Tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Chiều 24.4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai, Tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội 'Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030' đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại cuộc làm việc

Báo cáo với Tổ công tác về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nêu rõ, đến tháng 4.2023, cả nước đã có 6.009/ 8.211 xã (73,2%) đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 1.138 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 139 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 257 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/ đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm khoảng 40% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước.

Về cơ bản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng tới nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Sau 2 năm triển khai thực hiện, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, cải tạo, nâng cao và làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; giáo dục và đào tạo phát triển ổn định, vững chắc. Chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm và kịp thời chăm lo cho đối tượng chính sách, người nghèo, thu nhập của người dân được nâng lên.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thừa nhận, tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cấp Trung ương còn chậm so với kế hoạch. Cụ thể, Nghị quyết 25 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình nông thôn mới ban hành ngày 28.7.2021, thì đến 22.2.2022 mới có Quyết định 263/QĐ - TTg về phê duyệt chương trình; tháng 3.2022 mới có Quyết định về tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trong đó Thủ tướng Chính phủ giao 5 tiêu chí, 6 chỉ tiêu cho 4 Bộ quy định cụ thể, thì đến tháng 8.2022, các Bộ mới hoàn thành. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch, giao vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025.

Nêu rõ Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các thành viên Tổ công tác đề nghị Bộ cho biết, đến nay hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đầy đủ hay chưa? Có thực tế một số địa phương còn chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được, nên chưa duy trì bền vững kết quả xây dựng nông thôn mới, chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên? Bộ sẽ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này? Bộ tiếp tục đánh giá thêm về việc lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện Báo cáo theo ý kiến của Tổ công tác, gửi lại Tổ công tác để báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội.

Tin và ảnh: Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/to-cong-tac-cua-doan-giam-sat-quoc-hoi-lam-viec-voi-bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-ve-thuc-hien-3-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-i325597/