Tôm khô đặc sản hơn 100 tuổi ở miền Tây

Thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển được xem là 'cái nôi' của nghề làm tôm khô ở Cà Mau khi có khoảng 12 cơ sở sản xuất, sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm. Khởi nguồn của nghề này được cho là do từ hơn 100 năm trước, nguồn tôm nguyên liệu dồi dào, người dân không ăn hết nên nghĩ ra việc làm tôm khô để bảo quản lâu hơn.

3 thế hệ trong gia đình bà Sương đều làm tôm khô. Theo bà, công đoạn quan trọng nhất chính là phải luộc chín tới để đảm bảo được màu sắc đẹp mắt và vị ngọt của tôm, nếu luộc chín quá sẽ không ngon. Ngoài ra cũng cần muối tôm vừa vị đậm đà, nếu quá nhạt sẽ nhanh hỏng hoặc mặn quá sẽ không còn hương vị thơm ngon.

Để tăng năng suất, năm 2016, từ một cơ sở sản xuất, gia đình anh Hồng Chí Linh ở khóm 8, thị trấn Rạch Gốc quyết định mở rộng quy mô, đầu tư các trang thiết bị hiện đại và thành lập Công ty TNHH Chế biến thủy sản Chí Tâm.

Tôm khô Rạch Gốc được chia thành 2 loại chính là tôm vuông được làm từ tôm đất và tôm biển. Tôm khô đất loại 1 giá khoảng 1,5 triệu đồng/kg, tôm biển 700.000 - 800.000 đồng/kg.

Dựa vào nguồn nguyên liệu dồi dào do vị trí địa lý địa phương được thiên nhiên ban tặng, nghề làm tôm khô đã giúp ổn định cuộc sống cho bà con Rạch Gốc. Giờ đây, khi về với Rạch Gốc, du khách dễ dàng tìm thấy sản phẩm tôm có màu đỏ hồng tự nhiên, thịt khô, dẻo, vị ngọt đậm đà. Đó chính là những con tôm khai thác dưới tán rừng ngập mặn và ở vùng biển Cà Mau.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Khánh Hà - Hữu Bình - Phạm Quyền

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tom-kho-dac-san-hon-100-tuoi-o-mien-tay-211287.htm