Tòa án thu thập và hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ là cần thiết

Thảo luận hội trường tại Kỳ họp thứ Bảy về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi), một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội đó là quy định về thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của tòa án.

Phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta

Vấn đề tòa án thu thập chứng cứ đã được đề cập đến trong nhiều văn bản. Trong Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới có yêu cầu: “Nghiên cứu, làm rõ... những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử”.

Bên cạnh đó, theo Điểm c Khoản 3; Khoản 4 Điều 2, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: “Tòa án... thu thập chứng cứ, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”; “Tòa án... thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ việc dân sự... hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng”. Như vậy, Luật hiện hành không quy định phạm vi thu thập tài liệu, chứng cứ của tòa án.

Tòa án thu thập và hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ là cần thiết

Tòa án thu thập và hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ là cần thiết

Ngoài ra, các luật tố tụng cũng quy định các hoạt động/biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ (Điều 212, 252, 409 Bộ luật Tố tụng hình sự; Khoản 2 Điều 97, khoản 5 Điều 102, Khoản 4 Điều 359, Điều 475 Bộ luật Tố tụng dân sự; Khoản 2 Điều 84, Khoản 5 Điều 89, Khoản 1 Điều 293 Luật Tố tụng hành chính), trong đó Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính quy định: nếu đương sự không thu thập được thì có quyền yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ, thực tiễn xét xử cho thấy, nếu tòa án không thu thập chứng cứ trong một số trường hợp nhất định thì có thể gặp khó khăn hoặc không giải quyết được vụ án, vụ việc, như: tòa án thu thập chứng cứ trong việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao (Điều 409 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 359 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 293 Luật Tố tụng hành chính); một số biện pháp tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ do Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính quy định (như: đối chất; xem xét, thẩm định tại chỗ; trưng cầu giám định, định giá tài sản; ủy thác thu thập chứng cứ; thu thập chứng cứ ở nước ngoài...).

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Mặt khác, việc quy định tòa án thu thập chứng cứ cần xem xét điều kiện thực tiễn của nước ta: về trình độ dân trí, ý thức pháp luật, hoàn cảnh kinh tế của một bộ phận Nhân dân, số lượng vụ việc có luật sư tham gia; nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát Nhân dân đang thực hiện (Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm dân sự những vụ án tòa án thu thập chứng cứ).

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và một số cơ quan, tổ chức hữu quan, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này theo hướng: quy định tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ và tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta.

Đồng tình với quy định tòa án thu thập chứng cứ như dự thảo Luật, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng, quy định này là cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay, vừa có thể giảm tải trách nhiệm của tòa án, vừa tăng cường trách nhiệm của các bên đương sự trong việc thu thập chứng cứ, đồng thời bảo đảm được vai trò, sự hỗ trợ của Tòa án Nhân dân trong bối cảnh người dân còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc tiếp cận thu thập chứng cứ.

Cùng chung quan điểm này, ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho rằng, quy định như dự thảo Luật là hợp lý. Trong đó, quy định rất rõ trách nhiệm của các bên liên quan có trách nhiệm chính trong việc thu thập và cung cấp tài liệu chứng cứ và tòa án có trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ trong những trường hợp cần thiết.

Bảo đảm quyền lợi của người yếu thế

Ủng hộ quan điểm tòa án thu thập chứng cứ trong một số trường hợp, ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu tòa án không thu thập chứng cứ trong một số trường hợp nhất định sẽ gặp khó khăn hoặc không giải quyết được vụ án, vụ việc, như tòa án thu thập chứng cứ trong việc xem xét lại các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. Mặt khác, việc quy định tòa án thu thập chứng cứ cần xem xét điều kiện thực tế của nước ta, về trình độ dân trí, ý thức pháp luật, hoàn cảnh kinh tế của một bộ phận Nhân dân, số lượng vụ việc có luật sư tham gia còn rất ít.

Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao, tỷ lệ luật sư tham gia tố tụng trong tổng số các vụ án đã được giải quyết còn rất thấp, chỉ chiếm 8,15%. Dẫn số liệu này, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng đề nghị, quy định theo hướng trong một số trường hợp cần thiết tòa án trực tiếp thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử và nhất là hỗ trợ người yếu thế khi họ không có khả năng cung cấp chứng cứ cho tòa án.

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đồng tình việc quy định vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thì các bên tự thu thập chứng cứ, tòa án sẽ chỉ hỗ trợ trong các trường hợp cần thiết, song ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cho rằng, quy định này không phải áp dụng với tất cả các trường hợp. Đối với những người yếu thế trong xã hội và những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi trình độ dân trí, việc tiếp cận pháp luật còn hạn chế nên giữ quy định tòa án có trách nhiệm thu thập chứng cứ với những trường hợp này, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị.

Lý giải cho đề nghị này, đại biểu Khánh cho rằng, tại Nghị quyết số 27-NQ/TW đã quy định xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng. Trong nghị quyết cũng quy định phải làm rõ các trường hợp Tòa án Nhân dân thu thập chứng cứ, hỗ trợ thu thập chứng cứ trong xét xử. Do đó, việc tòa án thu thập chứng cứ cho các trường hợp này chính là góp phần thực hiện công bằng trong tiếp cận pháp luật. Bởi những người yếu thế, người nghèo điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu cả về vật chất, tinh thần và hạn chế trong giao tiếp xã hội.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, các vụ án, vụ việc có luật sư tham gia tỷ lệ rất ít, chỉ hơn 8% và cơ chế hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý không phải trong các trường hợp đều thuận lợi. Do đó, việc tiếp cận để lấy hồ sơ từ các cơ quan hành chính không phải lúc nào cũng thuận lợi, ông Khánh nhấn mạnh.

Theo chương trình, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào cuối Kỳ họp thứ Bảy. Mong rằng, những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu sẽ được xem xét, tiếp thu để khi Luật được thông qua bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng trong giải quyết vụ án, bảo đảm quyền lợi của các bên khi tham gia tố tụng, đặc biệt là quyền lợi của người yếu thế.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/toa-an-thu-thap-va-ho-tro-thu-thap-tai-lieu-chung-cu-la-can-thiet-i373781/