Tôi đã đứng ở vị trí nào khi viết?
Khi còn là cô sinh viên khoa Sinh học, tôi đã chép những vần thơ của nhà thơ Hungary Petofi Sando: Tự do và ái tình/ Vì các ngươi ta sống/ Vì tự do muôn đời/ Tôi hi sinh tình ái.
May mắn, thế hệ của chúng tôi đã không phải hi sinh tình ái. Sau này khi nhập vào văn chương tôi đã chọn đứng về phía những người yếu thế để trình bày lên trang viết của mình những khổ đau.
Truyện ngắn Bức thư gửi mẹ Âu Cơ (1989) của tôi là câu chuyện về những trải nghiệm khổ đau cả về thể xác lẫn tinh thần của một cô gái trẻ trong ca nạo phá thai. Khi truyện ngắn được in, nhiều người đọc đã bị sốc bởi vấn đề tôi đưa ra khá trần trụi. Nhiều người cũng rất tò mò về tác giả: Cô ta đã đứng ở đâu trong tác phẩm này? Là thủ phạm? Hay chính là nạn nhân? Bởi từng trang viết sống động đến như thế.
Sau hơn 30 năm vẫn nhiều người đưa ra những câu hỏi đó. Văn chương luôn hấp dẫn người đọc bởi sự huyền bí giữa nhà văn và tác phẩm của họ là vậy.
Rồi đến I am Đàn bà, người đọc tiếp tục thắc mắc Y Ban đã đứng ở chỗ nào khi viết tác phẩm này. Tất nhiên không phải là nhân vật Thị được rồi. Nhưng có một chỗ rất nghi, đấy là sự ẩn ức về tình dục. Có phải Y Ban viết về sex là do quá ẩn ức về tình dục? Độc giả cứ muốn chẻ hoe đời sống của tác giả để lí giải tác phẩm của họ. Không sao. Hay mà. Lại thêm một huyền thoại nữa về nhà văn được bồi đắp.
Một phần sự thật khi viết I am Đàn bà, đó là khi tôi đọc một mẩu tin trên báo nói về một người đàn bà phải ra tòa vì tội quấy rối tình dục, người phụ nữ làm ôsin chăm sóc một người bị liệt. Mẩu tin không hề nói đó là người đàn bà của nước nào. Tôi đã ngồi cả một buổi chiều buồn bã và tự vấn. Thực chất tôi là một người đàn bà truyền thống. Tôi nghĩ người đàn bà có thể phạm tội ăn cướp lừa đảo… thậm chí giết người nhưng không thể phạm tội quấy rối tình dục. Như một quan tòa, tôi đã nghĩ ra nhiều chi tiết để bao biện cho tội lỗi của Thị, vì thế khi truyện ngắn được in có một số ý kiến cho rằng truyện ngắn quá thừa các chi tiết không liên quan…
Truyện ngắn Cái Tý (1998) của tôi viết về một đứa trẻ gái ở một vùng quê nghèo nhưng đã có cái bản năng vĩnh cửu của một người đàn bà Việt tần tảo lo toan: “Chú biết không, chú cũng nên lấy vợ để được chia ruộng chứ không lấy cái gì mà ăn. Nhưng không biết chú có được tiêu chuẩn xã cho ruộng không nhỉ. Chắc là không rồi, vì chú ở nơi khác đến. Thế thì để cháu vậy. Cháu mà lấy chồng cũng được chia ruộng riêng. Nhưng mà lâu quá, những 8 năm nữa mới đủ tuổi…”.
Cái Tý nói thế nhưng nó đã biết thế nào là bổn phận của người làm vợ đâu. Mà từ trong tim, nó thấy người đàn ông đó thật gần gũi như cha mẹ nó vậy. Nó muốn được ôm ấp vào lòng như mẹ vẫn ngày ngày ôm ấp em bé của nó. Có lẽ lúc biết nhớ, nó luôn chỉ được đứng bên cạnh để nhìn mẹ ôm ấp hết đứa em nọ đến đứa em kia nối đuôi nhau ra đời. Nó nghĩ rằng, hai năm nữa, khi làm vợ người đàn ông, nó sẽ được ôm ấp vào lòng như mẹ, một cử chỉ mà chưa khi nào bố làm. Nó bỗng muốn nhào vào lòng người đàn ông mà gọi bố ơi. Nhưng sao kia, người đàn ông đó cười mà mắt lại ngấn nước. Và, ánh mắt nhìn nó mới yêu mến làm sao. Nó đến bên cạnh người đàn ông, khẽ đụng vào vai. Người đàn ông ôm choàng nó, thổn thức: “Con ta”. Tim nó ngân vọng: “Cha ơi”.
Trong một bức thư gửi cho con trai, tôi đã viết: “Mẹ là nhà văn, nhà báo, bố là nhà điêu khắc. Những đồng tiền của bố mẹ kiếm được là từ những tác phẩm nghệ thuật, những tác phẩm văn chương. Và… tất nhiên những đồng tiền của mẹ kiếm được cả từ những bài báo “Do Dự” nữa con à. Mẹ đặt tên cho những bài báo của mẹ là “Do Dự” vì chúng chẳng thể hiện quan điểm nào của mẹ. Mẹ chỉ viết chúng để lấy nhuận bút.” Tuy nhiên khác với những bài báo “Do Dự” để lo cho cuộc sống thì những tác phẩm văn học thường được tôi đẩy đến tận cùng.
Trong tiểu thuyết Công viên cứu hộ loài người tôi đã để hai con chó (Tom và Terry) bàn luận về đồng tiền như thế này: “Ơ hay, có gì xúc động thế mà phải khóc chứ. Câu chuyện đang hay mà. Hình như tôi đã nghĩ ra được điều gì hay ho trong đầu. Tom đi vòng quanh ba lần rồi đĩnh đạc ngồi xuống. Tôi đã tìm ra thủ phạm đang giết hại loài người, đó là tiền. Loài người đang bị phụ thuộc bởi đồng tiền. Tôi lấy ví dụ nhé, ông chủ của tôi, ông ấy có yêu thương chúng tôi không? Tôi khẳng định là có. Tôi cảm nhận được điều đó qua bàn tay ông ấy vuốt ve tôi. Rồi ông ấy bị đồng tiền làm cho lóa mắt khi ông ấy chứng kiến canh bạc chọi chó. Đồng tiền chảy vào túi rất dễ. Ông ấy mới luyện chúng tôi để đi chọi. Tôi đã nhìn thấy những đồng tiền sau buổi tôi thắng cuộc, nhiều lắm. Và vẻ mặt hỉ hả của ông chủ tôi. Mặc cho tôi đau đớn rên rỉ đêm ấy ông chủ mở đại tiệc ăn mừng. Ông ấy làm nhiều thức ăn ngon, nhiều rượu ngon và có nhiều cô gái đẹp, nõn nà thơm phức vây quanh. Họ ăn uống tưng bừng rồi từng cặp họ giao phối. Tôi nhìn thấy một cặp rất gần, còn họ không nhìn thấy tôi. Cô gái trẻ lắm, còn người đàn ông kia thì đã già và bặm trợn. Cô gái rên rỉ đau đớn và máu chảy dài xuống chân. Tôi rất thương cô gái đó. Tôi muốn nhảy ra cắn nát mặt người đàn ông kia. Nhưng tôi không thể, tôi bị xích và tôi đang bị thương. Bỗng nhiên cô gái trẻ ngừng khóc và rên rỉ. Cô ấy cười có vẻ rất hạnh phúc khi người đàn ông già bặm trợn đưa cho cô ta hai cọc tiền. Cô ta lấy những đồng tiền lau vết máu đang chảy xuống chân, rồi cô ta nhảy lên người đàn ông. Bỗng chốc có sự thay đổi, người đàn ông kia mới là nạn nhân của cô ta. Tôi đã căm ghét đồng tiền từ khi đó. Nếu loài người không muốn bị diệt vong thì loài người phải khai tử đồng tiền…”.
Đến nay tôi đã viết 7 cuốn tiểu thuyết, 2 truyện vừa, 150 truyện ngắn, gần 200 truyện ngắn mini và 1 tập thơ. Tôi không thể nhớ hết cảm xúc trước khi viết một tác phẩm nhưng tôi vẫn nhớ những trận vừa khóc vừa viết Chín khúc hát ru của thiên thần hay Mẹ không thể xin lỗi con… Và vừa viết vừa cười. Các truyện ngắn mini khiến tôi vừa viết vừa cười nhiều nhất. Ví dụ truyện ngắn Đơn vị đo lường mới: “Chủ quán đâu đong cho một mồm rượu”.
Hay như truyện ngắn Khi chim biến thành gà: Ở đời, chim là chim mà gà là gà. Vậy mà ở nhà kia có chuyện rất hóm: chim biến thành gà. Chuyện là thế này: “lão Phật gia” được biếu một con hỉ tước, nó hót rất hay. Lông đen mượt, cái đuôi vểnh vểnh. Con trai lão không muốn hỉ tước sa vào cảnh cá chậu chim lồng bèn xây một cái nhà be bé chừng khoảng một mét vuông, lại dựng một cây khô cho hỉ tước chuyền từ cành nọ sang cành kia hót líu lo và vẩy vẩy cái đuôi hỉ tước. Hỉ tước sung sướng hạnh phúc được vài tháng thì trong cái nhà một mét vuông có thêm một thành viên mới. Một cục thịt be bé lởm chởm vài cái lông, chỉ nhảy lò cò không biết bay. Đuôi trụi thùi lủi chẳng có cái lông nào. Cậy ma cũ hỉ tước bay xuống mổ vào cái lưng trụi của cục thịt kia. Cục thịt chạy tán loạn rồi đứng nép vào một góc. Hỉ tước sung sướng nhảy lên cành hót líu lo. Buổi chiều “lão Phật gia” mở cửa căn nhà be bé gọi cục cục cục. Cục thịt lò cò chạy ra. “Lão Phật gia” giơ tay ẵm cục thịt nựng nựng:
- Công công. Con công hay múa, nó múa làm sao? Nó chụm chân vào nó xòe cánh ra. Lớn nhanh lên mọc lông mọc cánh múa cho ông xem nhé. Chết, sao lưng công có vết mổ thế này. A mày, cái con thổ tả kia mày dám à? Hỉ tước thì ông cũng cho vào lò nướng.
“Lão Phật gia” tìm cái gậy khua loạn xạ vào nhà be bé. Hỉ tước sợ mất mật nhảy như cào cào rồi nép vào một chỗ trốn. Từ đấy hỉ tước không dám mổ cái cục thịt kia nữa. Hỉ tước suy ngẫm về thân phận của mình: Có cánh thì để làm gì chứ? Cũng sà xuống đất để mổ cám trong khay. Có lông đuôi để làm gì chứ? Nước trong cóng chỉ để uống chứ có tắm được đâu. Hót hay thì để làm gì chứ? Nhà này làm gì có thời gian để nghe chim hót. Hỉ tước để mà làm gì chứ? Cái cục thịt trụi thui lủi kia là vật báu rồi. Thế thì cần gì lông cổ lông cánh lông đuôi. Hỉ tước bèn vặt dần đám lông mượt mà óng ánh mà chủ nhân trước của hỉ tước đã dày công chăm sóc trước khi tặng vào cái nhà be bé. Bây giờ thì hỉ tước cũng trụi thui lủi, chỉ còn sót lại vài cái lông lưa thưa. Cục thịt trụi thui lủi kia nhìn hỉ tước tưởng đồng loại, đến gần rúc rúc tìm hơi ấm. Hỉ tước muốn mổ cho mấy nhát, nhưng sợ, lại thôi. “Lão Phật gia” mở nhà be bé để đưa vào mấy con giun cho cục thịt trụi thui lủi. Cục thịt nép vào tay “lão Phật gia” để được vuốt ve. “Lão Phật gia” nâng cục thịt trên tay âu yếm:
- Công lớn nhanh lên mọc lông đẹp rồi múa cho ông xem nào. Con công hay múa, nó múa làm sao? Nó chụm chân vào nó xòe cánh ra là lá la la. Thôi vào ăn giun đi.
“Lão Phật gia” thả công vào nhà be bé. Hỉ tước cũng muốn được “lão Phật gia” nựng nọt bèn cọ vào tay lão. Lão rụt vội tay vào, réo lên:
- Cái thổ tả gì thế này? Ối đồng bào anh em láng giềng ơi, con thổ tả này bị Ebola rồi. Mày xéo ngay đi, xéo!
“Lão Phật gia” lấy cái que xua hỉ tước ra khỏi nhà be bé. Hỉ tước vội lủi vào một xó. Hỉ tước không biết khóc. Nó chỉ nấc lên:
- Ôi cái thân tôi gà chẳng ra gà chim chẳng ra chim biết sống thế nào đây. Hay là mắc bệnh Ebola để chết quách đi cho rồi...
Tôi thuộc tuýp nhà văn sống rồi mới viết nên rất dám dấn thân. Tôi trân trọng mọi cung bậc cảm xúc của ái ố hỉ nộ tham sân si. Và khi nào các cảm xúc dâng đầy muốn nổ tung ra thì tôi ngồi vào bàn viết.
Y Ban/Văn nghệ Quân đội
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-da-dung-o-vi-tri-nao-khi-viet-post1445969.html