Tổ liên kết sản xuất rau, màu xã Diên Điền: Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động mô hình tự quản 'Tổ liên kết sản xuất rau, màu' xã Diên Điền (huyện Diên Khánh), các thành viên trong tổ đã từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, thu nhập của các thành viên ngày càng được nâng lên.

Thu nhập ổn định

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Hiền - thành viên “Tổ liên kết sản xuất rau, màu” khi ông đang thu hoạch dưa leo trên diện tích 1.500m2. Ông Hiền cho biết, trước đây, đám ruộng ông đang canh tác được người dân trồng lúa, nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên ông đã thuê lại trồng dưa leo, khổ qua và bí. Sau mấy vụ trồng, ông nhận thấy dưa leo phát triển tốt, cho thu nhập ổn định nên đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng dưa leo. Từ khi xuống giống đến lúc bắt đầu cho thu hoạch chỉ khoảng 37 ngày. Sau đó, thu hoạch liên tục trong vòng 40 ngày. Bình quân mỗi vụ, gia đình ông thu được khoảng 10-12 tấn dưa leo. Với giá bán 10.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí đầu tư, gia đình thu lãi từ 80 đến 90 triệu đồng/vụ. Do ngay từ đầu vụ, diện tích trồng dưa đã được các thành viên trong tổ thống nhất và có đầu mối thu mua ổn định nên ông không phải lo về đầu ra. Dưa hái đến đâu, các thương lái đều tới tận nhà thu mua hết. Ngoài dưa leo, hiện nay, gia đình ông còn trồng khoảng 2.000m2 bầu, bí, khổ qua và một số loại rau xanh khác.

 Dưa leo vừa thu hoạch được thương lái tới tận nơi thu mua.

Dưa leo vừa thu hoạch được thương lái tới tận nơi thu mua.

Đưa chúng tôi đi thăm ruộng ngò gai 1.500m2 mới xuống giống hơn 1 tháng, ông Phan Tấn Cường - thôn Đại Điền Đông 3 cho biết, trước đây, trồng ngò gai khá vất vả vì thu hoạch xong phải đem đi bán khắp nơi. Còn bây giờ, ông chỉ việc trồng và chăm sóc, đến ngày thu hoạch, thương lái sẽ cho nhân công tới tận ruộng thu mua. Ngoài trồng ngò gai, ông còn trồng các loại rau, như: Khổ qua, bầu, bí, dưa leo… với tổng diện tích khoảng 7.000m2. Do đầu ra của nông sản đã được thương lái bao tiêu theo giá thị trường nên ông khá yên tâm. Mỗi năm, gia đình ông trừ chi phí, thu lãi khoảng 300-400 triệu đồng. Là người đã có nhiều năm trồng rau, màu nên ông Cường luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên trong tổ liên kết khi có nhu cầu. Ông Cường chia sẻ: “Để rau sinh trưởng và phát triển tốt mà không phụ thuộc quá nhiều vào phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, tôi chú trọng đến khâu làm và xử lý đất, trồng luân phiên các loại rau trên cùng một diện tích đất. Như vậy, rau không bị quen đất, phát triển tốt và ít sâu bệnh. Tôi ưu tiên dùng phân chuồng, hạn chế thấp nhất việc dùng phân hóa học”.

Có phương án sản xuất hợp lý

Theo ông Ngô Hơn - Tổ trưởng “Tổ liên kết sản xuất rau, màu” xã Diên Điền, mới đầu, tổ liên kết chỉ có 6 thành viên, tuy hình thành tự phát nhưng hoạt động hiệu quả, sản phẩm làm ra đều có thương lái tới tận nơi thu mua, thu nhập của các thành viên khá ổn định. Trong khi đó, các hộ sản xuất rau xung quanh vẫn phải tự tiêu thụ sản phẩm, sản xuất manh mún vì không có đầu ra, hiệu quả kinh tế không cao. Từ thực tế đó, ông đề xuất với UBMTTQ Việt Nam xã thành lập mô hình nhằm tìm ra giải pháp và vận động thêm nhiều hộ nông dân có nhu cầu, tâm huyết tham gia, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Đầu năm 2022, mô hình tự quản “Tổ liên kết sản xuất rau, màu” với 26 thành viên tham gia chính thức ra mắt. Sau khi mô hình đi vào hoạt động, các thành viên đã thống nhất phương án sản xuất trên tổng diện tích 20ha đất của các thành viên. Ông Ngô Hơn cùng với một số thành viên trong tổ đã làm việc với các chủ vựa có uy tín mà lâu nay vẫn hợp tác tiêu thụ các loại rau, màu để thống nhất số lượng thu mua từng loại. Cụ thể, số lượng đăng ký thu mua của chủ vựa gần 400 tấn rau các loại. Trong đó, rau ăn lá các loại 120 tấn; đu đủ 90 tấn; khổ qua, bầu, bí, dưa leo, ngò gai, cà dĩa mỗi loại từ 20 đến 40 tấn. Từ đó, tổ tính toán diện tích trồng từng loại rau tương ứng cho các thành viên, tránh sản xuất dư thừa, ảnh hưởng đến khâu tiêu thụ và giá cả. Đặc biệt, các thành viên trong tổ được tham gia các lớp tập huấn, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chia sẻ kinh nghiệm về cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định để sản phẩm làm ra không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng mà vẫn mang lại năng suất cao. Mặt khác, thành viên nào thiếu kinh phí đầu tư sản xuất, nếu có nhu cầu, tổ trưởng và các chủ vựa cho tạm ứng không tính lãi suất, cuối vụ thu hoạch sẽ tất toán lại. Sau hơn 1 năm triển khai mô hình, với 20ha đất sản xuất, các thành viên trong tổ thu được 398 tấn rau, màu với giá bình quân 10.000 đồng/kg, doanh thu gần 4 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của các thành viên tham gia mô hình hơn 150 triệu đồng/năm.

“Với cách làm này, nông sản làm ra không dư thừa, giá ổn định, không bị thương lái ép giá. Thực tế, hiện nay, vẫn còn một số thành viên trong tổ còn khó khăn về kinh tế, hạn chế đầu tư nên năng suất chưa được như mong muốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của chủ vựa. Thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động thêm nhiều nguồn lực để hỗ trợ các thành viên còn khó khăn, giúp tổ liên kết trồng rau, màu hoạt động ổn định hơn. Đồng thời, nghiên cứu chuyển đổi, thay thế một số loại rau, màu phù hợp hơn với thời tiết, thổ nhưỡng tại địa phương” - ông Hơn nói.

Ông Phan Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Diên Khánh: Mô hình “Tổ liên kết sản xuất rau, màu” của Mặt trận xã Diên Điền rất thiết thực và hiệu quả, phù hợp tiêu chí thu nhập trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương, giúp nông dân có thu nhập ổn định. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo Mặt trận các xã, thị trấn học hỏi kinh nghiệm triển khai mô hình này rộng rãi cho nông dân địa phương khác học tập và tham gia, nhằm hạn chế người dân mạnh ai nấy sản xuất, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.

CẨM VÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202302/to-lien-ket-san-xuat-rau-mau-xa-dien-dien-nang-cao-nang-suat-chat-luong-san-pham-8276803/