trình sinh con. Không cần nhiều chi tiết, nhưng chỉ qua những đường nét và sắc nét, tác phẩm truyền tải được sự hi sinh, tình yêu thương và sức mạnh của người mẹ trong cuộc hành trình 4 lần sinh con của chính tôi”, nữ họa sĩ nhấn mạnh.

Bố cục và tạo hình

Theo họa sĩ Nguyễn Thùy Dương, nét tối giản càng ít, càng sâu. Bởi vậy trong các tác phẩm này, những đường cong cực đại phồn thực nhưng không dung tục, chỉ để ca ngợi vẻ đẹp đầy đặn, thiêng liêng nhất trong đời một người phụ nữ khi cơ thể thành mảnh đất mầu mỡ cho một sinh linh nảy nở.

Nữ họa sĩ lý giải, người phụ nữ trong tranh của cô không tay - vì họ không cần nắm giữ gì cả, chỉ cần hiện hữu, tròn đầy như đất mẹ. Người đàn ông, ngược lại, được ban cho đôi tay mạnh mẽ - đôi tay biết chở che, biết chống đỡ, đôi tay của bầu trời ôm lấy đất.

Bố cục, tạo hình của những bức tranh sống động

Bố cục, tạo hình của những bức tranh sống động

Nữ họa sĩ chia sẻ, hình ảnh người mẹ được cách điệu, phần thân tròn - bụng mở rộng, mang hình dáng giống như trái đất hay một cái kén, là sự bao bọc, che chắn của người mẹ dành cho con.

Phần đầu nhỏ nhắn không mang dấu ấn cá nhân mà đại diện cho mẫu tính chung của nhân loại.

Mái tóc bay trong tranh như mây, như nước, như gió. Đó là những dấu vết mềm mại, tự do bay dài, thể hiện cảm giác tự do, lãng mạn nhưng cũng thể hiện sự chịu đựng, dấu ấn của thời gian và những trải nghiệm trong hành trình làm mẹ.

Các đường nét trong tranh tối giản, mang tính biểu tượng cao, tôn vinh vai trò sinh sản và nuôi dưỡng, tình mẫu tử.

Màu sắc và chất liệu

Theo họa sĩ Nguyễn Thùy Dương, trong những bức tranh này, màu sắc cũng cất tiếng, người nữ khoác màu nâu đất - màu của sinh nở, bám rễ, bất diệt - tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên, sự vững chắc của đất mẹ, của tình mẫu tử.

Người nam ôm màu xanh trời - màu của hy vọng, thinh không, chở che.

Nền tranh lúc rực rỡ, lúc xanh thẳm man mác, như nỗi buồn đẹp, như vũ trụ mênh mông chẳng bao giờ ta hiểu hết.

“Và, đâu đó, ánh vàng kim loại lóe lên - như một nốt nhạc thần thánh, kéo mọi xúc cảm bay lên, sang trọng mà vẫn thấm đẫm người trần mắt thịt”, nữ họa sĩ cho biết.

Tác phẩm “Anh, em và bé”

Tác phẩm “Anh, em và bé”

Chất liệu sơn ta truyền thống được xử lý công phu, với những lớp màu chồng lên nhau tạo độ sâu, kết hợp hiệu ứng mài để lộ những đường nét ngẫu nhiên, tạo nên cảm giác huyền bí và giàu cảm xúc.

“Qua bộ tranh, tôi muốn truyền tải thông điệp về tình yêu, âm dương hòa hợp, sự hy sinh êm đềm của người mẹ, sức mạnh vững chãi của người cha. Tất cả gói ghém một điều giản dị: Sự sống thật đẹp!”, họa sĩ Thùy Dương nhấn mạnh.

“Tôi cũng muốn thủ thỉ rằng, hãy yêu đi, sinh đi, ấp ủ nhau đi. Hãy tin vào luật vận hành xưa cũ nhưng bền vững của đất trời: đất và trời cần có nhau, hạt mầm cần cả nắng lẫn mưa. Đừng buông bỏ thiên chức thành những lựa chọn cô đơn và vị kỷ.

Với “vẽ bụng, bằng trái tim”, tôi tin rằng tình yêu là điều có thể... nảy mầm từ những điều giản dị nhất”, nữ họa sĩ chia sẻ thêm.

Thanh Xuân

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tinh-mau-tu-tham-dam-trong-bo-tranh-ve-bung-bang-trai-tim-2397896.html