Tổ liên kết đan bèo tây tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Xã Yên Trị (Yên Thủy) có gần 60% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Nhằm giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có thêm điều kiện cải thiện thu nhập gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã đã ra mắt mô hình tổ liên kết đan bèo tây tại Chi hội Phụ nữ xóm Tân Thịnh và xóm Lòng. Tuy mới đi vào hoạt động thời gian ngắn nhưng mô hình đã cho thấy hiệu quả tích cực, góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ địa phương trong thời gian nông nhàn.
Xã Yên Trị (Yên Thủy) có gần 60% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Nhằm giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có thêm điều kiện cải thiện thu nhập gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã đã ra mắt mô hình tổ liên kết đan bèo tây tại Chi hội Phụ nữ xóm Tân Thịnh và xóm Lòng. Tuy mới đi vào hoạt động thời gian ngắn nhưng mô hình đã cho thấy hiệu quả tích cực, góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ địa phương trong thời gian nông nhàn.
Trên địa bàn xã Yên Trị, không ít hội viên phụ nữ do điều kiện, hoàn cảnh gia đình, sức khỏe, tuổi tác không thể đi làm tại các doanh nghiệp nên thu nhập bấp bênh, thời gian nhàn rỗi nhiều. Từ thực tế đó, Ban Thường vụ Hội LHPN xã đã tìm hiểu nghề đan bèo tây ở xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, sau đó kết nối đưa mô hình về triển khai tại địa phương.
Bèo tây là thực vật thủy sinh, thân mộc, sống trôi nổi trên mặt sông. Mỗi cây bèo tây trưởng thành thường dài 60 - 90cm. Sau khi thu hoạch, người thợ sẽ cắt bỏ phần gốc và lá, rồi phơi nắng cho thật khô để làm nguyên liệu đan các mặt hàng xuất khẩu. Sản phẩm thủ công được đan từ cây bèo tây khá phong phú về chủng loại, kiểu dáng, kích cỡ như: thảm, giỏ đựng đồ, bình hoa… Qua đánh giá, đan bèo tây là công việc phù hợp với nhiều đối tượng ở mọi lứa tuổi; kỹ thuật đan bèo không quá phức tạp, không đòi hỏi vốn ban đầu, có thể tranh thủ làm vào thời gian nhàn rỗi…
Sau thời gian ngắn khảo sát điều kiện thực tế tại địa phương, nguyện vọng của hội viên và nhu cầu thị trường, giữa tháng 9/2024, Hội LHPN xã ra mắt mô hình tổ liên kết đan bèo tại Chi hội Phụ nữ xóm Tân Thịnh, rồi tiếp tục nhân rộng ra Chi hội Phụ nữ xóm Lòng. Triển khai mô hình, hội đã kết nối, phối hợp với một số cơ sở liên kết tổ chức dạy nghề cho chị em, cung cấp nguyên liệu sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, mô hình đang tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động là hội viên phụ nữ xã, với thu nhập 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Để tạo thuận lợi tối đa, tổ liên kết còn giao khoán sản phẩm cho phụ nữ làm tại nhà, vừa có thể chăm lo cho gia đình, vừa tranh thủ thời gian nhàn rỗi để có thêm thu nhập.
Là hội viên của tổ liên kết đan bèo tại Chi hội Phụ nữ xóm Tân Thịnh, chị Bùi Thị Dũng chia sẻ: Được chi hội vận động, ban đầu, tôi dự định tham gia với mong muốn biết thêm nghề mới. Hội LHPN xã đã kết nối dạy nghề tại địa phương, được trực tiếp cầm tay chỉ việc nên chỉ sau khoảng 2 - 3 ngày, tôi cùng nhiều chị em đã nắm được cách đan cơ bản và bắt đầu làm sản phẩm. Đây là công việc nhẹ nhàng, không quá áp lực, thoải mái về thời gian, chỉ cần tập trung, khéo léo, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Điều đáng mừng là chúng tôi không phải lo đầu ra sản phẩm nên ngày càng thu hút đông đảo chị em tham gia.
Có thể thấy, mô hình tổ liên kết đan bèo tây của Hội LHPN xã Yên Trị là hướng đi đúng, thiết thực, từng bước phát triển nghề mới, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương trong thời gian nông nhàn.
Đồng chí Phạm Thị Nhung, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Trị cho biết: Với những kết quả khả quan, trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình đến tất cả các chi hội trên địa bàn. Qua đó, tạo việc làm tại chỗ, giúp phụ nữ cải thiện thu nhập, liên hết hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, khẳng định vai trò, vị trí trong đời sống. Đồng thời, thêm đoàn kết, gắn bó, xây dựng tổ chức hội vững mạnh từ cơ sở…