Tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Hướng đến hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả

Ngày 6/5, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ phối hợp Viện Nhà nước và Pháp luật, phân hiệu Học viện Hành chính và Quản trị công tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: 'Tổ chức chính quyền địa phương hai cấp: Kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn Việt Nam và những kiến giải nhằm thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hiện nay'.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (giữa) chủ trì tọa đàm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (giữa) chủ trì tọa đàm.

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Trương Cộng Hòa, Giám đốc phân hiệu Học viện Hành chính và Quản trị công tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, trải qua các giai đoạn cải cách hành chính, đặc biệt là sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) có hiệu lực, nước ta đã triển khai thí điểm một số mô hình ở cấp chính quyền địa phương nhằm xác định các mô hình phù hợp hơn với yêu cầu quản lý nhà nước hiện đại.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn tồn tại không ít những bất cập, chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền, đặc biệt là giữa cấp tỉnh và cấp huyện, giữa cấp huyện và cấp xã.

Nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong phân định thẩm quyền, dẫn đến hiện tượng bộ máy cồng kềnh, kém linh hoạt, gây lãng phí nguồn lực, làm giảm hiệu suất phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tiến sĩ Trương Cộng Hòa, Giám đốc phân hiệu Học viện Hành chính và Quản trị công tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm.

Tiến sĩ Trương Cộng Hòa, Giám đốc phân hiệu Học viện Hành chính và Quản trị công tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm.

Từ thực tiễn đó, yêu cầu đổi mới tổ chức chính quyền địa phương theo hướng “tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tầng nấc trung gian, tăng cường tính chủ động và trách nhiệm trong quản trị, điều hành.

Qua đó, “nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, phù hợp với xu thế phát triển của các nền hành chính hiện đại trên thế giới”, Tiến sĩ Trương Cộng Hòa nhấn mạnh.

Để thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp ở Việt Nam, cần một chiến lược đồng bộ từ thể chế, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, tài chính đến công nghệ và sự tham gia của người dân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ

Tại tọa đàm, các nhà khoa học, chuyên gia đã tập trung trao đổi, phân tích những mô hình chính quyền địa phương của các quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Đan Mạch, Đức, Anh… đã mang lại nhiều ưu điểm trong việc phát huy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Việc tổ chức ở mỗi quốc gia có sự khác nhau và rất đa dạng tùy thuộc vào đặc thù thể chế chính trị, truyền thống lập pháp, văn hóa truyền thống địa phương… nhưng khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp sẽ mang lại các lợi ích thiết thực.

Cụ thể, gần dân, sát cơ sở hơn trong quản lý và phục vụ; tăng tính linh hoạt và hiệu quả trong quản trị; thúc đẩy phân cấp, phân quyền và tự chủ địa phương; hài hòa giữa quản lý nhà nước và tự quản địa phương; góp phần tinh gọn bộ máy nhưng vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả...

Quang cảnh tọa đàm.

Quang cảnh tọa đàm.

Cũng theo các chuyên gia, mục tiêu của việc tinh gọn và sắp xếp lại cấp huyện là giảm đầu mối, giảm chi ngân sách thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển; xóa bỏ tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng và nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền.

Đồng thời, tạo điều kiện để tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; hướng đến mô hình chính quyền tinh gọn, hiện đại, phù hợp với chuyển đổi số và cải cách hành chính.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, để thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp ở Việt Nam, cần một chiến lược đồng bộ từ thể chế, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, tài chính đến công nghệ và sự tham gia của người dân.

Qua đó, bảo đảm tính khả thi và bền vững làm tiền đề xây dựng một thể chế, bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, vững bước đưa Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

CAO TÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-huong-den-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua-post877567.html