Tổ chức tín dụng bị áp dụng kiểm soát đặc biệt khi nào?
Hai vấn đề đáng chú ý ở dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là can thiệp sớm tổ chức tín dụng và kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục cho ý kiến đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng, có trách nhiệm để tiếp thu, chỉnh lý, giải trình ý kiến của các ĐBQH, ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm yêu cầu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng theo chủ trương của Đảng, Nghị quyết Quốc hội;
Bảo đảm nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; có tính kế thừa; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng; tăng khả năng chống chịu của hệ thống tổ chức tín dụng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng.
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).
Ngày 14/1/2024, UBTVQH đã có Báo cáo số 725 về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gửi đến các ĐBQH.
Về tổ chức, quản trị điều hành của tổ chức tín dụng (Chương IV), có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “đủ điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước” trong đoạn “lựa chọn một tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước” tại khoản 1 Điều 59 của dự thảo Luật.
Chính phủ đề xuất chỉnh lý Điều 47, 48 theo hướng tăng nghĩa vụ của người quản lý, người điều hành và quyền đình chỉ, tạm đình chỉ của Ngân hàng Nhà nước; đề xuất chỉnh lý khoản 2 Điều 51 theo hướng tăng số lượng thành viên Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại tối thiểu từ 3 thành viên lên 5 thành viên. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH và trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH thể hiện như quy định tại Điều 47, 48 và 51 của dự thảo Luật.
Đối với khoản 1 Điều 59, UBTVQH chỉnh lý như sau: “Trước khi kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập đáp ứng yêu cầu theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán hoạt động kiểm soát nội bộ đối với việc lập và trình bày báo cáo tài chính trong năm tài chính tiếp theo”.
Về nghiệp vụ ủy thác và đại lý, giao đại lý (Điều 113), tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 113 và tương tự tại các điều tương ứng với từng loại hình tổ chức tín dụng như sau: “Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”.
Đối với quy định về giới hạn cấp tín dụng (Điều 136), tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình cụ thể tại khoản 1 Điều 136 dự thảo Luật với thời hạn giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm từ khi Luật có hiệu lực đến năm 2029 nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, đồng thời tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhưng vẫn hạn chế việc tập trung tín dụng vào một khách hàng và một nhóm khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác.
Tiếp thu ý kiến đối với quy định về dự phòng rủi ro (Điều 147), UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng Chính phủ quy định mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (khoản 3 Điều 147) do các nội dung này có liên quan đến các quy định về chế độ kế toán, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Vì vậy cần có ý kiến tham gia của các bộ, ngành khác; đối với việc phân loại tài sản là nội dung chuyên môn của lĩnh vực ngân hàng thì thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Về Can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Chương IX), tiếp thu ý kiến của ĐBQH, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp, trong đó có trường hợp “a) Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu” tại khoản 1 Điều 156…
UBTVQH cũng giải trình, tiếp thu quy định về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng (Chương X), theo đó trên cơ sở ý kiến của ĐBQH và đề xuất của Chính phủ, UBTVQH xin tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt khi thuộc các trường hợp được quy định cụ thể trong dự thảo luật.
Đồng thời, để có cơ sở xử lý các tình huống đặc biệt có thể phát sinh, kế thừa Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, dự thảo Luật quy định: “Trường hợp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ quyết định việc áp dụng biện pháp đặc biệt trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.
Về chức năng thanh tra, giám sát ngân hàng (Chương XIII), tiếp thu ý kiến của ĐBQH và trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định: “Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan” tại khoản 1 Điều 207. Đồng thời, UBTVQH đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan (Bộ Tài chính) tiếp tục có giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, tăng tính hiệu lực, hiệu quả của Luật khi ban hành.
Đối với quy định về Điều khoản thi hành (Chương XV), dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 quy định Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Tuy nhiên, UBTVQH thấy rằng dự thảo Luật có nhiều nội dung giao hướng dẫn, quy định chi tiết, cụ thể Chính phủ: 9 nội dung, Thủ tướng Chính phủ: 1 nội dung, Ngân hàng Nhà nước: 28 nội dung.
Đồng thời, để các tổ chức tín dụng có thời gian chuẩn bị các nội dung về quản trị, điều hành, hoạt động phù hợp với quy định của Luật này sau khi được ban hành và đồng bộ với hiệu lực thi hành của một số luật liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản (tại Điều 200, 210), UBTVQH chỉnh lý theo hướng hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 1/1/2025.
Ngoài ra, UBTVQH cũng giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH liên quan đến xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt (Chương XI); xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (Chương XII); quy định chuyển tiếp đối với Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Điều 210)….