Khai thác tốt dữ liệu dân cư cho phát triển dịch vụ

Tính đến đầu tháng 11/2024, có 9 NHTM hoàn thành kết nối luồng liên kết tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng phục vụ cho chi trả an sinh xã hội.

Tại Thông báo số 530 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tại Hội nghị thúc đẩy các nhiệm vụ Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), trong đó có đánh giá về thủ tục hành chính, quy định kinh doanh tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa, số lượng và chất lượng dịch vụ công trực tuyến được nâng lên. Trong đó, 23 trên 25 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ Công quốc gia theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện toàn trình - tức là các dịch vụ hành chính công người dùng tải mẫu điền thông tin, chụp hình, hoàn thiện đến khâu thanh toán qua tài khoản ngân hàng hoặc các ví điện tử. Giúp tiết kiệm cho nhà nước và xã hội gần 3.500 tỷ đồng mỗi năm.

Thanh toán không dùng tiền mặt khâu quan trọng hoàn tất một giao dịch trực tuyến toàn trình

Thanh toán không dùng tiền mặt khâu quan trọng hoàn tất một giao dịch trực tuyến toàn trình

Đối với ngành Ngân hàng, thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, thời gian qua, NHNN luôn chú trọng công tác chỉnh sửa, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy phát triển tiện ích thanh toán điện tử. Đồng thời, NHNN đã ban hành chiến lược thúc đẩy hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2030. Bên cạnh đó, NHNN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, trình Quốc hội Luật Các TCTD sửa đổi vào tháng 1/2024 và đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt.

Thống kê cho thấy, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh internet và mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%. Tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%.

Năm 2023, có gần 62 triệu mã VietQR được sử dụng để nhận tiền, gấp hơn 10 lần so với số lượng mã VietQR được tạo năm 2022. Hiện đã có hơn 87,08% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng, 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân và hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang hoạt động. Những kết quả trên cho thấy việc chuyển đổi số ngành Ngân hàng có bước phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt, tại các thành phố lớn, tốc độ triển khai các dịch vụ và kết nối với hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đang diễn ra mạnh mẽ. Với lĩnh vực giao thông - một trong những trụ cột quan trọng của thành phố thông minh, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý và vận hành giao thông công cộng của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để triển khai phương thức thanh toán thẻ vé bằng thẻ NAPAS không tiếp xúc (contactless). Hiện, NAPAS đang triển khai thanh toán thẻ vé với 11 tuyến xe buýt điện Vinbus tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, dự kiến tiếp tục sẽ triển khai thanh toán thẻ NAPAS trên các tuyến metro thông qua thẻ nội địa.

Về kết quả triển khai chi trả an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, số liệu mới nhất tính đến thời điểm hiện nay của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho thấy nhiều quận huyện trên địa bàn có tỷ lệ chi trả lương hưu đạt trên 70%, một số quận huyện chi trả trợ cấp bảo hiểm, triển khai chi cho người có công lên đến 40%.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, UBND thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 và chỉ đạo tổ chức triển khai chi trả an sinh xã hội không bằng tiền mặt. Theo đó, các TCTD trên địa bàn chủ động phối hợp với các quận, huyện để thực hiện các hoạt động mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt. Các TCTD kết hợp sự kiện tổ chức hội chợ với ngày thanh toán không dùng tiền mặt, chỉ trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, tư vấn mở tài khoản, mở thẻ miễn phí.

Đơn cử như tại Ngân hàng Quân đội (MB), tất cả các tài khoản của ngân hàng mở cho người dân trong chương trình thực hiện Đề án 06 đều miễn phí; nhân viên ngân hàng luôn sẵn sàng hướng dẫn người dùng dịch vụ ngân hàng hiện đại nhận tiền, chuyển tiền, thanh toán… qua ứng dụng (App) ngân hàng điện tử. Hiện nay, các ngân hàng đã liên kết mạng lưới liên thông nên việc chuyển tiền không còn lo mất phí. Bên cạnh đó ngân hàng có các chương trình tính điểm cho khách hàng nhận thêm ưu đãi khi thanh toán qua ngân hàng càng nhiều càng nhận nhiều lợi ích để gia tăng dịch vụ và thu hút người dùng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Đại diện NHNN thành phố cho biết, sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong các dịch vụ công với tỷ lệ tối đa đối với người nhận lương hưu, tiếp đến là người thuộc diện chính sách có công và chi trả trợ cấp xã hội với người đủ điều kiện về sức khỏe. Trong đó, chỉ đạo các TCTD tích cực và chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức; phường, xã trong việc truyền thông lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn người dân thực hiện mở tài khoản nhận an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tại các điểm chi trả, đồng thời xây dựng những chính sách ưu đãi về phí.

Theo các chuyên gia công nghệ, thanh toán không dùng tiền mặt là công cụ quan trọng để hoàn tất toàn trình một dịch vụ công và còn tác động lan tỏa ra nhiều lĩnh vực kinh doanh khác. Qua đó, ngành Ngân hàng thời gian qua đã nâng cấp Cổng dịch vụ Công và Một cửa điện tử NHNN đáp ứng quy định mới của Chính phủ và các bộ ngành hữu quan. Đặc biệt là sau khi kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhiều dịch vụ ngân hàng đã mở ra cho xã hội. Trong đó, Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) đến nay đã xác thực khoảng 57 triệu lượt hồ sơ khách hàng theo phương thức offline. Từ đó, mở ra cơ hội cho các TCTD cho vay bằng phương thức điện tử phát triển sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang mở ra cho một TCTD triển khai dịch vụ chấm điểm khả tín, 9 NHTM và công ty tài chính đang nghiên cứu tích hợp kỹ thuật số triển khai kết nối khai thác dịch vụ chấm điểm khả tín của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06). Theo các ngân hàng, việc chấm điểm khả tín sẽ giúp các ngân hàng và công ty tài chính cấp các khoản tín dụng tín chấp có giá trị nhỏ, trước mắt là dựa vào nguồn thu nhập, tiền công, tiền lương… thanh toán qua ngân hàng.

Để thực hiện tốt hơn nữa Đề án 06, một số nhiệm vụ được ngành Ngân hàng ưu tiên thời gian tới là đẩy mạnh kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc quản lý nhà nước về phòng chống rửa tiền; Kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư liên quan đến nghiệp vụ thông tin tín dụng…; Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế, xã hội như ứng dụng xác thực người dân qua thẻ căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử khi cung cấp dịch vụ ngân hàng; Kết nối, khai thác dữ liệu dân cư phục vụ các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng…

Minh Phương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khai-thac-tot-du-lieu-dan-cu-cho-phat-trien-dich-vu-158178.html