Tổ đình Ấn Quang tưởng niệm Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Tổ đình Ấn Quang (quận 10, TP.HCM) là nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh thọ giới Tỳ-kheo (1951) và sau đó, năm 1954, làm giám học của Phật học đường Nam Việt đặt tại đây.
Thượng tọa Thích Trung Nguyện, Phó Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Thư ký Ban Quản trị tổ đình Ấn Quang cho biết theo sự chỉ đạo của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ GHPGVN, Viện chủ tổ đình, chư Tăng nội tự đã tôn trí di ảnh của Thiền sư tại Tổ đường để tưởng niệm.
Trong những lần về thăm quê hương, có dịp vào TP.HCM, Thiền sư cũng đã từng đến thăm lại tổ đình Ấn Quang, ôn lại những kỷ niệm tu học và hành đạo năm xưa.
Tháng 5-2014, Đại giới đàn Cam Lộ Vị được tổ chức tại Làng Mai (Pháp), Hòa thượng Thích Minh Cảnh và Hòa thượng Thích Như Huệ là 2 trong số các vị tôn túc được cung thỉnh vào ngôi thập sư. Hai vị cũng chính là các học Tăng của Phật học đường Nam Việt hơn 60 năm về trước. Trong cuộc gặp mặt trò chuyện nhân dịp này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng nhị vị Hòa thượng đã cùng ôn lại những kỷ niệm về Phật học đường Nam Việt - Ấn Quang một thuở:
“Hồi đó tôi là một vị giáo thọ trẻ. Trong hình chụp với các vị học tăng thời đó thì thấy nét mặt của mọi người gần giống nhau. Nhìn vào không thể phân biệt được ai lớn, ai nhỏ. Chỉ khác nhau là tôi mặc áo tràng, còn các vị thì đều mặc áo nhật bình. Thầy trò, huynh đệ sống với nhau rất là hạnh phúc!
Hồi đó ở chùa Ấn Quang, Phật học đường Nam Việt, vị giáo thọ nào cũng có một thị giả hết. Và trong phòng các vị luôn luôn có một đĩa trái cây do các vị Phật tử cúng dường. Trong phòng tôi không có một đĩa trái cây như vậy, tại vì mình chưa phải là một vị hòa thượng đạo cao đức trọng nên không ai cúng dường hết (cười). Tôi cũng không có thị giả, tại vì mình còn trẻ quá, đâu cần đến thị giả. Nhưng có cái hay là trong phòng tôi luôn luôn có các thầy trẻ, các sư chú trẻ, tại vì thầy trò rất thương nhau, quấn quýt với nhau, hưởng sự có mặt của nhau, cùng một lý tưởng, cùng một hoài bão. Trong lớp học cũng như trong sinh hoạt hàng ngày, rất là gần gũi nhau. Hạnh phúc của tôi là chưa bao giờ xa lìa tuổi trẻ.
Hồi đó tôi còn nhớ ở cư xá học tăng ở chùa Ấn Quang, cư xá dài, có hai hàng giường cho học tăng thôi, không có những phòng riêng cho 2-3 thầy ở như xóm Thượng bây giờ. Ở phía trước có một câu châm ngôn: ‘Học tăng là sức sống của đạo pháp đang lên’. Tôi là người gần gũi với các sư chú, các vị trẻ nhất, và tôi nuôi dưỡng họ bằng sự nồng nhiệt, bồ-đề tâm, bằng tình thương yêu của tôi, vì vậy thầy trò, huynh đệ, anh em rất là gần nhau. Và tình huynh đệ rất là quý báu.”
(Theo Làng Mai)