Tô thắm những tư tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những năm qua, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự thấm sâu, lan tỏa trong toàn Đảng bộ Hà Nội. Bằng những việc làm giản dị, gắn với chuyên môn, nhiệm vụ được giao, các tập thể, cá nhân trên toàn thành phố đã không ngừng nỗ lực cống hiến cho sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội, trở thành những tấm gương bình dị mà cao quý, góp phần làm rạng ngời những tư tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Học Bác từ những điều bình dị nhất

Ở tuổi 81, ông Lê Đình Duật, Hội viên Hội Cựu chiến binh phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân được bà con trong khu dân cư yêu quý gọi là vị “sứ giả đỏ", người đóng vai trò cầu nối gieo mầm sống cho đời. Từng là sĩ quan quân đội, chứng kiến nhiều đồng đội bị thương, hy sinh do mất máu quá nhiều, nên ông thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa của hoạt động hiến máu, cứu người.

Lãnh đạo quận Thanh Xuân trao thư khen của Chủ tịch nước cho ông Lê Đình Duật. Ảnh: NVCC

Lãnh đạo quận Thanh Xuân trao thư khen của Chủ tịch nước cho ông Lê Đình Duật. Ảnh: NVCC

Xác định rằng muốn vận động người khác thì bản thân phải nêu gương trước, ông Lê Đình Duật đã thuyết phục gia đình cùng tham gia hiến máu cứu người. Đến nay, 6 thành viên trong gia đình ông đã hiến được 269 đơn vị máu và tích cực tham gia vận động cộng đồng cùng hưởng ứng hoạt động ý nghĩa này.

Sau 25 năm tuyên truyền, vận động hơn 1.400 lượt người hiến khoảng 1.300 đơn vị máu, cứu được gần 4.000 bệnh nhân, ông Lê Đình Duật vinh dự được nhận thư khen của Chủ tịch nước; được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2023, danh hiệu "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu của Thủ đô năm 2024.

“Với tôi, học tập và làm theo Bác bắt đầu từ những việc giản dị nhất như hiến máu cứu người - từ đó lan tỏa hành động ý nghĩa này đến đông đảo người dân trong cộng đồng”, ông Lê Đình Duật xúc động chia sẻ.

Ông Lê Đình Duật cùng vợ và 2 con gái tại chương trình gặp mặt các gia đình hiến máu tiêu biểu do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức. Ảnh: NVCC

Ông Lê Đình Duật cùng vợ và 2 con gái tại chương trình gặp mặt các gia đình hiến máu tiêu biểu do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức. Ảnh: NVCC

Thông qua dự án đưa công nghệ AI vào phục dựng ảnh liệt sĩ, anh Lê Văn Phúc - người đồng sáng lập nhóm “Màu Hoa Đỏ” - đã góp phần lan tỏa tinh thần hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là người tiên phong với ý tưởng phục dựng và trao tặng ảnh liệt sĩ trên khắp mọi miền đất nước, với vai trò là Trưởng nhóm tình nguyện viên ứng dụng công nghệ AI vào phục dựng ảnh liệt sĩ, anh Lê Văn Phúc cùng các đoàn viên trẻ đã phục dựng hàng nghìn tấm ảnh để kết nối quá khứ với hiện tại.

Anh Lê Văn Phúc (hàng sau, ngoài cùng bên phải) cùng nhóm Skyline trao tặng di ảnh liệt sĩ Trần Văn Phòng (ở Kiến Xương, Thái Bình), hy sinh tại đảo Gạc Ma. Ảnh: NVCC

Anh Lê Văn Phúc (hàng sau, ngoài cùng bên phải) cùng nhóm Skyline trao tặng di ảnh liệt sĩ Trần Văn Phòng (ở Kiến Xương, Thái Bình), hy sinh tại đảo Gạc Ma. Ảnh: NVCC

Từ năm 2020 đến nay, anh Phúc cùng các cộng sự đã phối hợp phục dựng gần 7.000 ảnh liệt sĩ trên toàn quốc; riêng tại Hà Nội, đã phục dựng và trao gần 200 di ảnh liệt sĩ. Bên cạnh đó, anh còn hướng dẫn hàng trăm đoàn viên, thanh niên kỹ năng chỉnh sửa ảnh, ứng dụng AI để phục hồi, làm sắc nét, phủ màu và cải thiện chất lượng hàng nghìn chân dung liệt sĩ đã nhuốm màu thời gian; đồng thời, trao tặng các di ảnh đến thân nhân, các ngôi trường và khu tưởng niệm mang tên các anh hùng, liệt sĩ trên khắp cả nước.

Tại Trường THCS Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức, việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" không chỉ dừng lại ở những bài học trên sách vở. Tư tưởng của Bác đã được nhà trường truyền tải sinh động qua từng hoạt động thực tiễn, giúp thế hệ trẻ không ngừng rèn luyện bản thân, nuôi dưỡng ước mơ và hoài bão.

Người thân xúc động khi nhận ảnh liệt sĩ được phục dựng. Ảnh: NVCC

Người thân xúc động khi nhận ảnh liệt sĩ được phục dựng. Ảnh: NVCC

Các chuyên đề "Bác Hồ với thiếu nhi" được nhà trường tổ chức thường xuyên, tạo cơ hội để học sinh tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác qua những câu chuyện giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Nhà trường cũng khuyến khích học sinh tham gia học tập và làm theo Bác với các phong trào: "Nói lời hay, làm việc tốt", ứng xử văn minh, lễ phép với thầy cô, bạn bè và gia đình; Chương trình "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Lớp học kiểu mẫu" giúp học sinh rèn luyện ý thức tự giác, giữ gìn vệ sinh chung… Với những kết quả đã đạt được, năm 2024, nhà trường được Chủ tịch nước tặng "Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều danh hiệu cao quý.

Gương mẫu, nêu gương trong công việc chuyên môn

Học tập và làm theo Bác, nhiều cá nhân tiêu biểu tại các địa phương, đơn vị bằng những việc làm giản dị nhưng ý nghĩa cũng đã góp phần lan tỏa và tô thắm tư tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Nghiêm Quang Vinh, hội viên nông dân thôn Kim Quy, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên. Ảnh: NVCC

Ông Nghiêm Quang Vinh, hội viên nông dân thôn Kim Quy, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên. Ảnh: NVCC

Đó là tấm gương của ông Nghiêm Quang Vinh, hội viên nông dân thôn Kim Quy, xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên. Là một nông dân gắn bó với đồng ruộng, ông Vinh đã dành nhiều thời gian đi tham quan, học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong và ngoài địa phương; mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, nhân giống thành công nhiều loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao để thay thế các giống cây kém chất lượng, thoái hóa. Từ đó, ông góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động, đồng thời xây dựng thành công thương hiệu Rau an toàn Minh Tân, Phú Xuyên.

Vườn rau an toàn xã Minh Tân, Phú Xuyên. Ảnh: NVCC

Vườn rau an toàn xã Minh Tân, Phú Xuyên. Ảnh: NVCC

Với tinh thần hăng hái, trách nhiệm trong phát triển kinh tế và tấm lòng tương thân, tương ái sẵn sàng giúp đỡ cộng đồng, năm 2024, ông Nghiêm Quang Vinh vinh dự là một trong 12 hội viên nông dân tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Gương mẫu, đam mê và khát khao cống hiến, Thượng úy Nguyễn Viết Quân, cán bộ đội tham mưu, Phòng PC07 Công an thành phố không ngừng học tập, rèn luyện, trở thành tấm gương sáng về lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy với nghề.

Sau khi tốt nghiệp Trung cấp phòng cháy, chữa cháy năm 2017, Thượng úy Nguyễn Viết Quân đã trực tiếp tham gia hàng trăm vụ chữa cháy, cứu nạn. Tiêu biểu là vụ cháy tại số nhà 357 Ngô Quỳnh Lôi, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng vào rạng sáng 24-2-2024. Trong tình huống nguy cấp, đồng chí đã dũng cảm cùng đồng đội phá lồng sắt, cứu sống 4 người mắc kẹt, phối hợp dập tắt đám cháy, ngăn chặn cháy lan, bảo đảm an toàn cho khu dân cư, và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Thượng úy Nguyễn Viết Quân lao vào cứu người trong căn nhà đang cháy ở Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), rạng sáng 18-7-2024. Ảnh: NVCC

Thượng úy Nguyễn Viết Quân lao vào cứu người trong căn nhà đang cháy ở Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), rạng sáng 18-7-2024. Ảnh: NVCC

Bên cạnh nhiệm vụ trực tiếp cứu người, Thượng úy Quân còn là tấm gương trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ năng cho cán bộ, chiến sĩ trẻ. Đồng chí cũng tích cực tham gia tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn cho học sinh, sinh viên và các cơ sở trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống cháy nổ trong cộng đồng.

Những nỗ lực của Thượng úy Nguyễn Viết Quân đã góp phần tô thắm hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy: luôn yêu nghề, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì sự bình yên của nhân dân.

Những tấm gương sáng về học tập, làm theo Bác trong toàn Đảng bộ thành phố là minh chứng rõ nét cho thấy, những tư tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự thấm sâu, lan tỏa trong cộng đồng.

Thượng úy Nguyễn Viết Quân tham gia tuyên truyền và bồi dưỡng kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NVCC

Thượng úy Nguyễn Viết Quân tham gia tuyên truyền và bồi dưỡng kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NVCC

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là chuẩn mực đạo lý mà còn là nền tảng tinh thần, kim chỉ nam trong hành xử công vụ, cải cách hành chính và quản lý nhà nước.

Thời gian tới, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung vào ba nội dung cốt lõi: Nêu gương - Trách nhiệm - Sáng tạo. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong thực hiện kỷ cương, kỷ luật; nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân; xử lý công việc với phương châm “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm” nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Thành ủy Hà Nội cũng sẽ đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh vào chương trình đào tạo cán bộ; đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, vận động nhằm lan tỏa sâu rộng hơn nữa tấm gương đạo đức của Người - qua đó đưa việc học và làm theo Bác trở thành nền nếp trong thực thi công vụ, góp phần xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiện đại, liêm chính và phụng sự nhân dân.

Hương Ly

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/to-tham-nhung-tu-tuong-cao-dep-cua-chu-tich-ho-chi-minh-702723.html