Tốc độ nóng lên ở châu Âu cao gấp đôi mức trung bình toàn cầu
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo về tình trạng ấm lên 2,6 độ vào cuối thế kỷ này, nhiều hơn một độ so với ngưỡng mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã xác định.
Một báo cáo mới đây của Liên hợp quốc cho biết sự ấm lên của lục địa châu Âu là "nhanh nhất trong số sáu khu vực được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) xác định."
Tổ chức này thậm chí cảnh báo về tình trạng ấm lên 2,6 độ vào cuối thế kỷ này, nhiều hơn một độ so với ngưỡng mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã xác định.
Báo cáo do WMO phối hợp với Cơ quan biến đổi khí hậu châu Âu Copernicus biên soạn cho biết nhiệt độ ở châu Âu đã trải qua một sự gia tăng đáng kể trong giai đoạn 1991-2021, với tốc độ ấm lên khoảng +0,5 độ C mỗi thập kỷ.
Báo cáo cũng cho biết châu Âu là lục địa ấm lên nhanh nhất, ghi nhận mức tăng nhiệt độ hơn gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu trong vòng ba mươi năm qua.
"Khu vực này thể hiện sự ấm lên nhanh nhất trong số sáu khu vực được WMO xác định," Tổng thư ký của WMO người Phần Lan, Petteri Taalas, nhấn mạnh trong lời nói đầu của Báo cáo về khí hậu ở châu Âu này, được công bố trước thềm COP27, hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 18/11 tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập.
Sự ấm lên nhanh chóng ở châu Âu khiến các sông băng trên núi đã mất đi độ dày 30 mét trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2021. Một hệ quả khác là lớp băng ở Greenland đang dần tan chảy, giúp đẩy nhanh quá trình dâng lên của mực nước biển. Vào mùa Hè năm 2021, Greenland thậm chí đã ghi nhận mưa lần đầu tiên tại điểm cao nhất của nó, trạm Summit.
Châu Âu “đang được xem là một thí dụ điển hình của hiện tượng ấm lên của hành tinh và nó nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả những xã hội được chuẩn bị tốt cũng không tránh khỏi hậu quả của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt,” Petteri Taalas lưu ý.
Ông cho biết thêm rằng: “Vào năm 2021, một loạt hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt đã xảy ra ở nhiều khu vực khác nhau của châu Âu. Những trận lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng gây ra thiệt hại chưa từng có về người và của ở các khu vực Tây và Trung Âu vào tháng 7, những đám cháy rừng tàn phá Đông Nam Âu vào mùa hè này, sẽ vẫn còn trong ký ức của các quốc gia bị ảnh hưởng và trở thành tư liệu về biến đổi khí hậu quốc tế."
Theo WMO, những sự kiện thời tiết và khí hậu có tác động lớn này đã khiến hàng trăm người ở châu Âu thiệt mạng, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn nửa triệu người và gây thiệt hại kinh tế vượt ngưỡng 50 tỷ USD; khoảng 84% các trường hợp là lũ lụt hoặc bão; tăng 2,6 độ C vào năm 2100.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết vào năm 2015 đặt ra mục tiêu duy trì sự gia tăng nhiệt độ trung bình của hành tinh dưới 2 độ C và nếu có thể là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhưng mặc dù đã có các cam kết quốc tế, trái đất vẫn có xu hướng ấm lên 2,6 độ C vào cuối thế kỷ này, theo cảnh báo của Liên hợp quốc. Đặc biệt ở tất cả các khu vực của châu Âu, sự gia tăng nhiệt độ sẽ lớn hơn mức trung bình của hành tinh, như đã được quan sát cho đến nay, cảnh báo WMO, gây ra các hiện tượng nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt...
Tuy nhiên, không phải tất cả các tin tức đều xấu, tổ chức WMO cũng chỉ ra rằng một số quốc gia châu Âu đang làm rất tốt trong việc giảm phát thải khí nhà kính của họ. Ở Liên minh châu Âu, lượng khí thải này đã giảm 31% từ năm 1990 đến năm 2020, mục tiêu là giảm ròng 55% vào năm 2030.
Theo Petteri Taalas, "châu Âu có thể đóng một vai trò quyết định đối với sự ra đời của một xã hội trung lập carbon trước giữa thế kỷ, đúng theo Hiệp định Paris."
Châu Âu cũng là một trong những khu vực tiên tiến nhất về hợp tác xuyên biên giới liên quan tới thích ứng với biến đổi khí hậu và khoảng 75% dân số được bảo vệ khỏi các thảm họa thiên nhiên và khí tượng bằng các hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả.
Theo WMO: "Các kế hoạch hành động chống lại các đợt nắng nóng vừa qua ở khu vực châu Âu đã cứu sống nhiều người"./.