Tỉnh Nghệ An được phép có tối đa 5 Phó Chủ tịch tỉnh

Theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 phó chủ tịch, tăng thêm 1 phó chủ tịch tỉnh so với quy định hiện nay.

Sáng 26/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An với 453/461 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 93,21%).

Nghệ An có thêm phó chủ tịch tỉnh để phụ trách địa bàn vùng miền núi

Tại Nghị quyết, Quốc hội cho phép UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 phó chủ tịch. HĐND TP Vinh được thành lập 3 ban, gồm: Pháp chế, Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội. HĐND TP Vinh có không quá 2 phó chủ tịch và không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách. UBND TP Vinh có không quá 4 phó chủ tịch.

Các lãnh đạo Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Trước đó, liên quan đến các đặc thù về số lượng cấp phó, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội của UBTVQH cho hay đa số ý kiến nhất trí với dự thảo nghị quyết. Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu cho rằng chỉ nên để 4 phó chủ tịch tỉnh “là hợp lý”. Ý kiến khác đề nghị cân nhắc vì phải tương đồng về mặt dân số, về mật độ và tính phức tạp.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình cho rằng Nghệ An là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I, là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (gần 16.500 km2) và dân số đứng thứ 4 cả nước (trên 3,4 triệu người). Tỉnh này cũng có đường biên giới dài 419 km trên bộ và đường bờ biển dài 82 km.

Nghệ An hiện có 21 huyện, thành phố, thị xã (trong đó có 11 huyện, thị xã miền núi, núi cao) với hơn 510.000 người dân tộc thiểu số và nhiều tôn giáo đan xen… Đây cũng là địa phương có địa hình đa dạng, trong đó địa bàn vùng miền núi chiếm trên 83% diện tích toàn tỉnh, địa hình chia cắt, hiểm trở. Thời tiết khắc nghiệt, lũ lụt, lũ quét, hạn hán thường xuyên gây nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất và nhất là ở các địa phương miền núi. Miền Tây Nghệ An có đường biên giới dài (giáp Lào) tiềm ẩn nhiều vấn đề an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

“Với đặc thù nêu trên, việc bổ sung thêm một phó chủ tịch tỉnh để phụ trách chuyên về địa bàn vùng miền núi sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công việc; đồng thời góp phần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An…”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết cho hay.

Cũng theo UBTVQH, việc tăng tổ chức, biên chế và số lượng Phó Chủ tịch UBND TP Vinh được UBND tỉnh căn cứ yêu cầu phát triển của thành phố khi mở rộng (nhập thị xã Cửa Lò và một số xã của huyện Nghi Lộc vào thành phố Vinh).

Việc đề xuất chính sách tăng tổ chức, biên chế và số lượng Phó Chủ tịch UBND TP Vinh là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền cho, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.

Cơ chế mới này, theo UBTVQH, sẽ tạo điều kiện giúp HĐND và UBND TP Vinh giải quyết nhiệm vụ trên các lĩnh vực hiệu quả hơn và thuận lợi cho việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức khi sáp nhập địa giới hành chính và thực hiện chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phần quyền cho TP Vinh.

Phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương

Tại Nghị quyết, Quốc hội cũng cho phép Nghệ An áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, quản lý đầu tư, quản lý đô thị, tài nguyên rừng.

Trong đó, UBND tỉnh Nghệ An được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I.

HĐND tỉnh Nghệ An được quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí trên đại bàn.

Tỉnh Nghệ An được quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi theo quy định của pháp luật về đầu tư công, có quyền quyết định việc tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể…

Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 26/6.

Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 26/6.

Về cơ chế tài chính, Quốc hội cho phép phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương (NSTW) bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Nghệ An (khoản 4 Điều 3). Chính sách này tương tự như chính sách cho phép tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 45% so với định mức chi thường xuyên được áp dụng từ năm 2022.

Đồng thời, Nghị quyết cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ NSTW cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai khoáng… để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An.

Nghị quyết mới sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 và được thực hiện trong 5 năm.

Trong quá trình góp ý, có ý kiến đề nghị áp dụng quy định không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản được áp dụng đầu tư trên toàn bộ địa bàn tỉnh Nghệ An.

Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng miền Tây Nghệ An là địa bàn đặc biệt khó khăn và cũng là địa bàn quan trọng của tỉnh, nhạy cảm về chính trị, quốc phòng, an ninh. Trong khi đó, đầu tư về cơ sở hạ tầng cho khu vực này còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, rất cần tập trung hỗ trợ thêm nguồn lực từ NSTW. Do vậy, việc đề xuất áp dụng cơ chế thí điểm này là cần thiết. Đồng thời, để bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tập trung nguồn lực cho địa bàn thực sự khó khăn, quy định thể hiện như tại dự thảo Nghị quyết là phù hợp.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tinh-nghe-an-duoc-phep-co-toi-da-5-pho-chu-tich-tinh-153693.html