Tòa Công lý quốc tế tạo sức ép, ra đòn giáng vào vị thế quốc tế của Israel vì vấn đề Gaza

Quyết định được tòa án hàng đầu của Liên hợp quốc đưa ra liên quan đến các chiến dịch của Israel tại Gaza là diễn biến mới nhất kém được hoan nghênh đối với Chính phủ Israel. Mặc dù khó có khả năng được lưu tâm, nhưng phán quyết của ICJ vẫn ít nhiều gây áp lực đối với Israel.

 Ở Rafah, người Palestine di tản đang trú ẩn trong các lều trại. Ảnh: Reuters

Ở Rafah, người Palestine di tản đang trú ẩn trong các lều trại. Ảnh: Reuters

Tình hình nhân đạo "thảm họa"

Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), thường được gọi là Tòa án Thế giới, hôm 24/5 đã lệnh cho Israel ngừng cuộc tấn công ở miền Nam Gaza. Đây được xem là một đòn giáng nữa vào vị thế quốc tế của Israel. Các thẩm phán cho biết, nỗ lực sơ tán là không đủ để giảm bớt "rủi ro vô cùng lớn" đối với dân thường.

Chủ tịch ICJ Nawaf Salam phát biểu: “Israel phải ngay lập tức dừng cuộc tấn công quân sự hoặc bất kỳ hành động nào khác tại tỉnh Rafah có thể gây ra cho nhóm người Palestine ở Gaza những điều kiện sống có thể dẫn đến sự hủy diệt thể chất toàn bộ hoặc một phần”.

2 tuần trước, bất chấp cảnh báo từ các đồng minh, Israel đã phát động một cuộc tấn công vào Rafah, nơi hơn 1 triệu người Palestine di tản đã chạy trốn kể từ khi Israel tuyên chiến với Hamas, nhóm chiến binh nắm quyền tại Gaza, sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10 năm ngoái.

Ông Salam cho biết, kể từ ngày 6/5, chỉ tính riêng tại Rafah đã có khoảng 800.000 người Gaza, tức khoảng 1/3 dân số của dải đất ven biển đã bị phong tỏa, phải di dời khỏi đây. Liên hợp quốc cũng ghi nhận tình trạng thiếu lương thực, nước sạch và thuốc men đang diễn ra, càng nghiêm trọng hơn bởi việc đóng cửa biên giới.

Thẩm phán Salam nhận xét: “Tình hình nhân đạo hiện được coi là thảm họa”.

Lệnh tạm thời của Tòa án Thế giới là một phần của phiên tòa xét xử đang diễn ra do Nam Phi kiện Israel vào cuối năm ngoái vì chiến dịch của nước này ở Gaza. Israel cho biết, họ đặt mục tiêu xóa sổ Hamas, lực lượng vốn bị Đức, Liên minh châu Âu, Mỹ và các nước khác coi là tổ chức khủng bố, đồng thời, đảm bảo thả hơn 100 con tin bị bắt giữ vào ngày 7/10 và được cho là vẫn đang ở Gaza.

Israel lập luận rằng, họ đang tiến hành một cuộc chiến tự vệ chống lại một nhóm bài Do Thái.

Hamas không thể bị xét xử tại ICJ vì lực lượng không phải là một quốc gia

Hôm 24/5, tòa án trên cũng lệnh cho Israel ngăn chặn việc tiêu hủy các bằng chứng tiềm năng phục vụ các cuộc điều tra về hành vi của Israel ở Gaza và đảm bảo việc vận chuyển viện trợ qua cửa khẩu trên bộ Ai Cập-Rafah nằm bên phía Palestine do Israel kiểm soát.

Trong khi phán quyết cuối cùng trong phiên tòa quy mô hơn phải mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm nữa mới được đưa ra, Chính phủ Nam Phi đã yêu cầu ICJ đưa ra một loạt biện pháp khẩn cấp để bảo vệ dân thường trong thời gian đó.

Trong một phán quyết tạm thời khác vào cuối tháng 3, tòa án trên đã nói với Israel rằng, họ phải cho phép thêm viện trợ thông qua hàng rào phong tỏa trong bối cảnh có cảnh báo về nạn đói sắp xảy ra. Vài ngày sau khi cuộc tấn công của Rafah bắt đầu vào ngày 6/5, Nam Phi lại tiếp tục kiến nghị lên ICJ, ít nhất thành công một phần.

 Israel coi Rafah là thành trì cuối cùng của Hamas. Ảnh: AFP

Israel coi Rafah là thành trì cuối cùng của Hamas. Ảnh: AFP

Israel chỉ trích phán quyết của ICJ

Phán quyết mới nhất được đưa ra trong một loạt các diễn biến khiến Israel ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế, dù họ vẫn được các đồng minh phương Tây - quan trọng nhất là Mỹ, hậu thuẫn.

Đầu tuần này, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) cho biết, họ sẽ xin lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, cùng một số quan chức Hamas, với cáo buộc gây tội ác chiến tranh. Theo thống kê chính thức của Israel, gần 1.200 người đã thiệt mạng vào ngày 7/10/2023, và hơn 35.000 người Palestine được cho là đã thiệt mạng trong chiến dịch tại Gaza của Israel.

Hôm 22/5, Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy tuyên bố rằng, họ sẽ công nhận tư cách nhà nước của Palestine, điều mà Israel cho rằng, về cơ bản là phần thưởng dành cho Hamas. Mỹ và EU đều chính thức ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine như một phần của giải pháp 2 nhà nước, nhưng việc ai có thể cai quản nhà nước này vẫn còn nhiều tranh cãi.

Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich dường như xem nhẹ phán quyết của ICJ khi ông viết trên mạng xã hội X hôm 24/5: "Nhà nước Israel đang có tham chiến vì sự tồn vong của mình. Những người yêu cầu nhà nước Israel dừng chiến tranh là đang yêu cầu nhà nước này ngừng tồn tại. Chúng tôi sẽ không đồng ý với điều đó”.

Hugh Lovatt- nhà phân tích của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu nói với DW rằng, không mấy mong đợi rằng, Israel sẽ tuân thủ phán quyết. Tuy vậy, ông nhận định “sẽ là sai lầm nếu coi phán quyết ngày hôm nay và những gì đã xảy ra trong vài ngày và vài tuần qua là không có tác động gì”.

Lovatt cho rằng, những phán quyết như vậy đã chồng chất áp lực lên Israel, tạo cơ hội cho các đồng minh của nước này thúc đẩy Chính phủ Israel tham gia nhiều hơn vào các cuộc đàm phán ngừng bắn với Hamas. Ông nói thêm, cùng với lệnh bắt giữ, ICC cũng có thể gây áp lực lên các quốc gia đã cung cấp vũ khí cho Israel như Mỹ và Đức.

Lovatt nói: “Đây lại là một cơ hội vàng khác cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tận dụng những nguồn áp lực quốc tế này để thực sự tác động đến sự thay đổi thực thụ”. Washington đã cảnh báo Israel trong nhiều tuần rằng, chớ tiến hành các chiến dịch ở Rafah.

 Các luật sư Israel tại ICJ đã chỉ trích phiên tòa về "tội diệt chủng". Ảnh: Reuters

Các luật sư Israel tại ICJ đã chỉ trích phiên tòa về "tội diệt chủng". Ảnh: Reuters

"Thực thi ngay lập tức"

Mặc dù nhanh chóng nhấn mạnh tình đoàn kết với Israel sau vụ tấn công ngày 7/10 năm ngoái, Liên minh châu Âu vẫn gặp khó khăn trong việc đạt được tiếng nói chung về Gaza do sự chia rẽ giữa 27 quốc gia thành viên. Vào tháng 3, tổ chức này đã kêu gọi “tạm dừng nhân đạo” trong giao tranh để dẫn đến “ngừng bắn bền vững”.

Hôm 24/5, Ủy viên Quản lý khủng hoảng châu Âu Janez Lenarcic đã viết trên X rằng, Israel, với tư cách là một bên ký kết ICJ, phải tuân thủ các mệnh lệnh của tòa án này. “Tôi mong đợi họ sẽ thực hiện đầy đủ và ngay lập tức”, ông nói.

Phát biểu tại một sự kiện ở Florence, người phụ trách các vấn đề đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, người châu Âu phải đối mặt với một quyết định khó khăn: "Chúng tôi sẽ phải lựa chọn sự ủng hộ của mình đối với các thể chế quốc tế và pháp quyền, hoặc sự ủng hộ của chúng tôi đối với Israel".

Cả 2 quan chức đều được coi là những nhân vật có thiện cảm với người Palestine hơn so với những người chẳng hạn như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, một nhân vật bảo thủ người Đức có quan hệ gần gũi hơn với Israel.

Như Lenarcic nói, lệnh của ICJ có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Nhưng tòa án này không có lực lượng cảnh sát hay cơ chế tư pháp để thực thi chúng. Các thẩm phán đã yêu cầu Israel nộp báo cáo về việc họ đã tuân thủ các biện pháp mới như thế nào trong vòng 1 tháng.

Hoàng Bách (Theo DW)

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/toa-cong-ly-quoc-te-tao-suc-ep-ra-don-giang-vao-vi-the-quoc-te-cua-israel-vi-van-de-gaza-post289880.html