TỔ CÔNG TÁC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI ỦY BAN DÂN TỘC VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Sáng 12/4, tại Hà Nội, Tổ Công tác Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội do Tổ trưởng Tổ Công tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, Ủy viên Đoàn giám sát đã làm việc với Ủy ban Dân tộc về việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia.

TỔ CÔNG TÁC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 3 CTMTQG

Quang cảnh cuộc làm việc

Quang cảnh cuộc làm việc

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; đại diện Lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.

Về phía Quốc hội có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Hà; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đình Việt; các Ủy viên Đoàn giám sát; đại diện Lãnh đạo và chuyên viên Vụ Dân tộc, các Vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội…

Tiến độ thực hiện các CTMTQG của nhiều địa phương còn chậm

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, tính đến hết 2022 kết quả giải ngân thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia vùng Dân tộc thiểu số và miền núi trên cả nước đạt gần 5.721 tỉ đồng đạt tỷ lệ 43,58%. Ở các cơ quan Trung ương số vốn sự nghiệp giải ngân đạt 202.818/627.204 triệu đồng, đạt 32,34%.

Ủy ban Dân tộc đã hoàn thành 5/6 nhiệm vụ được Thủ tướng Chính Phủ giao tại quyết định số 1409 ngày 15/9//2020. Cụ thể: Xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS& MN; xây dựng tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; xây dựng tiêu chí xác định các dân tộc còn găp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; xây dựng tiêu chí, định mức, nguyên tắc phân bổ vốn thực hiện Chương trình trong trung hạn và hàng năm; báo cáo hàng năm, giữa kỳ về hết quả thực hiện Chương trình theo quy chế quản lý điều hành các Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Với vai trò cơ quan chủ quản chương trình, Ủy ban Dân tộc đã kịp thời tham mưu, chủ động tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai các nhiệm vụ được phân công, cơ bản hoàn thành văn bản quản lý, hướng dẫn các dự án, tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tuy nhiên báo cáo của Ủy ban Dân tộc cũng chỉ rõ, nhiều văn bản ban hành chậm so với kế hoạch nên ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của nhiều địa phương. Một số quy định, hướng dẫn chưa rõ, chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ dẫn đến khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong tổ chức thực hiện. Nguyên nhân là do Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nội dung rộng, quy mô lớn, bản thân cơ quan chủ trì chương trình còn thiếu kinh nghiệm quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia… Một số bộ, cơ quan Trung ương chưa quyết liệt trong quan tâm chỉ đạo dẫn dến chậm trễ trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành có liên quan tại địa phương còn những bất cập, hạn chế, tồn tại nên việc ban hành các văn bản đôi lúc còn chậm, chưa kịp thời. Hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc ở các địa phương chưa thống nhất dẫn đến bất cập, khó khăn trong quản lý, đôn đốc, theo dõi quá trình tổ chức thực hiện tại cấp cơ sở, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng yêu cầu về tiến độ, tính kịp thời trong công tác tổng hợp, báo cáo kết quả và nắm bắt tình hình.

Làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện CTMTQG

Qua nghiên cứu Báo cáo của Ủy ban Dân tộc, Tổ Công tác của Đoàn giám sát Quốc hội cho biết, Báo cáo đã được Ủy ban Dân tộc khẩn trương chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, báo cáo chưa bám sát Đề cương do Đoàn giám sát yêu cầu, phần phụ lục số liệu chưa đầy đủ, thiếu phần kiến nghị, đề xuất.

Tổ trưởng Tổ Công tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, Ủy viên Đoàn giám sát

Tổ trưởng Tổ Công tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, Ủy viên Đoàn giám sát

Tổ Công tác cũng cho rằng, cấu trúc báo cáo còn thiếu một số nội dung theo yêu cầu của Đề cương. Phần nội dung chưa đạt được mức độ cụ thể, chỉ rõ kết quả, bất cập trong quá trình triển khai, do đó các nội dung báo cáo khá chung chung và không hướng trực tiếp vào chủ thể, cơ quan chịu trách nhiệm chính đối với những hạn chế bất cập. Do đó, các phần phân tích tiếp theo có chất lượng chuẩn bị không đạt, không làm cơ sở để đề ra được các bài học kinh nghiệm, giải pháp khuyến nghị mang tính cụ thể, hướng đối tượng một cách thuyết phục.

Đánh giá việc ban hành văn bản triển khai thực hiện Chương trình, Báo cáo không trực tiếp đề cập đến việc chậm triển khai các Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên từ khung thời gian, có thể thấy tiến độ triển khai Chương trình rất chậm, Tổ Công tác đề nghị làm rõ vướng mắc ở khâu nào dẫn đến việc chậm trễ này. Báo cáo không cung cấp được đầy đủ bức tranh về tiến độ triển khai của các địa phương, ở đâu nhanh, ở đâu chậm, chậm chỗ nào, mặt nào mà chỉ nêu chung chung, đề nghị nêu bằng chứng cụ thể để nắm bắt được các nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ hoặc sự bất cập trong các chỉ đạo của Trung ương.

Đánh giá về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, Tổ Công tác đề nghị khi báo cáo về giải ngân tổng quát, cần làm rõ những nội dung đã giải ngân là cho những hạng mục công việc chính nào, nội dung nào có mức giải ngân thấp.

Từ những hạn chế, tồn tại nêu trên, Tổ Công tác của Đoàn giám sát Quốc hội đề nghị Ủy ban Dân tộc làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị ở cấp trung ương và địa phương trong việc chậm xây dựng, chậm ban hành văn bản hướng dẫn chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chưa đầy đủ. Đồng thời cần tập trung sửa đổi cụ thể văn bản nào, với nội dung gì, nêu rõ trách nhiệm hỗ trợ, thúc đẩy, tháo gỡ, kiểm tra, hướng dẫn của Chủ chương trình; bố trí thêm phụ lục hoặc bổ sung về kế hoạch hành động để thực hiện giải pháp nêu rõ khung thời gian, hành động và đầu ra, kết quả mong đợi đạt được; Cơ chế giải quyết các khúc mắc, cần sự hỗ trợ của những cơ quan, đơn vị nào.

Bên cạnh đó, Tổ Công tác của Đoàn giám sát Quốc hội cũng yêu cầu bổ sung Kế hoạch phân bổ vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 và các năm 2021, 2022, 2023. Kết quả thực hiện các dự án thành phần (theo từng năm), kết quả giải ngân năm 2022, ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2023./.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan góp ý vào Báo cáo của Ủy ban Dân tộc về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan góp ý vào Báo cáo của Ủy ban Dân tộc về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đinh Ngọc Minh, Tổ phó Tổ Công tác phát biểu tại cuộc làm việc.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đinh Ngọc Minh, Tổ phó Tổ Công tác phát biểu tại cuộc làm việc.

Các đại biểu thuộc Tổ Công tác tham dự cuộc làm việc

Các đại biểu thuộc Tổ Công tác tham dự cuộc làm việc

Bà Ma Thị Thúy - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, Tổ phó Tổ Công tác góp ý vào Báo cáo của Ủy ban Dân tộc.

Bà Ma Thị Thúy - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, Tổ phó Tổ Công tác góp ý vào Báo cáo của Ủy ban Dân tộc.

Đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc tham dự cuộc làm việc.

Đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc tham dự cuộc làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt phát biểu tại cuộc làm việc

Các đại biểu nghe Báo cáo của Ủy ban Dân tộc về kết quả triển khai thực hiện các CTMTQG.

Các đại biểu nghe Báo cáo của Ủy ban Dân tộc về kết quả triển khai thực hiện các CTMTQG.

Bích Ngọc - Thanh Hải

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74845