Tình trạng né tránh tin tức và cách khắc phục là gì?
Né tránh tin tức là một hiện trạng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo trên các phương tiện truyền thông trong vài năm qua. Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số của Reuters (DNR) năm ngoái cho thấy gần một nửa độc giả Vương quốc Anh (46%) và Mỹ (42%) né tránh tin tức.
Có nhiều lý do giải thích cho hiện tượng này, từ xu hướng tiêu cực trong chu kỳ tin tức, đến các trang web tin tức hoạt động kém, tin tức quá khích và khả năng đọc hiểu tin tức của độc giả.
Nhưng một lý do lớn hơn, được đưa ra tại chương trình hội thảo dành cho các nhà đổi mới báo chí Newsrewired vào tuần vừa rồi, về cơ bản là mức độ liên quan của tin tức đối với độc giả. Bởi vậy, giải pháp cơ bản cho việc né tránh tin tức là trao cho độc giả quyền tham gia vào câu chuyện hoặc nguồn tin tức mà họ lựa chọn.
Né tránh tin tức là gì?
Không có nhiều người nghiên cứu về chủ đề này nhiều hơn Benjamin Toff, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Reuters, và là người đứng đầu dự án Trust In News (Tin tưởng vào Tin tức). Dự án kéo dài ba năm này đã xem xét các chủ đề xung quanh việc né tránh tin tức ở 4 thị trường trọng điểm; Anh, Mỹ, Ấn Độ và Brazil.
Ông đã phát hiện ra rằng có một sự khác biệt quan trọng giữa việc “né tránh tin tức có chọn lọc” và “né tránh tin tức nhất quán”.
Vế đầu tiên có liên quan đến sự mệt mỏi của tin tức và tình trạng quá tải thông tin. Điều đó có nghĩa là mọi người đang tránh một số chủ đề cụ thể, chứ không phải tin tức nói chung. Cùng với đó, việc né tránh có thể là một phản ứng hợp lý khi cảm thấy choáng ngợp.
Vế sau, sự tránh né nhất quán, đáng lo ngại hơn. Điều này có nghĩa là những người hầu như không xem tin tức, ít hơn một lần một tháng. Có một mối tương quan giữa thiếu tin tưởng và né tránh tin tức, vì 2/3 số người mô tả cảm thấy cả hai.
Những người né tránh tin tức nghiêng về nhóm nhân khẩu học trẻ hơn, ít học hơn, kinh tế xã hội thấp hơn, ít tham gia chính trị hơn và đặc biệt người dùng mạng xã hội. Phụ nữ cũng có nhiều khả năng là những người hay né tránh tin tức.
Nhìn lại về mối quan hệ tin tức
Quy tắc số 1 trong quyền tiêu dùng là khách hàng luôn đúng. Shirish Kulkarni, một nhà báo với 25 năm kinh nghiệm ở các đài truyền hình lớn của Vương quốc Anh, cho biết báo chí truyền thống đôi khi lại nghĩ ngược lại, tức cho rằng đó là lỗi của người dùng khi không quan tâm đến tin tức.
Cách tiếp cận cổ điển đối với tin tức, chẳng hạn như một vụ tai nạn trên đường cao tốc, chỉ củng cố nhận thức tiêu cực về tin tức. Nó cũng không phục vụ những độc giả không liên quan đến câu chuyện đó. Nhìn chung, nó khiến nhiều độc giả cảm thấy như “những người tiêu dùng thất vọng”.
Kulkarni nói: “Hãy tách riêng tin tức và báo chí. Các tin tức tiêu cực phải theo sát các sự kiện để độc giả có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh và có cảm giác trọn vẹn”.
Công ty khởi nghiệp "báo chí chậm" Tortoise được xem như một ví dụ cho cách khắc phục việc này, tức như một liều thuốc giải độc cho hệ sinh thái tin tức ồn ào và có nhịp độ nhanh.
Nó tạo ra một bản tin "Sensemaker" (tạm dịch: Người tạo cảm giác) và âm thanh hàng ngày dưới dạng “5 câu chuyện bạn cần biết và lý do bạn cần biết chúng”. Podcast hàng ngày là một câu chuyện trong 7 phút. Bên cạnh đó, Tortoise tổ chức các cuộc thảo luận để bàn luận về các mục tin tức trong ngày. Đây là một điểm tiếp xúc thân thiện đối với độc giả.
Hãy lắng nghe và gắn bó với độc giả
Mary Walter-Brown lãnh đạo một tổ chức phi lợi nhuận có tên là Trung tâm doanh thu tin tức tại Mỹ, làm việc với các hãng tin tức để đưa ra các chiến lược lắng nghe và tin tưởng trong cộng đồng địa phương của họ.
Tổ chức này tạo ra các chương trình về cách lắng nghe sâu sắc và hiểu biết cơ bản về những gì độc giả muốn để điều chỉnh lại cách làm việc của các tòa soạn địa phương. Rõ ràng, mọi người sẽ không trả tiền cho tin tức không phù hợp với họ, cũng như các sản phẩm hàng hóa khác vậy.
Theo các chuyên gia, ngoài việc thay đổi nội dung và hình thức đưa tin, các tòa soạn cần chuyển sang chế độ lắng nghe, chẳng hạn như các chuyến tham quan lắng nghe hoặc các chương trình tiếp cận cộng đồng, đồng thời tiếp nhận phản hồi đó và biến nó thành một chiến lược tòa soạn.
Cách phát hành cũng quan trọng. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống như bản tin hoặc trang web, tòa soạn nên tạo ra các sự kiện, hội thảo về các chủ đề tin tức để tạo sự gần gũi và niềm tin với độc giả hơn (ví như các chương trình gặp gỡ người nổi tiếng, tổ chức một chuyến thăm một tiệm cắt tóc đặc biệt hay một sự kiện thể thao).
Theo Walter-Brown, đây cần phải xem như ưu tiên hàng đầu trong chiến lược của các tòa soạn nếu muốn thành công. Làm điều này nửa vời có thể phản tác dụng và trên thực tế có thể gây tổn hại nhiều hơn đến niềm tin của độc giả. Chuyên gia này kết luận: “Bạn không thể tạo dựng sự gắn kết bằng cách chỉ có những cuộc trò chuyện ngẫu nhiên, rời rạc”.
Hoàng Hải (theo Newsrewired, Reuters, Journalism)