Tỉnh nào duy nhất của Việt Nam tiếp giáp với cả Lào và Campuchia?

Tỉnh này nằm ở khu vực Tây Nguyên và cũng là tỉnh duy nhất của Việt Nam nằm sát biên giới 2 nước Lào, Campuchia.

1. Đây là tỉnh nào?

Kon Tum
Gia Lai
Đắk Lắk
Lâm Đồng

Chính xác

Kon Tum là tỉnh nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, Việt Nam, có diện tích khoảng 9.600km2. Thủ phủ của tỉnh này là thành phố Kon Tum.

Tỉnh Kon Tum được bao quanh bởi tỉnh Quảng Nam ở phía Bắc, tỉnh Quảng Ngãi ở phía Đông, tỉnh Gia Lai ở phía Nam. Phía Tây của Kon Tum giáp hai nước Lào và Campuchia.

Tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk cũng thuộc khu vực Tây Nguyên nhưng chỉ giáp biên giới Campuchia. Trong khi đó, tỉnh Lâm Đồng không giáp biên giới quốc gia nào.

2. Huyện nào tại tỉnh này “một con gà gáy cả ba nước cùng nghe”?

Sa Thầy
Kon Plông
Ngọc Hồi
Đăk Tô

Chính xác

Huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum tiếp giáp biên giới Lào và Campuchia, vì vậy, nhân dân gọi đây là nơi “một con gà gáy cả ba nước cùng nghe”. Cửa khẩu Bờ Y tại Ngọc Hồi cũng là cửa khẩu quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho tỉnh Kon Tum.

Diện tích huyện Ngọc Hồi đạt khoảng 823,6 km2. Đặc biệt, huyện có tới 17 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng.

3. Địa hình chủ yếu của tỉnh Kon Tum là gì?

Đồng bằng
Đồi núi
Bờ biển
Cao nguyên

Chính xác

Tỉnh Kon Tum có địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Tỉnh có cả đồi núi, cao nguyên và vùng trũng xen kẽ. Tuy nhiên, địa hình đồi núi chiếm chủ yếu diện tích tại đây.

4. Ngọn núi nào tại tỉnh Kon Tum được mệnh danh “nóc nhà của đỉnh Trường Sơn”?

Bon San
Ngọc Kring
Ngọc Linh
Chư Yang Sin

Chính xác

Ngọc Linh là đỉnh núi nổi tiếng tại Kon Tum và cũng là đỉnh cao nhất trên dãy Trường Sơn, thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Núi Ngọc Linh cao 2.598m, nằm trên địa bàn 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông. Nơi đây có loại sâm Ngọc Linh quý hiếm, được coi là quốc bảo của Việt Nam.

5. Tỉnh Kon Tum nổi tiếng với nhà rông nào?

Nhà rông Kon Klor
Nhà rông Kon So Lăl
Nhà rông Plei Hle Ktu
Nhà rông Brăng

Chính xác

Nhà rông là một dạng nhà sàn độc đáo, là nơi sinh hoạt công cộng, tương tự như các đình làng ở vùng đồng bằng.

Các đồng bào dân tộc Tây Nguyên sử dụng nhà rông làm nơi trao đổi, thảo luận các việc quan trọng trong buôn làng. Với người Ba Na, nhà rông còn là nơi tiếp đón khách tới thăm.

Đặc biệt, nhà rông hoàn toàn được xây dựng bởi các nguyên liệu tự nhiên như cỏ tranh, tre, cây lồ ô… Nhà rông Kon Klor nổi tiếng tại tỉnh Kon Tum cao đến 22m, từng giữ vị trí nhà rông cao nhất Tây Nguyên.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tinh-nao-cua-viet-nam-co-duong-bien-gioi-tiep-giap-ca-lao-va-campuchia-2131948.html