Tình yêu của người đàn ông chơi đàn tính bên thác Bản Giốc

Trên lối dẫn vào thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), chúng tôi bị 'níu chân' bởi tiếng đàn của người đàn ông đã luống tuổi mặc trang phục người Tày. Sự tò mò càng lớn khi chợt nhận ra trong lời bài hát nhắc đến những người lính Biên phòng và ngợi ca tình quân-dân nơi biên giới. Thấy có khách lắng nghe, tay người đàn ông gảy đàn dường như mượt hơn, giọng hát cũng trong và say đắm hơn.

Ông Nông Kim Tướng chơi đàn tính, hát cho Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh nghe bài hát mới của mình. Ảnh: Trúc Hà

Ông Nông Kim Tướng chơi đàn tính, hát cho Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh nghe bài hát mới của mình. Ảnh: Trúc Hà

Người đàn ông đó có tên Nông Kim Tướng (58 tuổi, nhà ở xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy). Hằng ngày, ông Nông Kim Tướng đi bộ gần 2 cây số từ nhà đến Khu du lịch thác Bản Giốc để đàn, hát phục vụ khách du lịch đến tham quan. Công việc không lương, không phụ cấp nhưng ngày mưa thì thôi chứ ngày nắng, ông đều có mặt rất sớm, chỉ ra về khi đã hết khách. Ông chơi đàn, hát bằng cả sự đam mê và tâm hồn nhạy cảm.

Từ nhỏ, ông Nông Kim Tướng có niềm đam mê đặc biệt với những làn điệu then của mẹ. Lớn lên chút, thấy người trong làng chơi đàn tính, ông đặc biệt hứng thú với loại nhạc cụ này. Không chỉ những ngày lễ hội mà mỗi khi rảnh rỗi, người Bản Giốc lại mang đàn ra để “nói hộ lòng mình”. Chàng thiếu niên Nông Kim Tướng không cần ai dạy, không học theo nốt nhạc mà cứ cầm lên gảy theo cảm xúc của mình. Càng chơi đàn, Nông Kim Tướng càng thấy yêu đời và dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Ông Nông Kim Tướng sinh ra và lớn lên ở xóm Bản Giốc, bởi vậy mà luôn dành một tình cảm đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy. Có những người từ miền xuôi lên đây như Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Đại úy Nguyễn Gia Luyện...; có những cán bộ, chiến sĩ là người con của Cao Bằng như Trung tá Lương Tuấn Mạnh, Đại úy Hoàng Văn Quốc... Những người lính ấy, dù ở đâu, dân tộc gì cũng dành tâm huyết, tình cảm để bảo vệ từng tấc đất biên cương, bảo vệ nhân dân. Có lẽ bởi vậy mà tâm tư, tình cảm được ông Nông Kim Tướng “gói hết” vào bài hát của mình.

Bài hát “Ngày hội Biên phòng toàn dân” được ông sáng tác nhân dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống BĐBP và Ngày Biên phòng toàn dân gần 10 năm trước cho đến giờ vẫn nguyên giá trị. Từng lời ca khắc họa về hình ảnh người lính Biên phòng Cao Bằng. “Cảm ơn anh bộ đội Biên phòng. Ve hàm xanh quân phục càng xanh. Sao gắn mũ thương anh biết mấy. Đủ đức tài dân cậy dân tin. Đã có truyền thống lính Cụ Hồ. Việc gì cũng thi đua hăng hái. Giúp dân làm nhà, chuồng trại vươn lên. Dạy cho dân hiểu thêm biết chữ. Dạy cho dân quy củ làm ăn. Quân dân cùng ngăn chặn tội phạm. Quân dân cùng cai quản đường biên. Giữ cột mốc thiêng liêng Tổ quốc. Quân với dân một lòng ao ước. Cùng bảo vệ đất nước bình yên”.

Gần như cả cuộc đời ông Nông Kim Tướng chỉ ở Bản Giốc, chưa đi ra khỏi huyện Trùng Khánh bao giờ, thế nhưng, những bài hát của ông thì lại đi xa hơn thế. Tính tình cởi mở, nên chỉ cần một gợi ý nhỏ của những cựu chiến binh Hải quân, ông đã chủ động hát bài “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam” do chính ông sáng tác sau những lần xem tin tức về biển, đảo. Tay gảy đàn tính, mắt hướng về phía xa, ông Nông Kim Tướng nhẹ nhàng cất lời cùng tiếng nhạc: “Việt Nam ta thật là giàu có. Nhiều biển, đảo to nhỏ đẹp thay. Đảo Hoàng Sa ở ngay phía trước và Hoàng Sa gắn chắc với Trường Sa... Hai quần đảo thiêng liêng phía trước. Là chủ quyền của nước Việt Nam. Đảng kêu gọi toàn dân đoàn kết. Và toàn quân cương quyết một lòng. Để biển, đảo khơi xa thịnh vượng. Để én về bay lượn ngày Xuân”.

Mọi người vỗ tay tán thưởng, Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đàm Thủy góp lời: “Bác Nông Kim Tướng không phải là nghệ nhân, nhưng chơi đàn rất hay và sáng tác rất nhiều bài hát. Lời bài hát rất ý nghĩa, sâu sắc và nhiều lúc nó như thể một bài tuyên truyền, vận động nhân dân cùng BĐBP tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Nghe những bài hát bác viết về BĐBP, chúng tôi thấy mình phải nỗ lực hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ để xứng đáng với niềm tin, sự kì vọng của nhân dân”.

Thấy chị Nguyễn Kiều Dung (du khách đến từ Hà Nội) chăm chú nghe mình hát, ông Nông Kim Tướng dừng đàn hỏi: “Cháu quê ở đâu?”. Biết chị Dung đến từ Hà Nội, ông Nông Kim Tướng đã hát một đoạn mời khách về Cao Bằng ngắm thác Bản Giốc, ngắm động Ngườm Ngao khiến chị Dung và mọi người vô cùng thích thú. Sự biến hóa khiến bài hát như thể chỉ dành riêng cho chị Dung và những người bạn của mình.

Chị Kiều Dung cho biết: “Giới trẻ sống ở thành phố như tôi thường sẽ thích các thể loại nhạc rock, ballad và gần như không biết gì về các nhạc cụ truyền thống. Thế nhưng tôi đã bị thu hút bởi tiếng nhạc phát ra từ cây đàn tính của bác Nông Kim Tướng. Du dương, trầm bổng và nó khiến tôi nghĩ ngay tới Cao Bằng”.

Niềm vui của ông Nông Kim Tướng là hằng ngày được thỏa nỗi đam mê của mình - hát, chơi đàn phục vụ khách du lịch. Ông bảo, đàn tính, hát then là của người Tày, Nùng, thế nhưng đã có thời gian bị mai một, chỉ người già còn quan tâm. Một người yêu cây đàn tính, mến điệu hát then như ông Nông Kim Tướng thì điều đó thật đau xót. Thế nhưng vài năm trở lại đây, việc dạy chơi đàn tính, hát then được chính quyền địa phương rất quan tâm. Nhiều lớp dạy cho các bạn trẻ được mở lại gần như tại tất cả các bản.

Nhắc đến chuyện này, ông Nông Kim Tướng dường như phấn chấn hơn, cầm đàn lên gảy. Tiếng đàn cũng là tiếng lòng của người đàn ông Tày hòa vào tiếng thác đổ, tiếng gió thoảng, tiếng chim véo von, là bản nhạc hay nhất nơi núi rừng biên cương.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tinh-yeu-cua-nguoi-dan-ong-choi-dan-tinh-ben-thac-ban-gioc-post462278.html