Tổ hợp tác chiến điện tử Murmansk-BN của Nga là gì mà khiến NATO lo ngại đến vậy?

Giới phân tích châu Âu rất lo ngại tổ hợp tác chiến điện tử Murmansk-BN của Nga với khả năng phá hủy tất cả các tổ hợp không quân-vũ trụ, các tổ hợp radar của NATO, biến tiêm kích tối tân nhất của Mỹ thành đống sắt vụn.

Tổ hợp TCĐT Murmansk-BN được Nga bố trí ở những nơi có tầm quan trọng chiến lược. (Nguồn: AiF)

Tổ hợp TCĐT Murmansk-BN được Nga bố trí ở những nơi có tầm quan trọng chiến lược. (Nguồn: AiF)

Theo nhận định của giới bình luận, tổ hợp tác chiến điện tử Murmansk-BN của Nga có thể phá hủy tất cả các tổ hợp không quân-vũ trụ, các tổ hợp radar của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), biến tiêm kích tối tân nhất của Mỹ thành đống sắt vụn. Đây cũng chính là yếu tố giúp Nga có nhiều ưu thế quân sự trước đối phương.

Được bố trí ở Kaliningrad (Nga), bán kính hoạt động của tổ hợp Murmansk-BN có thể vươn tới thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha.

Nga thường bố trí những tổ hợp tác chiến điện tử ở đâu?

Hoạt động phát triển thiết bị tác chiến điện tử cấp chiến lược được bắt đầu từ thời Liên Xô, vào những năm 1960, nhưng việc thiết lập cơ sở linh kiện quan trọng và chế tạo mẫu thử nghiệm thì Nga mới hoàn thành vào năm 2015. Thời điểm đó Nga bắt đầu đưa mẫu thử nghiệm vào hoạt động ở Hạm đội Phương Bắc.

Năm 2016, tổ hợp tác chiến điện tử được Nga đưa vào trực chiến. Năm 2017, Nga triển khai tổ hợp tác chiến điện tử Murmansk-BN tại Crimea. Năm 2018, Kaliningrad được tiếp nhận tổ hợp Murmansk-BN.

Cuối năm 2019, trung tâm tác chiến điện tử số 841 của Hạm đội Baltic của Hải quân Nga cũng được trang bị tổ hợp Murmansk-BN.

Theo đánh giá của các chuyên gia phương Tây, Nga có thể sẽ bố trí tổ hợp tác chiến điện tử Murmansk-BN ở những vị trí có tầm quan trọng chiến lược.

Khả năng đáng gờm của tổ hợp Murmansk-BN

Hiện nay hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN được đánh giá là mạnh nhất trên thế giới. Đây là tổ hợp gây nhiễu sóng vô tuyến tự động đối với hệ thống thông tin liên lạc sóng ngắn. Phần lớn thông tin về tổ hợp này vẫn được giữ bí mật. Chỉ biết rằng cự li chế áp sóng vô tuyến của tổ hợp có thể đạt dược 5.000 km. Thậm chí, nếu tín hiệu có khả năng truyền tốt, thì cự li đó có thể lên tới 8.000km.

Hoạt động của Murmansk chủ yếu tập trung vào trinh sát điện tử, kiểm tra và chế áp hệ thống thông tin liên lạc của không quân, tàu chiến của đối phương. Theo nhận định của chuyên gia quốc tế, tổ hợp Murmansk-BN chỉ thực hiện chế áp chứ không thủ tiêu các hệ thống điện tử của đối phương.

Mục tiêu của Murmansk-BN là những công trình quân sự hiện đại, trong đó có cả các căn cứ không quân, căn cứ hải quân. Để tấn công mục tiêu, tín hiệu trên cả một vùng sẽ bị chặn lại. Ngoài ra, tổ hợp Murmansk-BN có thể chế áp sóng vệ tinh, sóng di động (VHF-UHF) và sóng phát thanh.

Tổ hợp Murmansk-BN tự động thu thập dữ liệu về thiết bị phát ra tín hiệu dải sóng ngắn, phân loại và xác định đó là tín hiệu gì, cường độ gây nhiễu cần thiết để chế áp tín hiệu đó. Dải sóng ngắn thường được sử dụng để thực hiện thông tin liên lạc ở cự li lớn giữa các thiết bị bay và giữa các tàu chiến trên mặt nước.

Tổ hợp Murmansk-BN có thể phá hủy thông tin liên lạc trên tàu chiến, trên máy bay, giữa các đơn vị lục quân ở phía Đông Âu, Trung Âu, khu vực Baltic và vùng Tây Bắc của Đại Tây Dương.

Murmansk-BN hoạt động như thế nào?

Các hệ thống, các thiết bị sẽ hoạt động rất khó khăn một khi chịu sự tác động của Murmansk-BN.

Nhiệm vụ chính của tổ hợp Murmansk–BN là phá hủy hoàn toàn trường thông tin của đối phương. Việc truyền đạt mệnh lệnh và dữ liệu về mục tiêu sẽ không thực hiện được.

Mục tiêu tấn công đầu tiên mà Murmansk-BN hướng đến đó là hệ thống thông tin sóng ngắn toàn cầu của Mỹ. Chính mạng lưới này đảm bảo thông tin giữa trung tâm chỉ huy bộ quốc phòng với các máy bay và tàu chiến của Mỹ cũng như các nước đồng minh NATO.

Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, tổ hợp tác chiến điện tử Murmansk-BN của Nga sẽ gây rối loạn hoạt động của các hệ thống vũ khí hiện đại nhất của đối phương. Đơn cử như khi các tiêm kích F-35 của Mỹ bay sát biên giới Nga, tín hiệu thông tin của F-35 với sở chỉ huy sẽ bị chặn.

Trong tương lai, Murmansk-BN của Nga có thể sẽ gây rối loạn hoạt động của hệ thống định vị toàn cầu GPS.

(theo AiF)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/to-hop-tac-chien-dien-tu-murmansk-bn-cua-nga-la-gi-ma-khien-nato-lo-ngai-den-vay-165950.html