Tồn kho lớn, doanh nghiệp đối mặt với áp lực về dòng tiền

Với nhiều ngành hàng, thị trường còn khá mờ mịt, dẫn tới tồn kho hàng hóa lên tới cả hàng nghìn ngày. Do vậy, vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp vẫn là dòng tiền. Trong bối cảnh khó khăn này, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, Quốc hội xem xét kéo dài chương trình hỗ trợ đến năm 2024, thậm chí kéo dài tới 2025.

Qua phân tích sơ bộ báo cáo tài chính của 1.579 doanh nghiệp (DN) niêm yết trên 3 sàn giao dịch chứng khoán ở Việt Nam (chia thành 10 ngành cụ thể) trong thời gian từ 2018 đến 6 tháng đầu năm 2023, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhận định, trong bối cảnh suy giảm đơn hàng, khó huy động vốn qua trái phiếu, cổ phiếu, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, dòng tiền trở thành vấn đề cấp thiết nhất của DN.

Khi dòng tiền trở thành vấn đề cấp thiết

Trong đó, DN xây dựng và bất động sản gặp vấn đề lớn nhất về dòng tiền khi số ngày phải thu và số ngày tồn kho tăng lên nhiều lần: Số ngày phải thu trung bình của DN xây dựng quý I/2022 là 463 ngày, sang quý I/2023 lên đến 1.165 ngày. Dù hết quý II/2023 giảm xuống còn 598 ngày nhưng cũng cho áp lực dòng tiền của DN xây dựng. Bên cạnh đó, số ngày tồn kho trung bình quý I/2023 lên đến 4527 ngày, so với 661 ngày của quý I/2022.

Có doanh nghiệp bất động sản phải mất 149 năm mới bán hết giỏ hàng.

Có doanh nghiệp bất động sản phải mất 149 năm mới bán hết giỏ hàng.

Số ngày tồn kho trung bình của DN bất động sản quý I/2023 cũng lên đến 5.662 ngày, cá biệt có DN có số ngày tồn kho lên đến 54.334 ngày (hay với tình hình bán hàng như hiện tại, DN phải mất 149 năm mới bán hết giỏ hàng).

Tình hình khó khăn mà DN gặp phải chưa biết khi nào chấm dứt. Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV, cho hay một số ngành hàng có đơn hàng chưa kịp phục hồi như kì vọng như xây dựng, vật liệu xây dựng, nhôm, thép…

Một số ngành hàng có tín hiệu sáng hơn như gỗ, dệt may, nông nghiệp… Tuy nhiên, các DN lại gặp khó khăn ở hình thái khác liên quan tới giá, như ngành gỗ bị ép giá thấp, dệt may đơn hàng chưa thực sự bền vững, nông nghiệp giá cao nhưng thách thức lớn về tỷ giá, lãi vay. DN đang cố gắng để thúc đẩy bài toán thị trường truyền thống, đồng thời phát triển thị trường mới.

“Các DN kỳ vọng rằng những định hướng đúng đắn trong chỉ đạo điều hành, và hỗ trợ DN trong thời gian qua của Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì tới năm 2024, tạo kỳ vọng cho họ đặt niềm tin vào kinh doanh”, bà Thủy chia sẻ.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, giai đoạn từ cuối quý III đến nay, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn. Bên cạnh nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn huy động của khách hàng, thì các DN, chủ đầu tư dự án bất động sản có nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn trung hạn, dài hạn trên thị trường vốn như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu DN, các quỹ đầu tư bất động sản, các quỹ đầu tư tín thác bất động sản.

Do vậy, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị, có giải pháp về phát triển thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, phát triển các quỹ đầu tư bất động sản, các quỹ đầu tư tín thác bất động sản nội địa có nguồn vốn lớn và có cơ chế hoạt động theo thông lệ quốc tế để trở thành kênh huy động vốn trung hạn, dài hạn, hiệu quả cho nền kinh tế và thị trường bất động sản…

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TP.HCM (VITAS), từ cuối 2022, toàn ngành đã bắt đầu có dấu hiệu thiếu đơn hàng. Đến 2023, tình hình cực kỳ khó khăn do các thị trường quốc tế giảm tiêu dùng cho quần áo may mặc, giá thành nguyên liệu tăng… trong khi DN hầu hết lệ thuộc vải nhập khẩu (trước dịch nhập rất nhiều từ Trung Quốc, Đài Loan).

“Có trường hợp đau xót là DN chỉ làm cho thị trường Mỹ, khi thị trường đi xuống, DN gặp khó khăn và đóng cửa. Cùng với đó, trong giai đoạn vừa qua, một số DN đã năng động, linh hoạt mở rộng ngành hàng, sẵn sàng nhận những đơn hàng nhỏ nhưng giá không cao, làm chỉ đủ chi phí để giữ chân người lao động”, bà Mai cho biết.

Thêm vào đó, một khó khăn nữa là toàn thế giới chuyển sang xu thế phát triển bền vững nên những cam kết về môi trường, lao động rất khắc nghiệt, đòi hỏi DN phải đầu tư nhưng giá trị đơn hàng không tăng. VITAS khuyến nghị các DN thành viên "thay đổi hay là chết", phải phát triển bền vững, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc…

Kỳ vọng kéo dài chính sách hỗ trợ

Theo đó, để hỗ trợ các hội viên, bên cạnh giải pháp phát triển về thị trường, VITAS đã làm việc với các tổ chức ngân hàng, tổ chức cho thuê tài chính để triển khai các giải pháp hỗ trợ tài chính DN.

Phải nhìn nhận là chưa bao giờ ngành dệt may rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Trên cơ sở nhận diện, phân tích những khó khăn, tồn tại, VITAS đã điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu năm nay về mức khả thi hơn là 40 tỷ USD.

Trước khó khăn mà các DN gặp phải, Ban IV kiến nghị, các chính sách trước mắt cần tập trung vào hỗ trợ dòng tiền thông qua hỗ trợ tiếp cận vốn và giãn, giảm chi phí cho DN.

Trong cơ cấu chi phí của DN, chi phí vận hành là trách nhiệm của DN và để cứu mình, nhiều DN đã phải chủ động cắt giảm chi phí, giảm quy mô hoạt động và quy mô lao động.

Các phần chi phí khác như chi phí lãi vay, chi phí thuế -phí, chi phí bảo hiểm xã hội... nằm trong không gian chính sách của Nhà nước. Do đó, Chính phủ có thể trọng tâm thực hiện các chính sách giúp DN tiếp cận vốn hiệu quả; giãn, giảm chi phí, tạo dòng tiền ngắn hạn ít nhất trong nửa cuối năm 2023 (hoặc nửa đầu năm 2024 tùy độ trễ của chính sách). Để thực hiện hiệu quả các biện pháp này, cần có cách tiếp cận vừa tổng thể về hỗ trợ DN vừa phải phân tích bài toán theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể.

Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, hệ thống ngân hàng có thể cân nhắc cho phép các DN cung cấp sản phẩm thuộc phân khúc phục vụ nhu cầu thiết yếu/ưu tiên (như hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội, khu công nghiệp, văn phòng...) được giãn nợ/giữ nhóm nợ theo tinh thần thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước...

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trong bối cảnh các yếu tố chưa tích cực là nhu cầu nhập khẩu bên ngoài vẫn yếu, xuất khẩu gặp khó khăn, các đối tác thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất có thể không tăng nhưng chưa giảm và ở mức cao. Cầu trong nước có thể vẫn suy giảm. Lãi suất khó có thể giảm tiếp vì tình hình quốc tế tác động… Ông Cung nhấn mạnh vẫn cần có giải pháp hỗ trợ DN và người dân.

“Chúng ta biết, Chính phủ và Quốc hội đang bàn kéo dài chương trình hỗ trợ đến năm 2024 nhưng tôi hy vọng kéo dài tới 2025 để tạo ra một niềm hứng khởi, tạo luồng gió thúc mọi người tiêu dùng nhiều hơn. Tôi vẫn mong muốn có chương trình hỗ trợ cho dịch vụ, du lịch và bị đại dịch nên chúng ta phải vực dậy ngành nghề này vì đây rất quan trọng”, ông Cung nhấn mạnh.

TS.Trần Thị Hồng Minh

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tôi cho rằng, cần chú trọng hơn nội dung cải cách thể chế kinh tế, cải cách hành chính và môi trường đầu tư – kinh doanh. Từ thực tiễn triển khai trong giai đoạn 2022 – 2023, việc thực hiện quyết liệt và chất lượng các nội dung cải cách này sẽ giúp giảm đáng kể áp lực đối với kinh tế vĩ mô và lạm phát trong bối cảnh thúc đẩy phục hồi tăng trưởng thông qua các giải pháp tài khóa và tiền tệ. Điểm quan trọng là các cải cách ấy cũng cần diễn ra ở các lĩnh vực liên quan đến các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có năng lượng, thị trường vốn, tạo thuận lợi thương mại…

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam

Đoàn Bến Tre

Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách trong chương trình phục hồi kinh tế, nhưng áp lực về chi phí lãi vay của DN vẫn còn rất lớn, trong khi họ vừa phải duy trì thu mua nguyên liệu của người dân, vừa áp lực hàng tồn kho, chi phí kho bãi, vừa áp lực tiếp tục đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ để không bị tụt hậu so với thị trường thế giới. Vì vậy, DN mong muốn Quốc hội, Chính phủ đồng hành và chia sẻ với họ trong lúc khó khăn này.

Ông Nguyễn Anh Đức

Tổng Giám đốc Liên Hiệp HTX thương mại TP.HCM, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà Bán lẻ Việt Nam

Ngành bán lẻ quy mô khoảng 140 tỷ USD, nếu có những chính sách tích cực sẽ tác động trực tiếp tới người tiêu dùng. Vì vậy, các chính sách sau giai đoạn COVID-19 như giảm 2% thuế VAT tập trung nhiều vào người tiêu dùng cá nhân. Mong rằng thời gian tới, các chính sách tập trung vào DN nhiều hơn để giúp DN tồn tại và phát triển. Theo đó, những chính sách cần có những hoạch định, áp dụng sớm hơn và mang tính liên tục, dài hơi hơn để các DN có thể tồn tại, phát triển cung ứng của mình.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/ton-kho-lon-doanh-nghiep-doi-mat-voi-ap-luc-ve-dong-tien-1096408.html