Tồn kho cà phê ở mức thấp tiếp tục đẩy giá cà phê xuất khẩu tăng

Trong tuần cuối cùng tháng 3, giá cà phê đã tăng tới 4.000 đồng/kg. Giá cà phê xuất khẩu tăng nhưng cà phê Việt Nam đã cạn dần, tồn trong kho không nhiều.

Trong tuần qua, giá hai mặt hàng cà phê tăng lần lượt 3,60% đối với giá Robusta và 2,16% đối với giá Arabica. Tình hình khan hàng tại Việt Nam tiếp tục là động lực tăng chính của giá Robusta.

Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) cho biết, lượng cà phê xuất đi trong niên vụ 23/24 của nước ta ước tính giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,336 triệu tấn. Thời tiết khô hạn là nguyên nhân chính khiến sản lượng tại quốc gia xuất khẩu Robusta hàng đầu thế giới sụt giảm.

Đối với Arabica, bên cạnh lực kéo từ giá Robusta, tồn kho cà phê ở mức thấp tại các thị trường tiêu thụ chính đã hỗ trợ giá tăng. Chốt ngày 28/3, tổng số Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE - US đạt 595.209 bao, giảm 20,41% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù liên tục được củng cố trong suốt 2 tháng qua, nhưng xét về dài hạn, con số này vẫn chưa thể thoát khỏi vùng thấp lịch sử.

Cùng với đó, theo Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF), tổng số cà phê đang lưu trữ tại các cảng tính đến hết tháng 2/2024 chạm mức 401,77 tấn, thấp nhất kể từ tháng 8/2019.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong cuối tuần trước (ngày 30/3), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ hồi phục nhẹ sau ngày điều chỉnh giảm mạnh trước đó. Theo đó, giá thu mua cà phê trong nước dao động trong khoảng 98.100 - 98.600 đồng/kg, mức giá cao chưa từng có trong tiền lệ của thị trường cà phê Việt Nam. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, vẫn còn dư địa để giá cà phê nội địa chinh phục mức đỉnh mới 100.000 đồng/kg, cho đến khi nguồn cung Robusta mới từ Indonesia và Brazil được đẩy ra thị trường.

Thông tin nguồn cung thiếu hụt lớn từ Việt Nam, thị trường cà phê bắt đầu đón nhận tín hiệu mới từ nguồn thu hoạch tại Brazil và Indonesia. Sự bổ sung cà phê này đang là một trong những thông tin quan trọng bậc nhất đối với thị trường toàn cầu. Đặc biệt, khả năng bù đắp nguồn cung mới từ hoạt động xuất khẩu của hai quốc gia này so với những thiếu hụt từ Việt Nam sẽ là yếu tố hàng đầu quyết định diễn biến giá cà phê trong quý II/2024.

 Dự kiến Việt Nam xuất khẩu khoảng gần 600.000 tấn cà phê, với kim ngạch khoảng 1,9 tỷ USD

Dự kiến Việt Nam xuất khẩu khoảng gần 600.000 tấn cà phê, với kim ngạch khoảng 1,9 tỷ USD

Vicofa dự báo, sản lượng vụ 23/24 giảm thêm 10% so với vụ trước đó, về khoảng 1,6 triệu tấn (tương đương 26-27 triệu bao loại 60 kg). Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 26/3 dự kiến, sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023/24 có thể giảm khoảng 20% xuống 1,472 triệu tấn - mức thấp nhất trong 4 năm, do hạn hán.

Trong khi đó, từ nguồn Brazil, bối cảnh sản lượng cà phê vụ 24/25 được cải thiện, khả năng cao nước này sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu giống cà phê giàu vị đắng, nối dài chuỗi kỷ lục gần đây. Tính từ đầu vụ 23/24 (tháng 7/2023) đến hết tháng 2/2024, Brazil đã xuất khẩu khoảng 5 triệu bao Robusta dạng hạt, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, Brazil đã bước vào những tháng cuối của niên vụ, lượng Robusta xuất đi hàng tháng vẫn duy trì 500.000 - 600.000 bao, là lượng xuất khẩu kỷ lục so với cùng kỳ các vụ trước.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vừa công bố, quý I/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 600.000 tấn cà phê, với kim ngạch khoảng 1,9 tỷ USD. Điều này nhờ giá bán cao kỷ lục, gần chạm mốc 100.000 đồng/kg. Theo các chuyên gia, giá cà phê tăng cao, nông dân có quyền hưởng lợi.

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group, cho biết ở trong nước, nhu cầu thu mua cà phê tăng cao nhưng lượng bán ra nhỏ giọt. Điều này dẫn tới thực tế người trồng thấy giá cao nên găm hàng không bán. Thương lái không đủ hàng giao cho các nhà chế biến, còn doanh nghiệp lỗ khi mua cao, bán thấp.

Đầu năm nay, giá cà phê tăng mạnh, các doanh nghiệp khó khăn lắm mới mua được cà phê xuất khẩu. Trong khi cà phê Việt Nam là sản phẩm không thể thay thế tại thị trường châu Âu.

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), giá tăng nhưng lượng cà phê Việt Nam đã cạn dần. Tồn trong kho trong doanh nghiệp và nông dân không nhiều. Do đó, lượng xuất khẩu từ nay đến cuối vụ sẽ giảm. Khả năng kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ đạt hơn 5 tỷ USD trong năm 2024.

Nước ta hiện có khoảng 660.000ha trồng cà phê. Trong đó, cà phê đặc sản chỉ chiếm 2% diện tích, và cà phê hữu cơ chiếm 3% diện tích.

Ngọc Ngân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ton-kho-ca-phe-o-muc-thap-tiep-tuc-day-gia-ca-phe-xuat-khau-tang-312035.html