TÔI LÊN TIẾNG: Phải chặn đứng thực phẩm bẩn 'đầu độc' người dân!

Chỉ qua kiểm tra ngẫu nhiên các tiệm bánh mì, Sở Y tế Khánh Hòa đã phát hiện 11 mẫu rau (11/21 mẫu) dương tính với thuốc trừ sâu, 6 mẫu thực phẩm khác dương tính với vi khuẩn Salmonella.

Dư lượng thuốc trừ sâu thì khỏi phải nói, rất độc hại với con người nên tất cả các quốc gia đều quy định chặt chẽ quy trình sử dụng, thời gian cách ly và cả điều kiện khử độc sau khi thu hoạch rau củ quả.

Bộ nông nghiệp các nước châu Âu còn quy định, khi đưa vào sử dụng thì buộc phải đóng mã vạch cụ thể loại nào có sử dụng thuốc trừ sâu trong quá trình trồng trọt. Nhiều doanh nghiệp sản xuất theo xu hướng xanh đã từ chối sử dụng thuốc trừ sâu.

Bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai trong tháng 5-2024

Bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai trong tháng 5-2024

Còn vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm khi sử dụng thịt. Đây là vi khuẩn gây ra vụ ngộ độc cho hơn 300 người do ăn bánh mì Phượng ở TP Hội An (Quảng Nam) vào tháng 9-2023. Cũng vi khuẩn Salmonella và E.coli gây ra vụ ngộ độ độc cho gần 600 người ở Đồng Nai và 1 trẻ tử vong.

Còn theo số liệu từ Bộ Y tế, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 2.000 người mắc, 6 người tử vong.

Những con số trên báo động một thực tế mất an toàn diễn ra từ nhiều năm qua: Thực phẩm bẩn đang uy hiếp đến sức khỏe của người dân.

Nguyên do có từ nhiều phía. Về sản xuất, còn nhiều nơi mang tính nhỏ lẻ tùy tiện sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ và phớt lờ luôn quy định về thời gian cách ly. Rau củ quả là những nông sản bị nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu nhiều nhất. Rau bẩn được vận chuyển từ các vùng trồng đến các chợ truyền thống ở các đô thị lớn. Nó dễ dàng đến từng nhà, chế biến cho các quán ăn, tiệm bánh mì… mà hầu như không bị kiểm soát. Thực trạng này không dẫn đến ngộ độc mới là chuyện lạ.

Nhiễm khuẩn Salmonella, E.Coli cũng thế. Nhiều cơ sở chăn nuôi không đủ an toàn nhưng bằng nhiều cách vẫn đưa được thịt ra thị trường. Một số lượng lớn khác được đưa vào các cơ sở chế biến thực phẩm và dễ dàng đến tay người tiêu dùng. Mối nguy hiểm này luôn được cảnh báo nhưng việc ngăn chặn còn quá xa xôi và người dân thì đành phó thác "may nhờ rủi chịu".

Trong bối cảnh hiện tại, ngày càng có nhiều người phải sử dụng thực phẩm chế biến sẵn nên rất khó phòng ngừa ngộ độc. Sáng có thể sử dụng bánh mì, bún, phở… cho tất cả trẻ em và người lớn (đặc biệt là bữa sáng của học sinh). Trưa thì thường ăn cơm của bếp ăn tập thể, hàng quán... Không ai biết được rau mà các nơi này đang bán có được rửa hay chưa chứ nói gì đến được khử khuẩn, làm sạch dư lượng hóa chất độc hại.

Những vụ kiểm tra đột xuất như ở Nha Trang vừa nói ở trên chỉ là thảng hoặc. Nếu có phát hiện vi phạm cũng chỉ phạt một ít tiền rồi thôi.

Ngay cả vụ ngộ độc bánh mì Phượng ở Hội An cũng chỉ phạt tiền và mở cửa bán lại sau 3 tháng bị đình chỉ. Mức phạt này không đủ sức răn đe bất cứ cơ sở kinh doanh cẩu thả hoặc thiếu lương tâm khác. Nói như thế cũng đồng nghĩa nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn hiện hữu.

Phương thức ngăn ngừa thực phẩm bẩn đã có. Ví dụ như quy định về việc sử dụng, cách ly thuốc bảo vệ thực phẩm; quy trình sản xuất sạch trong ngành giết mổ; các loại chế phẩm khử dư lượng thuốc trừ sâu, vi khuẩn độc hại… đã được phổ biến. Thế nhưng nhiều cơ sở sản xuất, chế biến cố tình bỏ qua. Họ làm vậy nhằm tiết giảm chi phí và bất chấp sức khỏe của người khác. Sự thiếu kiểm soát và xử lý không kiên quyết của các cơ quan chức năng đã gián tiếp khuyến khích cho cách làm ăn "bẩn" này.

Tình trạng ngộ độc và sức khỏe bị bào mòn do thực phẩm bẩn rất hiện hữu. Không còn cách nào khác là phải mạnh tay với sản xuất và buôn bán thực phẩm mất an toàn. Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước – nơi được giao nhiệm vụ gác cổng và bảo vệ sức khỏe của người dân.

HIẾU NGHI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/toi-len-tieng-phai-chan-dung-thuc-pham-ban-dau-doc-nguoi-dan-196240807184539309.htm