Tổ xe cứu thương thầm lặng trong tâm dịch

Bất kể giờ nào, chỉ cần nhận cuộc gọi, những người lái xe cứu thương lại lên đường, nhất là trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng như hiện nay.

Từ sáng sớm đến đêm khuya, dường như họ không có thời gian nghỉ ngơi cho riêng mình. Vượt qua những khó khăn, vất vả và cả nguy cơ lây nhiễm, Tổ xe cứu thương thuộc Đội phòng chống cháy nổ - cứu hộ, Phòng Tham mưu, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn vẫn đang nỗ lực, cố gắng hết mình, kiên cường thực hiện nhiệm vụ trong tâm dịch.

Anh Nguyễn Văn Khoa chuẩn bị lên đường chở bệnh nhân Covid-19.

Anh Nguyễn Văn Khoa chuẩn bị lên đường chở bệnh nhân Covid-19.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM, đã 2 tháng nay, Tổ xe cứu thương của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tham gia nhiệm vụ hỗ trợ địa phương chống dịch, có những ngày cao điểm đón gần 40 bệnh nhân mắc Covid-19.

Là một trong 5 lái xe của tổ trực tiếp đón và chở bệnh nhân Covid-19 đến các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị trên địa bàn TP.HCM, anh Nguyễn Bá Sỹ, lao động hợp đồng, tổ xa cứu thương cho biết: Khi lái xe thì không mất quá nhiều thời gian, nhưng lâu nhất là phải ngồi chờ vì các khu cách ly quá tải.

Mỗi lần chở các bệnh nhân đến khu cách ly tập trung nhanh thì chờ 15 đến 30 phút, có hôm 2 đến 3 tiếng mới đưa được các F0 vào khu cách ly. Những lúc chờ như vậy, thời tiết nóng nực mình không được cởi đồ bảo hộ, không thể đi vệ sinh được, ban đầu cũng hơi bất tiện nhưng nhiều lần như vậy nên cũng quen.

Chở bệnh nhân Covid-19, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, già có, trẻ có, thậm chí cả những em bé sơ sinh. Khi bệnh nhân lên xe, ai cũng mang theo sự lo lắng và do dự, có bệnh nhân còn hỏi Sỹ: “Chú lái xe ơi, đi cách ly rồi còn có cơ hội được về không nhỉ”, “Vào đó có an toàn không chú”, “Tôi nhiều bệnh nền không biết có cơ hội sống không chú ơi”… Thậm chí có bệnh nhân đi gần đến nơi lại nằng nặc đòi xuống xe vì sợ vào khu cách ly và còn nhiều chuyện dở khóc dở cười trong hành trình. Những lúc như thế Sỹ lại kiêm thêm nhiệm vụ làm “bác sỹ tâm lý”, động viên người bệnh qua tấm chắn của ca bin.

Kịp thời khử khuẩn trước và sau mỗi chuyến chở bệnh nhân

Kịp thời khử khuẩn trước và sau mỗi chuyến chở bệnh nhân

Chứng kiến nhiều hoàn cảnh khác nhau, Sỹ không thể cầm lòng, chỉ biết chia sẻ, trấn an để mong mọi người nhanh khỏi bệnh, sớm trở về với gia đình. Sỹ xúc động: “Thương nhất là những em bé còn rất nhỏ phải mặc đồ bảo hộ rộng thùng thình, nhìn bước chân của các em vào khu cách ly thật sự rất xót. Rồi những người lớn tuổi bị bệnh nền hoặc bị tai biến mà giờ cũng phải đi cách ly. Chứng kiến biết bao câu chuyện xót xa như vậy, mình nhận ra bây giờ không có gì quan trọng hơn sức khỏe”.

Cùng tham gia trong tổ xe cứu thương còn có Đại úy Vũ Văn Cương và các thành viên khác như anh Nguyễn Văn Khoa, Đinh Văn Tám, Lưu Văn Nhì. Từ lúc tham gia nhiệm vụ này, các anh luôn trong tâm thế sẵn sàng, cứ có cuộc gọi điều động là lên đường ngay.

“Mặc dù có kinh nghiệm lái xe gần 20 năm nhưng những ngày đầu nhận nhiệm vụ chở bệnh nhân Covid-19, một nhiệm vụ khác những việc mình vẫn làm nên cũng có chút lo lắng bởi chở những bệnh nhân F0, nguy cơ lây nhiễm là rất cao nên mình động viên anh em trong đội trước tiên phải bảo hộ tốt để đảm bảo an toàn cho chính bản thân thì mới thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”, anh Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.

Thời gian tham gia nhiệm vụ chở bệnh nhân Covid-19 thì cũng là thời gian các anh chưa về thăm gia đình, mặc dù chỉ cách đơn vị 7 - 15km. Anh Nguyễn Văn Khoa cho biết, toàn bộ đội ngũ Tổ xe cứu thương thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống Covid-19, mỗi chuyến chở bệnh nhân đến bệnh viện, khu cách ly thì các anh cũng vào khu cách ly dành riêng cho tổ xe.

Đại tá Phạm Đức Hùng, Chủ nhiệm Chính trị, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty thăm, động viên tổ xe cứu thương.

Đại tá Phạm Đức Hùng, Chủ nhiệm Chính trị, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty thăm, động viên tổ xe cứu thương.

Hàng ngày anh em trong Tổ được thủ trưởng Phòng Tham mưu, các đồng nghiệp, bạn bè, đặc biệt là vợ và gia đình nội, ngoại nhắn tin, gọi điện hỏi thăm chia sẻ, động viên và rất ủng hộ cho công việc của Tổ, tất cả đều chúc cho anh em luôn mạnh khỏe, bình an và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Những chuyến xe chạy xuyên suốt không có thời gian nghỉ ngơi, nhiều lúc các lái xe cũng thấm mệt, cộng với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nhưng khi được hỏi các anh có sợ gì không, Khoa và các thành viên trong tổ đều tươi cười nói: “Thời điểm này rất cần sức mạnh của cả cộng đồng, của tuổi trẻ để phòng chống dịch bệnh, mình có sức khỏe mà sợ nữa thì ai sẽ làm, mỗi người đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”.

Theo anh Nguyễn Văn Kim, Đội trưởng Đội phòng chống cháy nổ - cứu hộ, Phòng Tham mưu, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn: Với nhiệm vụ sẵn sàng 24/24 lực lượng và phương tiện để thực hiện chữa cháy, cứu thương, cứu hộ và các nhiệm vụ đột xuất khi được phân công. Tập thể cán bộ, nhân viên trong đội thường xuyên luyện tập các phương án phòng, chống cháy nổ, cứu hộ. Đồng thời duy trì nghiêm các chế độ bảo dưỡng trang thiết bị, phương tiện và phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế Tân Cảng chuyển bệnh nhân mắc bệnh lên tuyến trên kịp thời.

Dẫu ngày hay đêm, mưa hay nắng, nghe thấy tiếng còi hú xe cứu thương trên các con đường của TP.HCM những ngày này thì trong vô vàn các lái xe ấy, có các “bác tài” thuộc Tổ xe cứu thương của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn không quản ngại khó khăn dầm mưa dãi nắng, thậm chí là đã thức trắng đêm cùng chung tay với các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ cao cả trong tâm dịch. Dẫu không nói về mình nhưng các anh chính là những “người hùng” kiên cường mà thầm lặng trong cuộc chiến “Chung sức đẩy lùi đại dịch Covid-19”./.

CTV Công Hoan/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/to-xe-cuu-thuong-tham-lang-trong-tam-dich-881287.vov