Tình yêu trong trẻo vô ngần trong thơ Đỗ Trung Quân

Biển, núi, em và sóng của nhà thơ Đỗ Trung Quân là một bài thơ tình hay, ý vị, được nhiều người yêu thích.

BIỂN, NÚI, EM VÀ SÓNG

Xin cảm ơn những con đường ven biển
Cho rất nhiều đôi lứa dẫn nhau đi
Cám ơn sóng nói thay lời dào dạt
Hàng thùy dương nói hộ tiếng thầm thì

Anh như núi đứng suốt đời ngóng biển
Một tình yêu vươn chạm tới đỉnh trời
Em là sóng nhưng xin đừng như sóng
Ðã xô vào xin chớ ngược ra khơi

Anh như núi đứng nghìn năm chung thủy
Không ngẩng đầu dù chạm tới mây bay
Yêu biển vỗ dưới chân mình dào dạt
Dẫu đôi khi vì sóng núi hao gầy...

Cám ơn em dịu dàng đi bên cạnh
Biển ngoài kia xanh quá nói chi nhiều
Núi gần quá - sóng và em gần quá
Anh đủ lời để tỏ một tình yêu.
ĐỖ TRUNG QUÂN

Nhà thơ Đỗ Trung Quân có khá nhiều bài thơ phổ nhạc được nhiều người yêu thích như: Quê hương, Phượng hồng… Bài thơ “Biển, núi, em và sóng”cũng được nhạc sĩ Nguyễn Bòn phổ nhạc thành bài thơ cùng tên. Đọc tiêu đề bài thơ, tôi thấy hơi lạ và có chút tò mò, vì 4 chủ thể (biển, núi, em, sóng) được nhắc tới ngay ở tên bài. Tôi đọc đi, đọc lại bài thơ và cảm thấy thú vị, bởi một tình yêu chung thủy, đẹp đẽ và vô cùng trong sáng ở đây. Thú vị là tình yêu ấy được người thơ khéo léo gửi vào cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, sống động, thế nên nó càng trong trẻo, tinh tế và hấp dẫn.

Trong suốt bài thơ, nhân vật trữ tình đã hơn một lần nói lời cảm ơn: Cảm ơn những con đường ven biển, Cảm ơn sóng, hàng thùy dương cám ơn em. Lời cảm ơn đầu tiên, nhà thơ dành cho những con đường đẹp đẽ nên thơ ven biển, bởi đó là con đường của tình yêu. Con đường ấy không chỉ dành riêng cho nhân vật trữ tình, mà dành cho rất nhiều đôi lứa yêu nhau. Lời cảm ơn tiếp sau là cám ơn “sóng” cùng “hàng thùy dương”. Bởi “sóng nói thay lời dào dạt/ Hàng thùy dương nói hộ tiếng thầm thì”. Hình ảnh sónghàng thùy dương là những nhân tố phụ họa “nói hộ, nói thay” cho những cung bậc cảm xúc, lúc thì dào dạt, khi lại thầm thì những lời của đôi lứa yêu nhau. Như vậy, khổ thơ đầu, qua những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, nhà thơ gián tiếp gửi vào một tình yêu nồng nàn, bền chặt mà không kém phần thi vị.

Từ khổ thơ thứ hai, anh và em mới bắt đầu “lộ diện”. Bằng hình ảnh ẩn dụ anh - núi, tượng trưng cho sự vững bền, kiên định; Em - sóng tượng trưng cho sự mềm mại, uyển chuyển: Cách so sánh “Anh như núi” được lặp lại hai lần ở khổ thơ thứ 2 và 3, phải chăng nhân vật trữ tình muốn trải lòng, hay đúng hơn, để khẳng định sự chắc chắn, chung thủy và nhất quán trong tình yêu? Mà đó là một tình yêu “vươn chạm tới đỉnh trời”, biện pháp nghệ thuật ẩn dụ nhằm khẳng định một tình yêu cao cả, bất chấp vật cản, bất chấp thời gian. Ở đây, tác giả dùng những từ chỉ thời gian vô tận như: “suốt đời”, “nghìn năm” để khẳng định tình yêu bền chặt trước sau như một, minh chứng cho sự thủy chung duy nhất của mình.

Về phía em, sóng là ẩn dụ của người con gái anh yêu. Nhưng sóng “nói thay lời dào dạt”, hẳn là tình yêu của anh đã được đền đáp bằng sự cộng hưởng của sóng. Nhưng rồi, nỗi lo mơ hồ trong tình yêu luôn nhắc nhớ anh rằng: “Em là sóng nhưng xin đừng như sóng/ Ðã xô vào xin chớ ngược ra khơi”. Từ quy luật của sóng cứ xô vào lại lảng ra xa, nhân vật trữ tình phấp phỏng, lo sợ những bất trắc có thể xảy đến cho tình yêu bất cứ lúc nào. Tình yêu của núi với sóng biển, của anh với em là kiên định, nhưng về phía em, cũng đôi khi “vì sóng núi hao gầy...”. Câu thơ là một ẩn dụ cho những sóng gió trong tình yêu (từ phía em). Bởi lẽ tình yêu không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, thông đồng bén giọt, mà còn có những khúc mắc (hờn giận, lo âu, hiểu lầm…). Phải chăng, đó cũng là chút gia vị cần có để tình yêu thêm phần thi vị?

Khổ thơ cuối, nhân vật trữ tình trực tiếp bày tỏ tình cảm của mình với em - tình yêu của anh: “Cám ơn em dịu dàng đi bên cạnh/ Biển ngoài kia xanh quá nói chi nhiều/ Núi gần quá - sóng và em gần quá/ Anh đủ lời để tỏ một tình yêu”. Vậy là, dù có sóng gió bất chợt, thì cuối cùng, em vẫn dịu dàng bên anh. Anh cảm nhận được tình em rộng lớn và sâu sắc như tình biển. Biển, núi, em và sóng, cả 4 thực thể khăng khít gần gũi bên nhau và cùng hội tụ trong khổ thơ cuối như một sự nhất quán không thể tách rời. Đó là lúc Anh “đủ lời” và tự tin bày tỏ tình yêu của mình.

Biển, núi, em và sóng của nhà thơ Đỗ Trung Quân là một bài thơ tình hay, ý vị, được nhiều người yêu thích. Bài thơ mở đầu bằng lời cảm ơn Những con đường ven biển và kết thúc cũng bằng lời cám ơn Em. Bởi đó vừa là nhân chứng của tình yêu, vừa góp phần điểm tô cho tình yêu thêm ý nghĩa. Có thể nói, đây là một sự nhất quán, đem lại cho người đọc những dư vị tuyệt vời về một tình yêu thủy chung, trọn vẹn. Bằng cấu tứ độc đáo, ngôn từ, hình ảnh giản dị, người thơ muốn gửi tới độc giả những cung bậc cảm xúc khác nhau của một tình yêu vô cùng trong trẻo, sâu lắng, thủy chung mà ai cũng ước mong có được.

NGUYỄN THỊ BÌNH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tinh-yeu-trong-treo-vo-ngan-trong-tho-do-trung-quan-380995.html