Tỉnh Vĩnh Phúc thay đổi phương án đặt tên xã, phường mới
Người dân ở tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn và đề xuất cấp thẩm quyền nghiên cứu đặt tên cho các xã, phường mới theo hướng gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa.
Ngày 23-4, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh, MTTQ và các cơ quan trên địa bàn về việc triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với tên gọi đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã sau sáp nhập.
Theo tỉnh ủy Vĩnh Phúc, công tác lấy ý kiến nhân dân đối với các đề án: Sắp xếp lại cấp xã, phường; sáp nhập tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Phú Thọ được triển khai đảm bảo dân chủ, đúng quy định, quy trình, tạo được sự đồng thuận của nhân dân.

Một góc thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh vinhphuc.gov.vn
Trong đó, 13 phường, xã mới được đặt tên gắn với lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương gồm: Phường Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên, Phúc Yên và các xã Sông Lô, Lập Thạch, Sơn Đông, Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Thổ Tang, Yên Lạc, Tề Lỗ, Bình Xuyên.
Tuy nhiên, một số ý kiến nhân dân mong muốn đặt lại tên cho 23 xã, phường mới dự kiến gắn với số thứ tự theo hướng gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa của địa phương.
Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả việc này.
Trong đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc được yêu cầu chỉ đạo các sở, ngành triển khai nghiên cứu, tiếp thu ý kiến nhân dân, đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã mới bảo đảm tính ổn định, phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.
Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy chỉ đạo triển khai phương án đặt lại tên và tổ chức lấy ý kiến nhân dân về phương án đổi tên đơn vị hành chính cấp xã từ tên xã gắn với số thứ tự sang gắn với yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương.
Trên bình diện chung, việc thay đổi từ phương án đánh số thứ tự sang hướng gắn với yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương giống với cách mà tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình đã triển khai.
Trước đó, tại tỉnh Vĩnh Phúc, ngoài 13 ĐVHC xã, phường đặt theo tên của thành phố, huyện thì có 23 đơn vị mới dự kiến đặt tên gắn với số thứ tự.
Đơn cử, huyện Sông Lô dự kiến thành lập 4 xã mới và lấy tên là xã Sông Lô và Sông Lô 1, Sông Lô 2, Sông Lô 3. Các huyện, thành thị khác cũng tương tự.
Trong khi tại Phú Thọ, Hòa Bình, việc đặt tên xã, phường mới vẫn đảm bảo giữ lại tên các huyện, thành thị và gắn với yếu tố lịch sử. Như thành phố Việt Trì thành lập phường Việt Trì, phường Nông Trang, phường Thanh Miếu, phường Vân Phú và xã Hy Cương.
Theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, dự kiến hợp nhất ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và tỉnh Hòa Bình lấy tên là tỉnh Phú Thọ, trung tâm chính trị, hành chính đặt tại tỉnh Phú Thọ hiện nay.
Đề án sáp nhập tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ thành tỉnh Phú Thọ cho thấy, tỉnh mới sẽ có diện tích tự nhiên hơn 9.361km2, dân số hơn 4 triệu người.
Tỉnh Phú Thọ mới có 148 xã, phường. Trong đó, tỉnh Phú Thọ hiện nay sẽ sắp xếp còn 66 xã, phường; tỉnh Hòa Bình còn 46 phường, xã và tỉnh Vĩnh Phúc còn 36 phường, xã mới.
Dự kiến từ ngày 29-4 đến 1-5, đề án hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ sẽ được hoàn thiện để báo cáo Trung ương.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tinh-vinh-phuc-thay-doi-phuong-an-dat-ten-xa-phuong-moi-post846081.html