Tổ chức ngoại khóa: Làm đúng luật để đảm bảo lợi ích tốt nhất của trẻ

Mùa hè sắp tới cũng là thời điểm nhiều trẻ em tham gia các hoạt động ngoài gia đình, trường học. Tuy nhiên, thực tế là việc đảm bảo quyền của trẻ khi tham gia các chương trình này vẫn còn hạn chế, bất cập, cần thiết phải có hành lang pháp lý điều chỉnh kịp thời.

Nhiều trẻ đăng ký học kỳ quân đội trong dịp hè. (Ảnh minh họa)

Nhiều trẻ đăng ký học kỳ quân đội trong dịp hè. (Ảnh minh họa)

Đảm bảo quyền trẻ em

Thực tế cho thấy, công tác bảo đảm quyền trẻ em, giảm thiểu nguy cơ tổn hại tới sự an toàn, tham gia và phát triển của trẻ em là vô cùng quan trọng. Trong dịp hè, nhiều hoạt động ngoại khóa nở rộ để phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi của trẻ và gia đình, như các chương trình giáo dục, chương trình trại hè trong nước, quốc tế, học kỳ quân đội, cảnh sát, khóa tu...

Theo khảo sát của Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, bên cạnh các ưu điểm của những chương trình ngoại khóa thì còn phát hiện một số vấn đề về cơ sở vật chất, chương trình và các hành vi chưa đảm bảo an toàn, quyền riêng tư, quyền tham gia của trẻ.

Đơn cử như khi trẻ em gái tham gia học kỳ quân đội cần phải bảo đảm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của các em gái, hoặc việc đảm bảo sức khỏe dinh dưỡng cho các em là rất quan trọng. Nếu ban tổ chức các trại hè không có đủ kiến thức, trẻ em có thể gặp các rủi ro liên quan đến vấn đề ngộ độc thực phẩm, đuối nước hay tai nạn thương tích, không đảm bảo sức khỏe tham gia các hoạt động, bị vi phạm quyền riêng tư, thậm chí bị bạo lực xâm hại trẻ em...

Những vấn đề này đã được bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em thông tin tại buổi tập huấn do Cục Trẻ em, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tổ chức, để hướng dẫn Thông tư số 27/2022/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2022 của Bộ LĐ-TB&XH về hướng dẫn sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục.

Theo Thông tư trên, hoạt động có sự tham gia của trẻ em ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục là hoạt động do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức dành cho trẻ em nhằm bổ sung kiến thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách, sức khỏe, kỹ năng sống, trải nghiệm thực tế mà trẻ em tham gia không có sự chăm sóc, quản lý trực tiếp của cha, mẹ, thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em và cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục.

Nội dung chương trình được yêu cầu phải phù hợp với năng lực, độ tuổi của trẻ em; bảo đảm an toàn, lành mạnh, thân thiện và không ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Thông tư cũng nêu rõ, trẻ em có quyền bày tỏ ý kiến, nguyện vọng khi tham gia vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục. Việc lấy ý kiến của trẻ em phải phù hợp với độ tuổi, sức khỏe, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ.

Trẻ em có quyền tham gia hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục trong trường hợp cơ sở, địa điểm mà trẻ em tham gia bảo đảm: an toàn, thân thiện, phù hợp với lứa tuổi, giới tính của trẻ em. Trẻ em có quyền hủy bỏ việc tham gia nếu thấy hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục không đáp ứng hoặc không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của trẻ. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm tôn trọng ý kiến, nguyện vọng của trẻ em…

“Thông tư 27 được ban hành để kịp thời hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và gia đình về sự tham gia của trẻ em trong các hoạt động ngoài gia đình và cơ sở giáo dục giúp đảm bảo quyền của trẻ em, đảm bảo môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng, không phân biệt đối xử, kỳ thị”, theo bà Nguyễn Thị Nga.

Vì lợi ích tốt nhất của trẻ

Luật Trẻ em đã ban hành được một thời gian dài cùng với các văn bản hướng dẫn thực thi Luật khá đầy đủ và cụ thể, tuy nhiên, việc hướng dẫn thực hiện quyền tham gia và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em vẫn được hiểu khá chung chung.

Theo bà Phạm Thị Thủy, phụ trách Phòng phát triển tham gia của trẻ em, Cục Trẻ em: chúng ta vẫn nói đến quyền tham gia của trẻ, nhưng không thể chỉ hiểu chung chung, không hiểu rõ các quy định, phương pháp và cách thức để thúc đẩy sự tham gia của trẻ. Khi thực hiện các hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục, các tổ chức, doanh nghiệp cần nắm chắc các nguyên tắc đảm bảo sự tham gia của trẻ như đảm bảo trẻ hoàn toàn tự nguyện chủ động tham gia; phù hợp quy định pháp luật, mọi trẻ đều được bình đẳng và đảm bảo bí mật riêng tư, các nội dung chương trình phải phù hợp với độ tuổi, giới tính trẻ đặt lợi ích của trẻ lên trên hết, đảm bảo môi trường an toàn, thân thiện bình đẳng, có cơ chế ghi nhận, phản hồi các yêu cầu của trẻ.

“Đặc biệt, chúng ta phải nhớ nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Lợi ích của trẻ em cần được đặt lên trên hết chứ không phải lợi ích của cha mẹ hay tổ chức, doanh nghiệp tổ chức các chương trình ngoài gia đình, cơ sở giáo dục”, bà Thủy nhấn mạnh.

Đó cũng là mục tiêu Thông tư 27 hướng đến. Phát biểu tại buổi tập huấn, từ góc độ của một trong những bên tổ chức các chương trình ngoại khóa - đại diện Ban công tác Thanh niên - Bộ Quốc phòng chia sẻ, các chương trình học kỳ quân đội để giới thiệu, bồi dưỡng cho các bạn trẻ về lịch sử, quân đội, vũ khí và các hoạt động nâng cao thể lực qua các trò chơi quân đội, bài thể dục và các quy tắc và kỹ năng an toàn như kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, các kỷ luật tác phong ăn ở, kỷ luật ngăn nắp. Việc áp dụng Thông tư 27 sẽ giúp việc vận hành được thực hiện hiệu quả hơn, bảo về quyền của trẻ em.

Từ góc độ của đơn vị tổ chức khóa tu, đại diện chùa Đình Quán (thôn Ngọa Long, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, việc tham gia tập huấn sẽ giúp cho chùa Đình Quán thực hiện tốt hơn các khóa tu cho trẻ. “Thông tư 27 có các hướng dẫn hoàn toàn phù hợp và chùa Đình Quán nhờ đó đánh giá lại hoạt động tổ chức khóa tu của chùa Đình Quán đảm bảo các tiêu chí bảo vệ trẻ em. Chùa Đình Quán luôn nỗ lực cân đối các nội dung giáo dục, kể cả giáo dục về chủ đề Phật giáo phải phù hợp với độ tuổi, tâm, sinh lý và nhu cầu và nhận thức của trẻ em. Quyền riêng tư của trẻ em cũng rất quan trọng và trẻ em cũng có quyền có quan điểm, tiếng nói của riêng mình. Khi trẻ em có tâm sự, phải cân nhắc đến việc chia sẻ, trao đổi phản hồi trẻ, không thể đem các vấn đề của các em ra nói trước mọi người. Khi chụp ảnh khóa tu cũng cần có các tiêu chí lựa chọn các bức ảnh nào được phép sử dụng khi nào không đảm bảo quyền riêng tư của trẻ”, nhà sư Lỗ Nghiêm nói.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/to-chuc-ngoai-khoa-lam-dung-luat-de-dam-bao-loi-ich-tot-nhat-cua-tre-post472669.html