Tổ chức lãnh đạo, giành chính quyền tỉnh Biên Hòa

Đồng chí Phan Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa trong ngày 30-4-1975 tại Tòa hành chánh tỉnh

Đồng chí Phan Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa trong ngày 30-4-1975 tại Tòa hành chánh tỉnh

LTS: Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2021), đồng chí Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa đã có bài viết tiêu đề Tổ chức lãnh đạo, giành chính quyền tỉnh Biên Hòa với tư cách là cán bộ lãnh đạo của tỉnh Biên Hòa trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân chứng trong ngày 30-4 lịch sử. Báo Đồng Nai trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết.

Ở thời khắc lịch sử cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tỉnh Biên Hòa có hai bộ máy lãnh đạo: một là Tỉnh ủy Biên Hòa U3 chịu trách nhiệm toàn bộ các huyện nông thôn; hai là TP.Biên Hòa chịu trách nhiệm toàn thành Biên Hòa.

Ngày 9-4-1975, Thường vụ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông và 500 cán bộ đến cơ quan thành ủy ở Bắc Trảng Bom nghe phổ biến nghị quyết Trung ương về giải phóng miền Nam. Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh quân khu giao nhiệm vụ cho tôi: “Tổ chức lãnh đạo, giành chính quyền tỉnh Biên Hòa tại nội thành Tỉnh lỵ Biên Hòa”.

* Quán triệt Nghị quyết của Trung ương về giải phóng miền Nam

Tối 9-4, có mặt trong nội thành Biên Hòa làm việc với đồng chí Phó bí thư Thành ủy, tôi phổ biến Nghị quyết của Trung ương về giải phóng miền Nam. Tôi được giao công việc triển khai mọi mặt để kịp kết hợp quân ta đánh địch bên ngoài, bên trong ta giành chính quyền tỉnh, quận, phường, xã. Những ngày sau đó, tôi triển khai công việc cho chi bộ, cho cơ sở khắp thành phố. Địch thua trận ở nhiều nơi chạy về trú tại TP.Biên Hòa đông nghẹt, một cuộc hỗn quân hỗn quan mạnh ai nấy tìm mạng sống, địch không còn xét hỏi, tôi tự lái xe đi tận chi bộ, cơ sở làm việc:

- Tổ chức 15 ủy ban khởi nghĩa ở xã Bình Trước, khu công nghiệp Biên Hòa, Bình Đa, An Hảo, Núi Đất, Lân Thành, Vĩnh Thị, Bửu Long, Tân Thành, Tam Hiệp, Hiệp Hòa, Bửu Hòa, Hóa An, Tân Hạnh…

- Giao nhiệm vụ cho 9 trưởng đội phòng vệ dân sự của địch, ta đưa đảng viên, đoàn viên làm trưởng đội phòng vệ dân sự nắm và sử dụng theo ý định của ta, có trong tay 300 súng.

- Giao Chi bộ chợ Biên Hòa tổ chức mua vải may cờ. Cờ lớn treo Tòa hành chánh, dinh Trung tướng Toàn, Tiểu khu Quân sự Biên Hòa, Ty Cảnh sát công an ngụy…; tổ chức lực lượng quần chúng phá khám đường Biên Hòa giải thoát tù nhân.

- Mua máy ghi âm, ghi lời của Chủ tịch Ủy ban Cách mạng tỉnh Biên Hòa kêu gọi dân đứng lên giành chính quyền, ghi âm 10 điều kêu gọi binh sĩ, sĩ quan ngụy buông súng về nhà, hoặc hợp tác quân giải phóng giành chính quyền.

- Nghiên cứu nhà máy điện ở Bửu Hòa, nhà máy nước ở Biên Hòa bố trí lực lượng chốt giữ không để bọn xấu phá hoại.

- Nghiên cứu cầu Hóa An, cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát để bố trí lực lượng chiếm giữ.

- Bố trí lực lượng biệt động, Trung đoàn 5 chiếm giữ khu công nghiệp 46/94 nhà máy đang hoạt động...

Mọi việc chuẩn bị cho giành chính quyền trong nội thành Biên Hòa, phân công cụ thể, tôi xác định nhiệm vụ mỗi người: “Thời cơ ngàn năm có một, không ai chần chừ, không sợ lộ, mọi đảng viên, đoàn viên, cơ sở cốt cán đứng lên kêu gọi quần chúng nổi dậy giành chính quyền về tay mình”. Bộ đội đánh địch bên ngoài, bên trong nổi dậy giành chính quyền, tất cả đều đồng lòng.

Ngày 15-4-1975, trở về căn cứ, tôi báo cáo tình hình binh lính ngụy ngổn ngang dọc theo đường và đầy ngập trong nội thành Biên Hòa, tinh thần tư tưởng lung lay, hoang mang sợ chết. Nhân dân mừng rỡ bàn bạc công khai tin chiến thắng. Đảng viên, đoàn viên, cơ sở tinh thần, tư tưởng rất phấn khởi, sẵn sàng chờ Đảng phân công.

Nghe báo cáo, Thường vụ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông và 500 cán bộ của Khu rất phấn khởi và an tâm tin tưởng công tác chuẩn bị của tôi trong nội thành chu đáo.

Theo kế hoạch, những ngày sau đó, Bộ Chỉ huy tiền phương cùng Thành ủy Biên Hòa quay trở lại khu vực Long Khánh rồi lên Gia Kiệm phối hợp với Quân đoàn 4 tổ chức lực lượng tiến công về Biên Hòa. Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở ra bằng những trận đánh liên tục, dữ dội dọc theo quốc lộ 1 diệt gọn địch tại ngã ba Dầu Giây, tiêu diệt địch trận địa pháo Sông Thao, đánh dứt điểm yếu khu Trảng Bom, giải phóng TT.Trảng Bom vào ngày 27-4.

Theo đà thắng lợi, quân ta tiếp tục tiến công về Biên Hòa, Quân đoàn 4 về Hố Nai đụng các trung đoàn của địch đang chốt chặn mũi tiến công quân đội ta.

Địch và ta đánh nhau quyết liệt suốt ngày 28 và 29-4 ở Hố Nai, quốc lộ 1. Đoàn 113 từ Bắc sông Đồng Nai tiến thẳng đánh địch ở cầu Cống Bửu Hòa và cầu mới Hóa An. Ta hy sinh 15 đồng chí. Đánh địch tại Nhà máy Điện Bửu Hòa và cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát ta hy sinh 41 đồng chí. Ta tiêu diệt địch và chiếm giữ trọn vẹn.

Sáng 29-4, Bộ Chỉ huy tiền phương và Trung đoàn 5 chốt tại cầu Suối Đĩa, có một tình huống xảy ra là xe tăng, xe bộ binh, xe chở pháo của ta xuống ngang cống Suối Đĩa thì pháo địch bắn cấp tập gây thương vong cho chiến sĩ ta. Chúng tôi nhận định địch bố trí đài quan sát kêu pháo bắn, chúng tôi giao nhiệm vụ một tiểu đoàn truy lùng bắt quả tang 1 tên điệp báo máy PRC25. Từ 3 giờ chiều không còn pháo bắn, lực lượng Quân đoàn 4 vận chuyển quốc lộ 1 không bị pháo bắn nữa.

Đêm 29-4-1975, Bộ Chỉ huy tiền phương và Sư đoàn 6, Trung đoàn 5 đã đến Hố Nai 4. 12 giờ đêm, anh chị em tại Nhà tù Tân Hiệp phá khám ra gặp chúng tôi trong đêm vui mừng trong nước mắt. Tôi nghẹn ngào trong niềm vui được gặp vợ tôi sau 7 năm xa cách, nay gặp lại trong bom pháo nổ vang ở chiến trận, tâm tình trong giây phút, tôi phải đi ngay với bộ đội, gửi vợ tôi ở lại đi sau.

* Trong niềm vui đại thắng

6 giờ sáng 30-4-1975, chúng tôi nhận được lệnh phải đánh chiếm Quân đoàn 3 và sân bay quân sự Biên Hòa để Quân đoàn 4 tiến về Sài Gòn. Bắt đầu hành quân thì trên radio, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng quân giải phóng. Chúng tôi thông báo toàn quân khẩn trương tiến về Biên Hòa. Sư đoàn 6 chiếm Quân đoàn 3 ngụy, chiếm sân bay Biên Hòa.

Đồng chí Phan Văn Trang (thứ sáu từ phải qua) cùng các đại biểu tại buổi họp mặt truyền thống Tỉnh ủy Biên Hòa (U3) - Phân khu 4 nhân kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng huyện Long Thành (28-4-1975 - 28-4-2021). Ảnh: C.Thuận

Đồng chí Phan Văn Trang (thứ sáu từ phải qua) cùng các đại biểu tại buổi họp mặt truyền thống Tỉnh ủy Biên Hòa (U3) - Phân khu 4 nhân kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng huyện Long Thành (28-4-1975 - 28-4-2021). Ảnh: C.Thuận

Đại bộ phận Quân đoàn 4 phải nhanh chóng về tiếp quản Sài Gòn, nhưng cầu Hóa An bị tên Tỉnh trưởng Lưu Yểm rút chạy trong đêm 29-4, sợ ta truy kích rượt theo tiêu diệt, tên Tỉnh trưởng cho đánh trái nổ sập một nhịp. Quân đoàn 4 phải quay sang đường Tam Hiệp ra xa lộ tiến về Sài Gòn.

Còn chúng tôi và Trung đoàn 5 tiến về TP.Biên Hòa. Từ nhà thương điên (nay là Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2) đến trung tâm thành phố, đồng bào đổ ra đường vẫy tay, vẫy hoa chào mừng quân giải phóng, hàng trăm xe Honda chạy theo xe bộ đội, cùng đi giành chính quyền với bộ đội. Kết thành quân dân giành chính quyền một cách tuyệt đẹp.

Đến công trường Sông Phố, đồng bào đứng tập trung rất đông. Tôi mời đồng bào vào sân trước Tòa hành chánh tỉnh, tôi đứng tại cột cờ nói chuyện với đồng bào trong niềm vui đại thắng.

6 giờ sáng 30-4, chị Trương Thị Sáu, đảng viên Chi bộ chợ Biên Hòa đến cột cờ Tòa hành chánh tỉnh Biên Hòa, cùng đi có anh Mượn nội tuyến của ta đưa vào Biệt động quân ngụy cầm súng theo bảo vệ chị Trương Thị Sáu đến cột cờ Tòa hành chánh tỉnh, hỗ trợ chị Trương Thị Sáu kéo cờ đỏ sao vàng lên phất phới tung bay.

Đứng tại cột cờ, tôi nói chuyện với đồng bào: Dân tộc Việt Nam ta bị thực dân Pháp xâm chiếm đô hộ gần 1 thế kỷ, nhân dân ta nổi lên cướp chính quyền tháng 8-1945. Pháp tiếp tục gây hấn chiếm lại đất nước Việt Nam. Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết vào tháng 7-1954 kết thúc kháng chiến chống Pháp. Đế quốc Mỹ nhảy vào hất chân Pháp xâm lược Việt Nam, nhân dân Việt Nam phải đương đầu với đế quốc Mỹ 21 năm. Nhân dân Việt Nam bền bỉ đấu tranh theo lời dạy của Bác Hồ: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đại thắng 30-4-1975 là niềm vui trọn vẹn của dân tộc Việt Nam, miền Nam hoàn toàn giải phóng, TP.Biên Hòa hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta làm chủ vận mệnh của Tổ quốc ta. Nhờ có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhờ có Bác Hồ lãnh đạo, toàn dân ta một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Hôm nay, đất nước độc lập tự do, TP.Biên Hòa của chúng ta hoàn toàn giải phóng, thay mặt Ủy ban Quân quản TP.Biên Hòa, tôi kêu gọi đồng bào trở về, mỗi người một việc tém dẹp tàn tích chế độ cũ, hàn gắn vết thương chiến tranh, giữ gìn an ninh trật tự và tổ chức cuộc sống cho mình.

Đồng bào vỗ tay vang dội, đồng bào tặng cho tôi bó hoa khi tôi còn đứng tại cột cờ. Ôm chầm bó hoa vào lòng như phần thưởng cao quý đồng bào TP.Biên Hòa thưởng cho Bí thư Thành ủy trong ngày vui đại thắng, tôi rất xúc động và cảm ơn đồng bào…

P.V.T

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202104/ky-uc-30-4-1975-to-chuc-lanh-dao-gianh-chinh-quyen-tinh-bien-hoa-3054614/