Tôi e kế hoạch bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp cho các thầy cô dễ phá sản
Việc 2, 3 giáo viên dạy một môn học thì dễ cho trường trong phân công, thời khóa biểu, nhưng lại rất khó cho giáo viên trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh.
Dạy và học các môn tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2021-2022 như thế nào vẫn đang là chủ đề nóng được rất nhiều thầy cô giáo bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật bậc trung học cơ sở quan tâm.
Trong bài viết này, người viết tiếp tục bàn thêm về vấn đề rất nhiều bất cập, bất hợp lý khi triển khai môn học tích hợp trên thực tế, nó cho thấy chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo khi ban hành và thực hiện.
Người viết đã thử gõ từ khóa “bất cập tích hợp” trên Google trong vòng 0,4 giây cho 112.000.000 kết quả cho thấy sức nóng của nó như thế nào.
Trên các diễn đàn mạng xã hội thì vấn đề môn tích hợp được mọi người tranh luận sôi nổi, đa số phản ánh bất cập của môn tích hợp khi triển khai cho các trường, chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy học sinh sẽ học tốt hơn mà chỉ thấy phức tạp, rắc rối, bất hợp lý khi “tích” 2, 3 môn thành môn mới.
Các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật là một môn học, nhưng không có giáo viên dạy, việc dự định đưa giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng để tiến tới dạy được cả môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý lại cho thấy khó thành hiện thực, khó khả thi.
Thời gian qua, kể từ khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến nay chưa có bất kỳ một sinh viên nào được đào tạo các môn tích hợp, cũng chưa thử nghiệm một giáo viên nào đi bồi dưỡng để dạy được cả 2, 3 phân môn.
Một giáo viên dạy 2, 3 phân môn bất khả thi, không hiệu quả
Ngày 23 tháng 6 năm 2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số: 2613/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022.
Theo Công văn 2613 và các Quyết định 2454, 2455 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì một giáo viên dạy các phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý được bồi dưỡng 20-36 tín chỉ tiến tới dạy cả 2, 3 phân môn trong môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý hay môn Nghệ thuật trong tương lai.
Tuy nhiên, phương án mỗi giáo viên “gánh” toàn bộ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Nghệ thuật thì người viết cho rằng có thể “phá sản”, không khả thi.
Bản thân người viết là giáo viên, tổ trưởng chuyên môn Vật lý nhưng tôi thấy cả đơn vị tôi có hơn 10 giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học có lớn tuổi, có giáo viên mới ra trường, với kiến thức lớp 6, 7 sau khi đào tạo, bồi dưỡng có khoảng 50% giáo viên dạy được, còn đối với kiến thức lớp 8, 9 thì tôi nghĩ không đến 20% giáo viên sau khi bồi dưỡng (vừa dạy vừa bồi dưỡng) có thể dạy được.
Người viết dùng từ có thể dạy được tức là nghiên cứu dạy kiểu “mì ăn liền”, tức là tìm hiểu trong sách giáo khoa, sách hướng dẫn bấy nhiêu dạy bất nhiêu, chứ việc nắm kiến thức dạy chuyên sâu của cả 3 môn ở lớp 8, 9 là 0%.
Bản thân người viết trước đây cũng là một học sinh giỏi, chuyên ban A: Toán - Vật lý - Hóa học, đi dạy 20 năm, cũng có nhiều năm liền bồi dưỡng học sinh giỏi đạt cấp tỉnh, huyện, về tuổi đời cũng trên dưới 40 tuổi về kiến thức Vật lý để dạy bậc trung học cơ sở thì tạm ổn (vẫn cần bồi dưỡng, học tập thêm rất nhiều), qua nhiều năm thì kiến thức Hóa học, Sinh học thì chỉ còn khoảng 10-20%.
Khả năng tiếp thu suy giảm rất nhiều, rất mau quên, những kiến thức khó về Hóa học, Sinh học tôi sẽ rất khó tiếp thu, nghiên cứu để biết thì được chứ để nhớ để dạy thì tôi cho rằng bản thân mình không thể.
Giáo viên môn Sinh học sẽ khó hơn rất nhiều, trong khi đó nhiều giáo viên trên 50 tuổi học để dạy được cả 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học tôi cho là không có.
Môn Lịch sử và Địa lý, sau khi đào tạo cũng khó có giáo viên dạy giỏi, tốt cả 2 môn trên.
Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nghĩ ra được vài chủ đề tích hợp nhưng lại ghép các môn với nhau để thành một môn làm cho sự việc rắc rối, phức tạp và chưa có lối thoát.
Cả nước hiện nay có hàng chục ngàn giáo viên đơn môn các môn tích hợp thì sau khi đào tạo bồi dưỡng 20-36 tín chỉ thì cũng khó tìm được giáo viên có đủ kiến thức chuyên sâu kiểu “biết mười dạy một”, để dạy học sinh, bồi dưỡng học sinh giỏi cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Một sinh viên học đến 4-5 năm đại học, đến khi đi dạy một phân môn còn phải bồi dưỡng thường xuyên, rèn luyện thêm mà vẫn chưa đảm bảo thì việc quy định một giáo viên (nhiều người đã lớn tuổi) học 20 – 36 tín chỉ (300-540 tiết) để dạy cả 2, 3 phân môn là bất khả thi, nhất là đối với môn Khoa học tự nhiên.
Một giáo viên lớn tuổi đi tập huấn 3 tháng, 540 tiết hay thậm chí hơn nữa để được sâu kiến thức để dạy cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học là trái với quy luật, không phù hợp pháp lý đã được phân tích trong các nhiều bài viết trước đây.
Học sinh không được học với giáo viên chuyên sâu, thì liệu có biết mình yêu thích môn nào, có năng lực sở trường môn nào để mà định hướng chọn môn, định hướng nghề nghiệp khi học ở bậc trung học phổ thông, vì bậc trung học phổ thông vẫn các môn riêng Vật lý, Hóa học, Lịch sử,…
2, 3 giáo viên dạy cùng dạy một môn thì quá vô lý, phức tạp
Mới nhất ngày 27/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số: 3699/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022.
Theo công văn 3699 cùng với những hướng dẫn trước đó cho phép 2, 3 giáo viên cùng dạy một môn (giáo viên "phân môn" nào nào dạy "phân môn" đó), đây cũng là phương án được các cơ sở giáo dục đang triển khai hiện nay.
Triển khai chương trình nhiệm vụ năm học thì yêu cầu giáo viên dần tiến tới đảm nhận được cả 2, 3 phân môn (qua bồi dưỡng), còn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thì lại đề nghị các trường phân công đồng thời, song song giáo viên các phân môn dạy.
Việc 2, 3 giáo viên dạy một môn học thì dễ cho trường trong phân công, thời khóa biểu, nhưng lại rất khó cho giáo viên trong việc dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh,…
2, 3 giáo viên "phân môn" cùng dạy học đồng thời môn tích hợp theo tôi là cách làm khiên cưỡng, áp đặt và không có ý nghĩa gì của việc tích hợp, có thể dạy chủ đề 5, 6 trước chủ đề 3, quá vô lý về bản chất của việc thiết kế môn học theo chủ đề tích hợp liên thông.
Điều này cho thấy sự lúng túng của Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi triển khai thực hiện các môn tích hợp trên.
Thực tế các chủ đề hiện nay được xây dựng trong các chương trình tích hợp hầu như thuộc các phân môn riêng.
Đối với môn Khoa học tự nhiên hầu như được thiết kế gồm các chủ đề thuộc các phân môn vật lý, Hóa học, Sinh học chung 1 quyển sách, ở môn Khoa học tự nhiên không thấy chủ đề tích hợp, chỉ có các chủ đề của các đơn môn hiện nay.
Môn Lịch sử và Địa lý thì thiết kế hẳn hoi 2 phần, phần I: Lịch sử, phần II: Địa lý, được thiết kế chung 1 sách giáo khoa, tách 2 phần riêng biệt.
Môn Nghệ thuật thì gồm 2 sách Âm nhạc và Mĩ thuật riêng.
Cả 3 môn Nghệ thuật, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên đều chỉ có 1 cột kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, có 1 nhận xét.
Khi thì môn, phân môn, nhóm môn cả cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh đều bị “rối não”.
Cả phương án 2, 3 giáo viên dạy đồng thời 1 môn hay 1 giáo viên dạy 2, 3 phân môn đều vô cùng rắc rối, phức tạp và khó triển khai, khó khả thi rất mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại vấn đề này.
Điều gì đúng thì tiếp tục phát huy, việc gì hạn chế, thiếu sót, không phù hợp thì nên được tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn thiện đảm bảo khi triển khai, thực hiện mang lại hiệu quả, không gây khó cho địa phương, các trường, giáo viên và học sinh.