Tôm hùm bông 2.000 tỷ khó xuất sang Trung Quốc: Người nuôi kêu cứu khẩn cấp
Tôm hùm bông cho doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng một năm. Thế nhưng, người nuôi đang điêu đứng, kêu cứu khẩn cấp do xuất khẩu sang Trung Quốc ách tắc, vùng nuôi không phù hợp, thời gian kiểm dịch con giống nhập khẩu chưa phù hợp.
Thị trường Trung Quốc chiếm 98-99%, hàng trăm tấn tôm hùm chờ bán
“Người nuôi tôm chỉ chờ đến ngày thu hoạch bán được hàng rồi lấy tiền trả nợ. Nay tôm không xuất khẩu được, tiền nợ vẫn còn đó”, ông Võ Văn Thái, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản du lịch Vân Phong (Khánh Hòa), than thở.
Lời giãi bày này được ông Thái chia sẻ tại hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”, sáng 25/11.
Ông Thái cho biết, HTX có 32 thành viên, tôm hùm bông nuôi đều có nguồn gốc rõ ràng. Thế nhưng, các hộ nuôi của HTX đang điêu đứng, bởi còn tồn đọng hơn 100 tấn tôm hùm bông từ tháng 8 đến nay chưa xuất bán được.
Vị giám đốc HTX này mong muốn được cơ quan chức năng hỗ trợ để bà con sớm xuất khẩu được tôm.
Gắn bó với con tôm hùm đã 36 năm, bà Nguyễn Thị Ánh Quyên - hộ nuôi trồng thủy sản lớn tại Nha Trang (Khánh Hòa) cũng phải kêu cứu khẩn cấp. Theo bà, người nuôi tôm hùm chưa bao giờ khó khăn như thời điểm này. Những năm trước xảy ra dịch Covid-19, các hộ nuôi vẫn có thể vượt qua. Còn từ nay đến Tết, nếu không giải quyết được vấn đề thị trường xuất khẩu thì người nuôi tôm hùm vô cùng khó.
Theo bà Quyên, con tôm hùm hiện nay vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Bây giờ không xuất khẩu được, người dân hết tiền để mua thức ăn cho tôm hùm. “Đi vay bên ngoài với lãi suất cao cũng không được. Bởi, tôm không xuất bán được nên không ai dám cho vay”, bà nói thêm.
Ngoài vấn đề thị trường, bà cũng chỉ ra một số vùng được quy hoạch nuôi tôm hùm không phù hợp về điều kiện khí hậu, độ sâu. Bà đã nuôi 2 vụ nhưng đều thua lỗ. Tôm nuôi tới 15 tháng, trọng lượng chỉ đạt 4-5 lạng/con.
Cuối cùng, bà mong muốn Cục Thú y xem xét về vấn đề kiểm dịch con giống tôm hùm nhập khẩu, tránh kéo dài thời gian, đặc biệt là tôm hùm bông. Vì khi thay đổi môi trường nước quá lâu (nhốt trong bể), tôm giống sẽ khó phát triển, ảnh hưởng tới quá trình nuôi trồng của hộ dân.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm nay, sản lượng tôm hùm của nước ta ước khoảng 4.000 tấn. Riêng tôm hùm bông có giá trị kinh tế cao, cho doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng. Song, ông thừa nhận, xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn do họ thay đổi luật. Thế nên, phải tập trung tháo gỡ, khơi thông thị trường.
Ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) thông tin, tôm hùm xanh và tôm hùm bông là các loại tôm hùm xuất khẩu chính của nước ta. Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam, Trung Quốc chiếm 98-99%.
Để tôm hùm có thể đi vào thị trường Trung Quốc, các cơ sở nuôi được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản/thú y địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh thú y, được cấp mã số, lô hàng xuất khẩu được cấp chứng thư…
Tháng 5 vừa qua, Trung Quốc sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó tôm hùm bông tự nhiên nằm trong danh mục cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán. Tổng cục Hải Quan Trung Quốc chỉ đạo hệ thống hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu.
"Đối với cách xác định tôm hùm nuôi, không đánh bắt trực tiếp, phải trải qua quá trình nuôi. Nếu con giống khai thác từ tự nhiên cũng được coi là tôm khai thác tự nhiên. Nhà nhập khẩu của Trung Quốc muốn nhập khẩu phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc)", ông cho hay.
Không thể cứ mãi xuất nguyên con, bán tươi sống
Ông Trần Công Khôi - Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đánh giá, tôm hùm là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Do tôm hùm bông gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Trung Quốc, nên ông Khôi cho rằng bà con có thể chuyển sang nuôi tôm hùm xanh thay thế.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, trước khi chuyển đổi đối tượng nuôi cần tính toán dung lượng thị trường tiêu thụ như thế nào, có phù hợp hay không. Tránh trường hợp ồ ạt chuyển từ nuôi tôm hùm bông sang tôm hùm xanh, lúc thu hoạch không có đầu ra lại gây thiệt hại cho bà con.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, xu hướng tiêu dùng hiện nay đã thay đổi. Các thị trường đề cao tiêu chí trách nhiệm với môi trường, ưu tiên sản phẩm xanh. Do đó, chúng ta không thể cứ mãi nuôi tự phát, thích bán gì thì bán mà phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của các thị trường.
Ông đề nghị, các đơn vị có liên quan tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi biển. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng được quy hoạch, quy định giao mặt nước biển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân an tâm đầu tư phát triển. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung vào việc nâng cao năng lực, chất lượng con giống, quy trình nuôi, chế độ dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh…
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển công nghệ, năng lực chế biến để đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, đủ sức vươn ra tất cả các thị trường trên thế giới.
“Trước nay mình toàn đóng vào bao xuất thô, bán tươi sống chứ chưa chưa biến sâu đóng thành từng gói nhỏ. Khi xuất khẩu hàng nguyên con thì giá trị gia tăng chưa cao”, ông nói.
Về thị trường, ông nhấn mạnh Trung Quốc vẫn là thị trường lớn và tiềm năng, nhưng đây cũng là thị trường khó tính, có những quy định rất khắt khe, phải đặc biệt lưu ý, thay đổi trong khâu sản xuất sao cho phù hợp.
"Cùng với đó, phải xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện thị trường nội địa cũng rất quan trọng, không nên bỏ qua", Thứ trưởng Tiến lưu ý.
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đạt trên 257 triệu USD, tăng 8,3 lần so với năm 2021 nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng cao sau thời gian dài thị trường này đóng cửa do đại dịch Covid-19.
Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 95 triệu USD, giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022.