Tôi lại thêm một mùa … xếp áo, Hà Nội ơi!
Tôi tần ngần ngồi xếp áo cho mẹ mang vào viện, như mọi lần suốt mười mấy năm qua, nhà tôi cứ thỉnh thoảng lại xếp đồ để bố mẹ mang vào viện. Năm tháng lấy đi sức khỏe của của bố mẹ tôi, và nhiều bậc làm cha làm mẹ khác, và lấy đi sức khỏe của chính mỗi chúng ta. Lòng tôi chùng lại, khi xếp áo cho bố mẹ đúng đợt rét về. Hà Nội, đã níu chân gia đình tôi ở lại với thành phố, chỉ bởi vì, nhà tôi bố ốm mẹ đau, còn nơi đâu để yên tâm về chất lượng y tế hơn đất Thủ đô chứ!
Lòng tôi chòng chành, khi nghĩ về chuyện trước đây mình đã từng vô cùng thích câu hát “mùa thu xếp áo, gió cuốn then cài” – tôi từng thích mùa thu Hà Nội và cả mê mẩn gió lạnh Hà Nội những ngày đông giá căm căm ra sao. Giờ tôi vẫn thích, nhưng đối diện với thế giới xung quanh mình, tôi lại chỉ mong gió lạnh vừa đủ mà thôi. Vì năm tháng, vì trải nghiệm, vì đôi mắt mở rộng ra với cuộc sống đã khiến tôi hiểu rằng: Những sở thích cá nhân đôi lúc chẳng thể nào đặt cao hơn lợi ích và sức khỏe của những người bên cạnh mình.
Xếp áo chạy vào viện, tôi gặp bác sĩ đã điều trị cho bố mẹ mình từ hơn 10 năm nay, anh gầy xọp, đầu bạc quá nửa, bàn tay gân guốc, cả hai bên thái dương cũng nổi đầy gân xanh. Anh vừa về từ miền Nam sau hơn 3 tháng tăng cường chống dịch. Đôi mắt sáng và khuôn mặt lạnh lạnh vẫn nói qua lớp khẩu trang: “Nghề em, đi lại nhiều đấy, nhớ cẩn thận dịch bệnh vì trong nhà bố mẹ em đều bệnh nền”. Tôi nhớ rằng trên trang cá nhân của mình, người bác sĩ có khuôn mặt lạnh lạnh ấy từng viết anh đã hai lần bật khóc, vì không cứu nổi bệnh nhân của mình khi họ chuyển nặng vì dịch bệnh – trong những ngày anh tăng cường chống dịch. Chúng ta, ai cũng kiên cường sống, để rồi có lúc yếu mềm, để rồi lại tiếp tục kiên cường.
Ngay cả khi ngồi viết những dòng này, nhiều bạn bè, nhiều người tôi có được cơ duyên quen biết đang công tác trong ngành y vẫn đang thay nhau hỗ trợ tăng cường chống dịch. Cậu y tá quân y người Hà Nội tôi biết còn kể rằng: “Em xếp quần áo vào ba lô sẵn, đơn vị yêu cầu tăng cường, hỗ trợ ở đâu là lên đường ngay, có lúc, em thèm quay quắt café trứng Hà Nội, ngoảnh đi ngoảnh lại em đã đi xa Hà Nội và miền Bắc hơn 6 tháng liền, vẫn chưa hẹn ngày về”.
Tôi từng khóc liên tục, khi đặt bút viết về nhiều câu chuyện của Hà Nội những ngày giãn cách. Chỉ bởi vì có những yêu thương khó cầm lòng. Chúng ta đã sống quá vội vã, cho đến khi cả thế giới loài người ốm vì virus, chúng ta mới kịp chậm rãi sống mà nhận ra: Một cuộc sống bình thường, một nhịp sống thân quen thật là điều quý giá không gì bằng. Hà Nội một năm qua đã làm tốt rất nhiều việc, có lúc, tôi có cảm giác như mình đang được sống trong không khí những ngày xưa – vốn được lưu lại trong sách vở mà thế hệ chúng tôi được sinh ra trong hòa bình và phát triển chưa từng biết đến. Đó là một Hà Nội phải vừa giữ vững ổn định kinh tế, an toàn phòng dịch, vừa tăng cường, hỗ trợ nhân lực, vật lực cho các địa phương khác trong cuộc chiến chung… chống dịch bệnh.
Mỗi lần xếp đồ cho bố mẹ tôi vào viện, tôi càng thương bố mẹ, càng cảm thông, càng tự hào, càng nể phục ngành y tế của chúng ta bấy nhiêu. Tôi mong chính bản thân mình, cũng như bao người ngoài kia, sẽ thương những mùa xếp áo trong cuộc đời - ấy là khi chúng ta nhận ra: Thời gian sống, thời gian cố gắng để chia sẻ và cảm thông thật quý giá.
Lần đầu tiên, trong suốt gần 18 năm ở thành phố này, tôi ngồi viết những dòng cuối năm không ở góc cơ quan quen thuộc nữa. Tôi đã xếp lại những ký ức, xếp lại những dự định để bước đi trên một chặng đường mới, nhiều mới mẻ phía trước, nhưng cũng đầy ắp sự trân quý những quá khứ đã qua. Và dù ở đâu hay chặng đường nào, tôi cũng vẫn gắn bó ở đây – với thành phố hơn nghìn năm tuổi này. Hà Nội với tôi, lúc nào cũng vừa trẻ vừa già, vừa đủ những cảm xúc vui buồn, bâng khuâng mỗi lần thay mùa, đời người xếp áo. Ở lại với thành phố bằng lí do vì sức khỏe của bố mẹ, mà qua tháng năm càng gắn bó với thành phố hơn nhờ những trải nghiệm của bản thân mình.
Thành phố, đang phục hồi và quay lại những nhịp sống trước đây sau nhiều lần kiên cường vượt qua dịch bệnh. Một cơn ốm của loài người đã khiến cho chúng ta có những thói quen sống thay đổi và đôi lúc, chúng ta cũng nhận ra, có những việc không bao giờ có thể giống trước đây được nữa. Nhưng cuộc sống vốn dĩ là như vậy, con người có sự thích ứng linh hoạt để tồn tại, sống và phát triển tiếp. Thành phố cũng vậy. Đã đi qua hơn 1.000 năm, thì 1.000 năm sau cũng sẽ là sự kiên cường, mạnh mẽ vừa nhiều thay đổi nhưng cũng nhiều giá trị gìn giữ như vậy.
Rồi mùa cuối năm, sẽ có người xếp áo về quê đón Tết, có người xếp áo tiếp tục lên đường, có người xếp áo quay lại thành phố… qua biết bao lần xếp áo, qua biết bao lần đến, đi, trở về… bỗng nhận ra mình có thêm thật nhiều kỷ niệm và trải nghiệm. Nếu tuổi trẻ còn loay hoay trước những ngã rẽ, thì khi đủ trải nghiệm rồi, mỗi người sẽ lại nhẹ nhàng xếp áo, rồi cứ thế đi thẳng.
Hà Nội ạ, hôm nay tôi lại thêm một lần xếp áo, phía trước là đường thẳng, dẫu sao, tôi vẫn luôn đi cùng thành phố, dù thế giới này, và chính bản thân tôi có biến chuyển ra sao!
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/toi-lai-them-mot-mua-xep-ao-ha-noi-oi-276746.html