Tọa đàm về xuất khẩu rau, quả sang thị trường Liên minh châu Âu
Ngày 26.10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương và Đại sứ quán – Phái đoàn Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) tổ chức tọa đàm trực tuyến về xuất khẩu rau, quả sang thị trường EU. Dự tọa đàm tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đại biểu dự tọa đàm tại điểm cầu Hưng Yên
Tại buổi tọa đàm, đại biểu tại các điểm cầu được thông tin tổng quan chính sách và quy định của thị trường EU về nhập khẩu rau, quả; trao đổi, kiến nghị các biện pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu rau, quả sang thị trường EU. Đồng thời, chia sẻ một số giải pháp xuất khẩu nông sản sang thị trường EU như: Kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý sau thu hoạch, mở rộng vùng sản xuất rau, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch...
Tại Hưng Yên, toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 9,7 nghìn ha đất nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm kết hợp chăn nuôi và nuôi thả thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao; hình thành 500 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung. Để mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu nông sản của tỉnh, các cấp, ngành chuyên môn và hộ sản xuất đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như: Sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, nhà kính; ứng dụng công nghệ ghép đỉnh sinh trưởng trong nhân giống cây ăn quả, công nghệ nano bạc để hạn chế côn trùng gây hại… Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 34 mã số vùng trồng OTAS, phục vụ xuất khẩu nông sản. Có trên 300 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, trong đó có 15 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu rau, quả. 9 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau, quả trên địa bàn tỉnh đạt trên 3 triệu USD. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu đã mạnh dạn đổi mới công nghệ sản xuất, thay đổi chiến lược kinh doanh, tiết kiệm chi phí và hạ giá thành sản phẩm để khơi thông thị trường tiêu thụ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu...
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu nông sản của tỉnh còn gặp một số khó khăn do: Công nghệ chế biến nông sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thu hút được dự án lớn; sản xuất nông nghiệp chưa bền vững; việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm còn hạn chế…
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản, các đại biểu kiến nghị một số giải pháp như: Triển khai cụ thể các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu về thị trường, vốn, tỷ giá; mở rộng sản xuất tập trung, đạt quy chuẩn để tăng nguồn hàng phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh; phát triển dịch vụ Logistics thực hiện đóng gói, vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu…