Tình yêu lịch sử qua nét phấn trường học
Học trò (từ lớp 1-12) Trường phổ thông Hermann Gmeiner (TP Vinh, Nghệ An) cứ vài hôm lại được dịp trầm trồ bởi những bức tranh đề tài lịch sử, văn hóa… do thầy Nguyễn Trí Hạnh, giáo viên Mỹ thuật vẽ bằng phấn trên chiếc bảng trong phòng chức năng của trường.
Cách mới để thể hiện lịch sử
Xuất thân từ ngành vẽ, sáng tác qua màu bột, màu nước, sơn dầu…, nhưng thầy Hạnh chọn vẽ phấn - một chất liệu vốn không thiết kế cho hội họa, để truyền tải tình yêu nghệ thuật đến các em học sinh.
“Viên phấn là chất liệu thân thuộc với người giáo viên, mình lại dạy mỹ thuật, sao không dùng phấn để tạo các tác phẩm chứa tình cảm, câu chuyện trong đó!”, thầy Nguyễn Trí Hạnh kể lại lý do chọn phấn để thể hiện các tác phẩm.

Thầy Hạnh cùng tác phẩm "Người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam"
Phấn, nhất là phấn sử dụng trong trường học, vốn không thuận lợi để thể hiện vì chỉ có 6 màu và không thể pha, không thể loang. Tất cả những gì người vẽ có thể vẽ là tự mày mò, sáng tạo các kỹ thuật bằng ngón tay.
“Thất bại rất nhiều mới có một chút thành công, chủ yếu do mình ham mê quá, cứ muốn được như khi vẽ bằng các vật liệu khác”, thầy Hạnh cho biết.
Cứ thế, ngày nào thầy cũng luyện ít nhất 2 tiếng đồng hồ trên chiếc bảng trong phòng chức năng của trường. Tuần đều đặn 7 tranh, từ hoa lá đến chữ viết… liên tục năm này qua năm khác. Dần dần, thầy đảm nhiệm nhiệm vụ vẽ trang trí bảng ở trường nhân dịp lễ tết, trung thu, chào năm học mới…
Không lâu sau, thầy quyết định nâng cấp tay nghề từ trang trí đơn thuần sang nghệ thuật vẽ bảng. Ấp ủ các đề tài về văn hóa, lịch sử, thầy tự yêu cầu các tác phẩm này phải có chiều sâu nội dung, cấu trúc ánh sáng, bố cục và nhất là cảm xúc. Phải vậy mới thu hút người xem, khiến họ tò mò, tìm hiểu về nội dung văn hóa mình muốn nói.
“Vẽ lịch sử, văn hóa cái khó là không được sai. Bức tranh Bắc Nam một nhà chào mừng chiến thắng 30-4, tôi nghiên cứu từng chiếc xe tăng đến vũ khí, đồng phục của bộ đội để cho ra tác phẩm, ngoài cảm xúc, phải chuẩn nhất về kiến thức. Thường tôi tra mạng, đối chiếu với nhiều sách sử cũ mới, và hỏi thêm các thầy cô dạy sử ở trường để lên ý tưởng…”, thầy Hạnh bày tỏ.
Truyền “nghề”
4-5 năm trời thầy ở lại sau giờ tan học, miệt mài luyện vẽ ở phòng chức năng. Mỗi khi tác phẩm mới hoàn thành, các thầy cô, ban giám hiệu, đặc biệt là các em học trò rất trầm trồ, hưởng ứng để động viên tinh thần, “tranh thủ” rủ nhau sang xem trước khi bức tranh bị xóa vào hôm sau.
Ban giám hiệu, các thầy cô rất mến, cũng động viên, tiếp sức thầy Hạnh bằng cách dõi theo, gợi ý các đề tài “Tôi thấy hoa này, hoa kia đẹp…”, “Tôi có ý tưởng này, thầy xem vẽ thử xem đẹp không?”, “Sắp tới ngày lễ Giỗ tổ, ngày kỷ niệm…, thầy có ý tưởng nào vẽ hưởng ứng không?”. Nhẹ nhàng, giản dị mà tình cảm, cả trường tiếp sức cho nét phấn lặng lẽ của thầy.
Không chỉ vẽ đơn thuần, với mỗi tác phẩm, thầy Nguyễn Trí Hạnh đều quay, chụp lại quá trình từ khi lên ý tưởng, thực hiện và hoàn chỉnh, chia sẻ lên cộng đồng các thầy cô trên toàn quốc yêu thích vẽ bảng.
Thầy nói: “Học trò ngày nay cũng không hẳn chỉ chạy theo những thứ mới trên mạng như mình hay nghĩ đâu. Các tranh chủ đề văn hóa, lịch sử của tôi đều được các em là người hưởng ứng, đón nhận nồng nhiệt. Các em thắc mắc đủ thứ: sao thầy vẽ được như vậy, sao thầy vẽ trăm trứng của Âu Cơ như bọc ngọc, sao thầy vẽ Lạc Long Quân mặc áo thế kia, con rồng này có ý nghĩa gì…".
Nhiều em còn ngỏ ý muốn tự tay sao chép lại sáng tác, thầy rất sẵn lòng, chia sẻ tỉ mỉ các kỹ thuật, góp ý các em tìm hiểu để vẽ chính xác các chi tiết văn hóa, lịch sử Việt Nam. Các em yêu thích học sử qua từng nét phấn đầy nghệ thuật, tinh tế và cảm hứng từ chính người thầy ngay gần bên mình.
Những ngày qua, Trường phổ thông Hermann Gmeiner đã trải qua những giờ phút sôi động với cuộc thi vẽ bảng chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiếp tới đây, thầy Hạnh và các em đang lên những kế hoạch, đề tài mới về mùa hè, về kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh đất nước…
Những tấm bảng phụ cuối lớp giờ đã trở thành nơi để các em học sinh CLB Mỹ thuật thay nhau luyện tập trang trí, quay clip thuyết trình ý tưởng để lan tỏa cảm hứng đến các bạn khác cùng tham gia.
Vẽ bảng dần được các trường đón nhận. Các thầy cô rất thích thể hiện tác phẩm của mình nhân dịp lễ tết, liên hoan, minh họa bài học… Cuối tuần, các trường ở tỉnh khác thường mời thầy Hạnh đến họp nhóm với giáo viên, chia sẻ cảm hứng và tình yêu vẽ bảng, cùng thực hành các kỹ thuật. Các thầy cô về sau tự luyện thành công, lại làm thêm những video hướng dẫn thêm người mới. Cứ vậy, những bức tranh phấn lại nối tiếp nhau…
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tinh-yeu-lich-su-qua-net-phan-truong-hoc-post793615.html