Tính toán kỹ phương án giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Thảo luận tại Tổ 11 gồm các Đoàn TP. Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An, Sơn La về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các ĐBQH thống nhất chủ trương đầu tư dự án, song cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định để khắc phục các vướng mắc liên quan đến quy hoạch, thủ tục hành chính, các vấn đề về khoáng sản. Đặc biệt, cần tính toán kỹ lưỡng phương án giải phóng mặt bằng cho dự án và tái định cư để ổn định đời sống người dân.
Theo ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Long An), cần bổ sung một số quy định về nội dung khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong dự thảo nghị quyết để tránh vướng mắc liên quan đến quy hoạch. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 4 Luật Khoáng sản quy định “khai thác khoáng sản phù hợp với quy hoạch khoáng sản”. Trên thực tế, một số mỏ vật liệu thuộc hồ sơ khảo sát nhưng lại không nằm trong quy hoạch khoáng sản (ví dụ các mỏ đất san lấp), dẫn đến địa phương chưa có đủ cơ sở để cấp giấy xác nhận đăng ký khai thác khoáng sản theo cơ chế đặc thù. Dự thảo nghị quyết chưa đưa ra cơ chế để tháo gỡ vướng mắc đối với nguyên tắc này.
Liên quan đến nguy cơ vướng mắc về khoáng sản, một số ĐBQH cho rằng, khi thực hiện dự án đường sắt cao tốc cũng có thể gặp vấn đề chồng lấn lên quy hoạch khoáng sản. Nếu điều chỉnh quy hoạch khoáng sản theo trình tự, thủ tục của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, trong dự thảo nghị quyết cần giải quyết vấn đề chồng lấn tuyến đường lên quy hoạch khoáng sản; khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Chưa kể, trong trường hợp thi công dự án mà phát hiện khoáng sản thì giải quyết thế nào? Nếu thực hiện theo quy định hiện hành, sẽ mất nhiều thời gian để cơ quan có thẩm quyền quyết định việc thăm dò, khai thác, thu hồi khoáng sản.
Trên cơ sở đó, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh đề nghị quy định chính xác đối tượng áp dụng, cụ thể là đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đã được cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác hoặc đã hết thời hạn khai thác nhưng còn trữ lượng và chưa thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, UBND cấp tỉnh quyết định. Quy định như vậy sẽ rõ ràng về đối tượng áp dụng gắn với điều kiện cụ thể. Đề nghị chỉnh sửa nội dung này tại điểm a khoản 5 Điều 3 dự thảo Nghị quyết.
ĐBQH Nguyễn Duy Minh (TP. Đà Nẵng) cũng đề nghị làm rõ nội dung “giao mỏ cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phục vụ Dự án; quản lý, giám sát quá trình thực hiện và quản lý sau khi hoàn thành Dự án” đối với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng thông thường phục vụ Dự án nhưng chưa cấp Giấy phép khai thác, có phải không thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản hay không. Cần quy định rõ nội dung này để thống nhất cách hiểu, áp dụng trong thực tế.
Quan tâm đến vấn đề giải phóng mặt bằng và tái định cư, các ĐBQH tổ 11 khẳng định, vừa qua, Quốc hội cho phép Chính phủ tách GPMB thành dự án riêng nhưng trong trình bày của Chính phủ về dự án đường sắt cao tốc thì chưa nói đến vấn đề này, mặc dù đây là dự án rất lớn. Do đó, các ĐBQH cho rằng Chính phủ và cơ quan thẩm tra nên thảo luận, nghiên cứu sâu về phương án tách GPMB thành dự án riêng.
Về vấn đề này, ĐBQH Quàng Văn Hương (Sơn La) cho rằng, phương án GPMB phải thống nhất trong cùng một dự án, không thể giá đền bù khác nhau giữa các năm. Do đó, cần thống nhất phương án GPMB một lần hay GPMB nhiều lần. Bên cạnh đó, cần tính toán kỹ lưỡng vấn đề tái định cư để ổn định đời sống người dân.
Đồng tình với quan điểm này, song ĐBQH Nguyễn Duy Minh (TP. Đà Nẵng) lưu ý thêm: “Công tác GPMB, tái định cư cho dự án này có số lượng rất lớn. Tách GPMB giao về các địa phương nhưng chất lượng tổ chức triển khai ở các địa phương rất khó để đồng đều. Đây là bài toán cần cân nhắc kỹ”.
Liên quan đến vấn đề lựa chọn công nghệ thực hiện dự án, ĐBQH Trần Đình Chung (TP. Đà Nẵng) cho rằng: “Trong báo cáo đã đưa ra công nghệ của 4 nước đều là những quốc gia có công nghệ phát triển và làm chủ được công nghệ. Tuy nhiên, việc lựa chọn công nghệ nào, của nước nào và làm sao để tốt nhất và không bị lệ thuộc vào công nghệ là vấn đề quan trọng cần cân nhắc”.
Tại thảo luận tổ, một số ĐBQH cũng quan tâm đến vấn đề cân đối nguồn vốn thực hiện dự án. Theo các đại biểu, đây là dự án cần nguồn vốn đầu tư lớn và trong cùng thời điểm cũng có rất nhiều chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng nên sẽ bị chi phối. Do đó, cần tính toán đến các phương án huy động nguồn lực để bảo đảm nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng, cùng với dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, cần cân đối đầu tư phát triển các vùng khác để tạo ra sự đồng đều, cùng phát triển.